Tin tức - Sự kiện

Quy trách nhiệm Bộ trưởng: Khó thoát khỏi vòng kim cô

"Cơ chế quản lý của chúng ta hiện nay nó giống như một chiếc vòng kim cô. Chính phủ quy trách nhiệm Bộ trưởng trong khi đó Đảng ủy lại quyết định số phận Bộ trưởng. Ra quy định mà vẫn cơ chế đó thì không thực hiện được" - Ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Phó trưởng ban Tổ chức TW nói.

Ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Phó trưởng ban Tổ chức TW

PV: - Thưa ông, ông hiểu thế nào về việc cần phải đưa quy định cụ thể việc quy trách nhiệm của Bộ trưởng trước Thủ tướng, Chính phủ vào nội dung sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Cá nhân ông, ông có ủng hộ quan điểm này không. Vì sao, thưa ông?
 
Ông Nguyễn Đình Hương: Theo tôi, chủ trương quy trách nhiệm cho Bộ trưởng trước Thủ tướng Chính phủ và Quốc hội là vấn đề cấp bách cần phải đặt ra.
 
Nhưng ở Việt Nam cơ chế trách nhiệm cá nhân chưa được quy định rõ ràng, trong khi đó cơ chế phê bình, tự phê bình thì không còn phù hợp nữa. Có thưởng thì họ nhận về mình, khi xảy ra sự cố thì đổ lỗi cho tập thế, cho cơ chế. Điều này cản trở văn hóa từ chức, muốn thực hiện văn hóa từ chức trước hết chế độ trách nhiệm cá nhân phải rõ, có công được thưởng, có lỗi phải phạt.
 
Tôi công tác đã 55 năm, nhưng tôi mới chỉ chứng kiến có 5 trường hợp bị mất chức. Trường hợp thứ nhất là khi đó Bác Hồ cách chức ông Trần Đăng Khoa - Bộ trưởng Bộ Thủy Lợi.
 
Thứ hai là vụ việc xây dựng Thủy Cung Thăng Long, Phó Thủ tướng Ngô Xuân Lộc cũng đã bị mất chức.
 
Sau này, có tiếp vụ việc liên quan đến Lã Thị Kim Oanh, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Huy Ngọ đã phải xin từ chức.
 
Ông Vũ Ngọc Hải, Bộ trưởng Bộ Điện lực, cũng bị mất chức và chịu án tù 3 năm liên quan đến vụ việc đường dây điện 500Kv.
 
Gần đây nhất là ông Đào Đình Bình - Bộ trưởng Bộ GTVT, bị mất chức vì để xảy ra vụ lật tàu gây chết người ở Lăng Cô.
 
PV: - Vậy, theo ông để quy được trách nhiệm cho cá nhân Bộ trưởng chúng ta phải làm gì, thưa ông?
 

Ông Nguyễn Đình Hương: - Để quy được trách nhiệm cho cá nhân Bộ trưởng phải thực hiện được 3 vấn đề:
 
Thứ nhất: Phải đổi, minh bạch hệ thống. Nếu không tách bạch mối quan hệ giữa cá nhân với tập thể, Bộ trưởng với tập thể thì quy trách nhiệm thế nào?
 
Ví dụ, vụ việc nhân bản kết quả xét nghiệm tại Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức. Bệnh viện Hoài Đức phải chịu trách nhiệm thì rõ rồi, nhưng Sở Y tế Hà Nội, thành phố Hà Nội có phải chịu trách nhiệm không, trách nhiệm thế nào, Bộ Y tế phải chịu trách nhiệm đến đâu?
 
Nghĩa là phải phân cấp, phân quyền, phân trách nhiệm rõ ràng.
 
Thứ hai, đã quy trách nhiệm đến cấp Bộ trưởng thì cũng phải quy trách nhiệm cả với cấp Phó Thủ tướng phụ trách . Ví dụ, vụ nứt đập thủy điện Sông Tranh 2. Bộ trưởng Bộ Công thương phải chịu trách nhiệm những gì, trách nhiệm đến đâu. Phó Thủ tướng chịu trách nhiệm đến đâu? Nếu vỡ đập, nước cuốn gây chết cả triệu người thì sao?
 
Tuy nhiên, quy được trách nhiệm đến cấp này thì cơ quan nào giám sát ? Nghĩa là cơ chế này vẫn còn bỏ ngỏ.
 
Thứ ba, phải làm rõ trách nhiệm giữa các mối quan hệ, cấp trên với cấp dưới, chủ trương với thực hiện.
 
Không đổi mới khó thoát khỏi vòng kim cô
 
PV: - Trong điều kiện hiện nay, việc quy trách nhiệm sẽ gặp phải khó khăn, thuận lợi gì, thưa ông?
 
Ông Nguyễn Đình Hương: - Quy định là đúng, chủ trương là đúng nhưng thực hiện được thì phải có một quy chế kèm theo. Phạm vi quy chế đó phải giải quyết được các mối quan hệ trên dưới. Quy chế đó phải là do Quốc hội, thường vụ Quốc hội ban hành thì mới có thể thực hiện được.
 
Tuy nhiên, cơ chế quản lý của chúng ta hiện nay nó giống như một chiếc vòng kim cô khép kín. Chính phủ quy trách nhiệm Bộ trưởng trong khi đó Đảng ủy lại quyết định số phận Bộ trưởng. Ra quy định mà vẫn cơ chế đó thì không thực hiện được đâu.
 
PV: - Vậy, theo ông đi cùng với việc quy trách nhiệm là hình thức xử lý hay khen thưởng phải được hiểu và quy định như thế nào? Có nên đề ra mục tiêu và thực hiện chiến lược hành động cho cá nhân mỗi Bộ trưởng dưới sự giám sát của người dân không, thưa ông?
 
Ông Nguyễn Đình Hương: Hãy nhìn từ thế giới. Quốc hội có quyền bổ nhiệm, bãi nhiệm, cách chức Thủ tướng. Thủ tướng có quyền cách chức, bổ nhiệm, bãi nhiệm Bộ trưởng.
 
Chỉ cần Bộ trưởng không làm được việc, không được dân tin tưởng, tín nhiệm, Thủ tướng có quyền cách chức ngay không phải bàn nhiều. Vì nếu không làm việc đó, thì chính Thủ tướng phải mất chức. Nghĩa là cơ chế trách nhiệm của họ là rất lớn.
 
Còn hỏi có nên đặt ra cho họ mục tiêu và chiến lược hay không thì hãy hỏi Chính phủ quy trách nhiệm nhưng có trao quyền cho các Bộ trưởng không đã. Thủ tướng có quyền cách chức Bộ trưởng không, Bộ trưởng có quyền cách chức thuộc cấp không?
 
Quy trách nhiệm nhưng lại không giao quyền thì có đưa ra quy định cũng chỉ là tượng trưng, không thực hiện được. Bởi trách nhiệm và quyền hạn luôn đi đôi với nhau.
 
Khi văn hóa từ chức chưa được hình thành, Hiến pháp mà sửa đổi nhưng không thể tạo được sự chuyển biến mạnh thì khó thay đổi được ý thức hệ.
 
PV: Xin cảm ơn ông!

Theo Đất Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo