Quy định mới về Quản lý nước thải: DN phải chịu chi phí xử lý
Quản lý nước thải là một trong những nội dung quan trọng của dự thảo Nghị định về quản lý chất thải và phế liệu đang được cơ quan soạn thảo lấy ý kiến.
Theo dự thảo, nước thải phải được thu gom, xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường trước khi xả thải ra môi trường. Đồng thời, phải được quản lý thông qua các hoạt động giảm thiểu, tái sử dụng, thu gom và xử lý; khuyến khích các hoạt động nhằm tái sử dụng, giảm thiểu phát sinh nước thải theo quy định của pháp luật.
Quy định và trách nhiệm
Theo các chuyên gia, tổ chức, hộ gia đình có phát sinh nước thải phải đóng phí bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật. Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có phát sinh nước thải phải chịu trách nhiệm trả toàn bộ chi phí xử lý… Cũng theo các chuyên gia, dự thảo Nghị định đã quy định rõ trách nhiệm của bộ, ngành trong quản lý nước thải. Cụ thể, Bộ Tài nguyên môi trường có trách nhiệm quy định chi tiết các yêu cầu kỹ thuật và quản lý trong việc giảm thiểu, tái sử dụng nước thải; Quy định các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ có quy mô xả thải lớn và có nguy cơ tác hại đến môi trường phải tổ chức quan trắc môi trường nước thải tự động và chuyển số liệu cho cơ quan quản lý có thẩm quyền. Bộ Xây dựng có trách nhiệm quy hoạch về thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt khu đô thị, dân cư tập trung; UBND cấp tỉnh chỉ đạo tổ chức việc thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt đô thị trong địa bàn, xây dựng cơ sở dữ liệu nguồn thải, nước thải, quan trắc kiểm soát chất lượng nước tại nguồn tiếp nhận…
Với những quy định cụ thể về quản lý nước thải cũng như trách nhiệm của chính quyền địa phương và các bộ ngành tại dự thảo Nghị định về quản lý chất thải và phế liệu, các chuyên gia cho rằng, khi thực thi các quy định về quản lý nước thải sẽ phù hợp với các văn bản pháp luật liên quan, khắc phục được các bất cập và đáp ứng các yêu cầu thực tế về quản lý nước thải.
Quản lý còn chồng chéo
Tuy nhiên một số chuyên gia cho rằng, trong việc quản lý môi trường nói chung và quản lý môi trường nước nói riêng, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật còn chồng chéo về chức năng quản lý nhà nước giữa các bộ, ngành; còn thiếu những văn bản quy định chi tiết trong việc quản lý chất lượng môi trường nước… Theo ông Trương Mạnh Tiến – Liên minh nước sạch, vẫn còn chồng chéo về quản lý nước thải và phân định trách nhiệm thực thi. Hệ thống cơ sở hạ tầng không đồng bộ, quy định BVMT chưa có vai trò trong quy hoạch phát triển ngành, địa phương; Các khó khăn trong đầu tư xây dựng và vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung, đặc biệt ở làng nghề và đô thị…
Theo ông Tiến, nguyên tắc chung về quản lý chất thải/nước thải đó là các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm tăng cường áp dụng các biện pháp nhằm phòng ngừa, giảm thiểu phát sinh chất thải, phải thực hiện phân loại chất thải tại nguồn nhằm mục đích tăng cường hiệu quả xử lý, tái sử dụng, tái chế. Nước thải phải được thu gom để tái sử dụng hoặc xử lý trong hệ thống xử lý nước thải hoặc được phép của cơ quan quản lý nhà nước về môi trường cho phép chuyển giao cho tổ chức, cá nhân có chức năng phù hợp để tái sử dụng hoặc xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường trước khi thải ra môi trường… Bà Nguyễn Ngọc Lý - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Môi trường và cộng đồng cho rằng, cần phải xây dựng chính sách chuyên biệt cho kiểm soát ô nhiễm nước trong tương lai.
Diễn đàn doanh nghiệp
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo