Chứng khoán

Quy mô thị trường chứng khoán năm 2013 đạt 31% GDP

Tái cấu trúc và quản lý giám sát thị trường chứng khoán theo hướng công khai minh bạch vẫn là mục tiêu xuyên suốt trong các giải pháp điều hành thị trường trong năm 2014 mà Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đưa ra tại hội nghị tổng kết diễn ra vào sáng ngày 11/12/2013.

Theo số liệu từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, các chỉ số giá chứng khoán đều tăng so với cuối năm 2012, VN-Index tăng trên 22%, HNX-Index tăng 13%.  Ảnh: VnEconomy.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thống nhất với các nhóm giải pháp của Ủy ban Chứng khoán, nhất là những giải pháp tập trung phát triển quy mô và chất lượng cho thị trường.

Trong năm 2013, mặc dù yếu tố kinh tế vĩ mô đã có chuyển biến tích cực hơn song tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp còn có nhiều khó khăn, thị trường chứng khoán vẫn duy trì được tăng trưởng. Giá trị giao dịch tăng 31%, chỉ số chứng khoán VN-Index tăng 22% so với năm 2012. Đặc biệt, trong năm 2013, lượng trái phiếu chính phủ huy động trên thị trường tăng rất cao, góp phần thực hiện nhiệm vụ tài chính ngân sách nhà nước được giao.

Ổn định trong khó khăn

Theo số liệu từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, các chỉ số giá chứng khoán đều tăng so với cuối năm 2012, VN-Index tăng trên 22%, HNX-Index tăng 13%. Sự gia tăng của các chỉ số đã đưa Việt Nam trở thành 1 trong 10 nước có mức độ phục hồi mạnh nhất thế giới.

Mức vốn hoá thị trường năm 2013 cũng tăng so với năm 2012, đạt khoảng 964 nghìn tỷ đồng (tăng 199 nghìn tỷ đồng so với cuối năm 2012), tương đương mức 31% GDP.

Quy mô giao dịch bình quân mỗi phiên đạt 2.578 tỷ đồng, tăng 31% so với năm 2012, chủ yếu là nhờ giao dịch trái phiếu chính phủ, bình quân giao dịch trái phiếu Chính phủ đạt 1.257 tỷ đồng/phiên (tăng 90%) và bình quân giao dịch cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đạt 1.322 tỷ đồng/phiên, tăng nhẹ 1,5% so với năm 2012.

Đáng chú ý, dù năm 2013 thị trường chứng khoán được dự báo sẽ phải chứng kiến sự thoái lui đầu tư của nhà nước ngoài nước ngoài, nhưng trên thực tế, tổng dòng vốn nước ngoài luân chuyển trong năm 2013 vẫn tăng 54% và giá trị danh mục tăng khoảng 3,8 tỷ USD so với cuối năm 2012. Số lượng tài khoản nhà đầu tư đạt khoảng 1,27 triệu tài khoản, trong đó số lượng tài khoản nhà đầu tư nước ngoài tăng 55%.

Cũng trong năm 2013, vai trò huy động vốn của thị trường chứng khoán tiếp tục được khẳng định khi tổng giá trị huy động vốn qua thị trường chứng khoán tiếp tục tăng, đạt 179 nghìn tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2012; trong đó huy động vốn qua cổ phiếu và cổ phần hóa là 17,5 nghìn tỷ đồng, tăng 5% so với năm 2012.

Quy mô huy động vốn qua phát hành riêng lẻ cũng tăng mạnh, đạt khoảng trên 24 nghìn tỷ đồng (gấp 5 lần so với cả năm 2012). Vốn huy động qua trái phiếu Chính phủ đạt 162 nghìn tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2012.

Đối với nhóm công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, năm 2013 tiếp tục là một năm khó khăn và quyết liệt thực hiện thanh lọc. Số công ty chứng khoán lỗ trong năm 2013 là 63% (58/94 công ty chứng khoán có lỗ lũy kế với số lỗ là (-5.267) tỷ đồng, giảm so với con số hơn 70% công ty lỗ năm 2012. Đối với các công ty quản lý quỹ, số đơn vị hoạt động cầm chừng, thua lỗ ít hơn.

Tính đến hết quý 3/2013, có 41/47 công ty quản lý quỹ còn hoạt động, trong đó chỉ có 22 công ty hoạt động có lãi. 6 công ty đã được xử lý bằng nhiều giải pháp, rút khỏi thị trường, trong đó: giải thể 1 công ty, tạm ngừng hoạt động 2 công ty để tự tái cơ cấu; đình chỉ hoạt động 1 công ty do không duy trì điều kiện cấp phép và đặt 2 công ty vào tình trạng kiểm soát đặc biệt do không duy trì được tỷ lệ an toàn tài chính theo quy định.

Trong năm 2013, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã cấp phép thành lập cho 1 công ty quản lý quỹ có chủ sở hữu là doanh nghiệp bảo hiểm, hiện đang xem xét cấp phép cho 2 công ty quản lý quỹ khác thuộc doanh nghiệp bảo hiểm.

Về hoạt động của các công ty niêm yết, nói chung vẫn gặp nhiều khó khăn,  tuy nhiên có tín hiệu khả quan hơn so với năm 2012. 9 tháng đầu năm 2013 so với cùng kỳ năm 2012, tổng doanh thu của các công ty niêm yết tăng khoảng 17 nghìn tỷ đồng (2,9%), tổng lợi nhuận sau thuế tăng 19,1%; chi phí tài chính giảm 12%; tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) tăng 8,5%. Tuy nhiên tỷ lệ công ty có lỗ lũy kế ở mức 20%, vẫn tương đương năm 2012.

Điều này cho thấy các công ty làm ăn có lãi thì tiếp tục có kết quả khả quan, còn các công ty đã bị lỗ thì tiếp tục lỗ nhiều hơn. Nếu so với các doanh nghiệp chưa niêm yết, các công ty niêm yết vẫn có khả năng lợi nhuận cao hơn.

2014: tiếp tục quyết liệt tái cấu trúc

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thống nhất với 7 giải pháp và kiến nghị phát triển thị trường chứng khoán trong năm 2014 mà Ủy ban Chứng khoán đề xuất. Về khuôn khổ pháp lý, trước mắt, Bộ trưởng đề nghị Ủy ban Chứng khoán tiếp tục hoàn thiện các đề án đã đăng ký như Đề án thị trường chứng khoán phái sinh, Đề án thành lập Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam và Quyết định về tỷ lệ tham gia của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Đây cũng là những đề án quan trọng, có tác động trực tiếp đến tổ chức và phát triển thị trường...

Đối với việc triển khai chiến lược phát triển thị trường chứng khoán và Đề án tái cấu trúc thị trường chứng khoán đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ trưởng yêu cầu triển khai quyết liệt.

Trong đó,  tái cấu trúc và nâng cao chất lượng hàng hóa trên thị trường chứng khoán, chú trọng chất lượng các doanh nghiệp niêm yết. Tái cấu trúc cơ sở  các nhà đầu tư, khuyến khích hình thành và phát triển các nhà đầu tư có tổ chức, đặc biệt là quỹ hưu trí tự nguyện.

Riêng với tái cấu trúc lại các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ phải theo hướng thu hẹp về số lượng, nâng cao năng lực tài chính và chất lượng quản trị điều hành, quản trị rủi ro. Tái cấu trúc lại hệ thống giao dịch chứng khoán, theo đó là Đề án thành lập Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam, Bộ trưởng đề nghị Ủy ban Chứng khoán và các Sở nghiên cứu, đánh giá kỹ báo cáo Lãnh đạo Bộ xin ý kiến các Bộ, ngành để trình Thủ tướng Chính phủ.

Liên quan đến các giải pháp thúc đẩy phát triển thị trường, Bộ trưởng đồng ý với đề xuất của Ủy ban Chứng khoán là cần phải đẩy mạnh tiến trình cổ phần hóa và thoái vốn lại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, góp phần thực hiện cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước.

“Lãnh đạo Bộ rất quan tâm đến công tác này, coi đây là điểm then chốt trong tiến trình cải cách quản lý tài chính đối với doanh nghiệp nhà nước, vì vậy đề nghị các đơn vị trong Bộ như Cục Tài chính doanh nghiệp, Ủy ban Chứng khoán phải có sự phối hợp để triển khai cho tốt. Thực hiện cho được công tác công khai, minh bạch, theo đó các doanh nghiệp sau khi phát hành ra công chúng (kể cả doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa) phải lên niêm yết trên thị trường theo quy định của pháp luật. Trên cơ cở đó, áp dụng quản trị công ty theo thông lệ tốt, thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính và công khai hóa thông tin”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Đối với đề xuất mở rộng sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường chứng khoán Việt Nam theo các cam kết quốc tế và tiến trình hội nhập, hiện nay Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo quyết định thay thế Quyết định số 55 về tỷ lệ tham gia của nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường chứng khoán Việt Nam theo hướng khuyến khích mở rộng thị trường. Bộ trưởng cũng đề nghị tiếp tục bám sát việc này để thúc đẩy quá trình ban hành văn bản sớm.

Về công tác quản lý giám sát đối với thị trường chứng khoán, Bộ trưởng cũng đánh giá cao nỗ lực của Ủy ban Chứng khoán trong việc giám sát thị trường chứng khoán trong thời gian qua. Tuy nhiên do thị trường ngày càng phát triển nên tính phức tạp càng cao hơn, mặt khác thị trường chứng khoán liên thông với ngân hàng, vì vậy đòi hỏi Ủy ban Chứng khoán cần tăng cường công tác quản lý, giám sát, xử lý nghiêm những sai phạm, đảm bảo hoạt động thị trường lành mạnh.

Theo Thời báo Kinh tế Việt Nam
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo