Quý I, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt gần 80 tỷ USD
Theo số liệu thống kê sơ bộ phổ biến ngày 14/4 của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước trong tháng 3/2016 đạt 29,61 tỷ USD, tăng 45,2% so với tháng trước (do tháng trước có số ngày nghỉ lễ nhiều).
Trong đó, tổng trị giá xuất khẩu là 15,12 tỷ USD, tăng 49,7% và tổng trị giá nhập khẩu là 14,49 tỷ USD, tăng 40,8% so với tháng 2/2016. Xét về số tuyệt đối, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước tăng 9,22 tỷ USD so với tháng trước, trong đó xuất khẩu tăng hơn 5 tỷ USD và nhập khẩu tăng 4,2 tỷ USD.
Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong tháng 3 thặng dư gần 624 triệu USD, qua đó nâng mức thặng dư thương mại trong quí I năm 2016 đạt 1,36 tỷ USD.
Trong 3 tháng đầu năm 2016, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam sơ bộ đạt 76,17 tỷ USD, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm 2015, trong đó trị giá xuất khẩu là 38,77 tỷ USD, tăng 6,6% và trị giá nhập khẩu là 37,4 tỷ USD, giảm 4%
Xét theo loại hình doanh nghiệp xuất khẩu, khu vực các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trong 3 tháng/2016 là 49,77 tỷ USD, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 65,3% trong tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước. Trong khi đó, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của khối các doanh nghiệp trong nước đạt 26,4 tỷ USD, giảm 2,8% và chỉ chiếm 34,7%.
Trong khi đó, xuất khẩu hàng hóa của khối các doanh nghiệp trong nước suy giảm 2,2% trong quý I/2016, trong khi khối các doanh nghiệp FDI tăng 10,8%.
Theo đó, trong 3 tháng/2016, tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa của khối các doanh nghiệp trong nước là 11,49 tỷ USD. Mặc dù xuất khẩu hàng nông sản tăng nhưng không bù đắp đủ phần giảm mạnh của nhóm hàng dầu thô, giảm tới 446 triệu USD. Do đó, trị giá xuất khẩu của khối này giảm 2,2%, tương ứng giảm 260 triệu USD.
Trị giá xuất khẩu của khối các doanh nghiệp FDI trong 3 tháng/2016 đạt gần 27,28 tỷ USD, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm trước, tương đương tăng 2,65 tỷ USD về số tuyệt đối (riêng xuất khẩu nhóm hàng điện thoại các loại và linh kiện đã tăng hơn 1,6 tỷ USD).
Nhập khẩu hàng hóa trong quý I/2016 của khối doanh nghiệp FDI và khối doanh nghiệp trong nước đều giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước.
Trị giá nhập khẩu của khối doanh nghiệp FDI trong quý I/2016 là 22,49 tỷ USD, giảm 4,5% tương ứng giảm 1,06 tỷ USD. Riêng nhập khẩu nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ và phụ tùng giảm tới 1,44 tỷ USD. Tuy nhiên, khối doanh nghiệp này cũng tăng nhập khẩu ở một số nhóm hàng như: máy vi tính, sản phẩm điện tử & linh kiện tăng 699 triệu USD; kim loại thường khác tăng 218 triệu USD.
Trị giá nhập khẩu hàng hóa của khối các doanh nghiệp trong nước trong 3 tháng/2016 là 14,92 tỷ USD, giảm 3,3% (tương ứng giảm 512 triệu USD). Trong đó, giảm ở 2 nhóm hàng phương tiện vận tải & phụ tùng và xăng dầu các loại với mức giảm lần lượt là 434 triệu USD và 420 triệu USD.
Xét về thị trường xuất nhập khẩu, trong quý đầu của năm 2016, tổng trị giá trao đổi hàng hóa của Việt Nam với châu Mỹ đạt 13,35 tỷ USD, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm 2015. Đây là châu lục đạt mức tăng trưởng cao nhất trong quý I năm nay.
Xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam với châu Á và tiếp tục chiếm tỷ trọng cao nhất (64,7%) trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước, nhưng trị giá xuất nhập khẩu trong quý I/2016 với thị trường này lại giảm 1,8% so với quý I/2015, đạt trị giá là 49,26 tỷ USD.
Kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với các châu lục khác lần lượt là: Châu Âu: 11,17 tỷ USD, tăng 4,6%; châu Đại Dương: 1,39 tỷ USD, tăng 0,2% và châu Phi: 1,02 tỷ USD, giảm 6,3% so với cùng kỳ năm 2015.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 10/1/2025: Thị trường vàng tiếp tục đà tăng mạnh
Giá ngoại tệ ngày 10/1/2025: USD tăng mạnh phiên thứ ba liên tiếp
STARLUX mua thêm 5 máy bay vận tải A350F
Giá heo hơi ngày 10/1/2025: Miền Bắc tiếp tục duy trì đà tăng
Giá nông sản ngày 10/1/2025: Cà phê và hồ tiêu giảm sâu bất ngờ
Hàng Việt chiếm ưu thế trên thị trường Tết