Quy trách nhiệm Bộ trưởng vừa khó, vừa không công bằng
PV:- Ông nghĩ sao, trước ý kiến cho rằng, việc quy trách nhiệm của cá nhân Bộ trưởng trước Thủ tướng là đúng, cần thiết nhưng khó thoát khỏi “vòng kim cô”? Ông có đồng tình với quan điểm này không? Tại sao vậy, thưa ông?
TS Nguyễn Sĩ Dũng: Bộ trưởng phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng là điều đương nhiên. Về lý thuyết, Thủ tướng lựa chọn các Bộ trưởng và trình Quốc hội phê chuẩn. Như vậy, có hai điều kiện để trở thành bộ trưởng: 1. Phải được Thủ tướng lựa chọn; 2. Phải được Quốc hội phê chuẩn.
Đây là trường hợp đặc trưng nhất của việc phân chia và kiểm soát quyền lực giữa hành pháp và lập pháp. Và cũng từ đây hình thành nên cơ chế chịu trách nhiệm kép của các vị Bộ trưởng: vừa chịu trách nhiệm trước Thủ tướng, vừa chịu trách nhiệm trước Quốc hội.
Nếu quan niệm “vòng kim cô” là quyền lựa chọn nhân sự của Đảng, thì tôi chia sẻ một phần với quan điểm nói trên. Tuy nhiên, gần đây có vẻ như cơ chế Đảng lựa chọn, nhưng có trao đổi với Thủ tướng đang trở nên ngày càng rõ nét.
PV:- Vậy thưa ông, cùng với việc quy trách nhiệm thì hình thức xử lý hay khen thưởng phải được quy định như thế nào?
TS Nguyễn Sĩ Dũng: Theo tôi, chế độ trách nhiệm không có chế tài là một thứ hư vô.
Pháp luật cần phải trao cho Thủ tướng quyền cách chức Bộ trưởng. Chỉ có như vậy, thì chế độ trách nhiệm trước Thủ tướng mới có thể được xác lập.
Hiện nay, chế tài cho việc chịu trách nhiệm trước Quốc hội đã được quy định tương đối rõ. Đó là quyền của Quốc hội bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với Bộ trưởng. Chế tài cho việc chịu trách nhiệm trước Thủ tướng thì có vẻ còn khá mơ hồ.
Trên thế giới, trong mô hình Thủ tướng chế (xét về cách thức tổ chức quyền lực, nhà nước ta được thiết kế rất gần với mô hình này), quyền cách chức, quyền sắp xếp, thay đổi các Bộ trưởng của Thủ tướng là rất to lớn.
Tuy nhiên, trong thực tế cuộc sống, mọi chuyện lại thường diễn ra khá mềm mại. Các Bộ trưởng thường chủ động từ chức, mà ít khi để cho việc cách chức xảy ra. Có khi toàn bộ chính phủ đều từ chức để Thủ tướng có thể sắp xếp lại nhân sự.
PV:- Trong điều kiện hệ thống tổ chức của Việt Nam hiện nay (Bộ thì quản lý ngành dọc, địa phương quản lý ngành ngang. Các Bộ quản lý chồng chéo), việc quy trách nhiệm cá nhân Bộ trưởng sẽ gặp những thuận lợi và vướng mắc thế nào? Theo ông, làm thế nào để tháo gỡ những vướng mắc đó?
TS Nguyễn Sĩ Dũng: Mô hình phân chia quyền lực giữa trung ương và địa phương mà chúng ta đang theo đuổi là song trùng trực thuộc: Các cơ quan chuyên môn vừa trực thuộc Bộ, vừa trực thuộc lãnh đạo địa phương. Mô hình này còn được gọi là mô hình Xô viết.
Tuy nhiên, song trùng trực thuộc thì chế độ trách nhiệm phải được xác lập song trùng. Thiết kế điều này là không dễ. Xu thế đang diễn ra là các chuyên môn của địa phương càng ngày càng trực thuộc địa phương là chính.
Vừa qua, quá bức xúc trước cách quản lý của một giám đốc sở, một Bộ trưởng cũng chỉ làm được việc duy nhất là “dọa” sẽ đề nghị cách chức. Trong một mô hình như vậy, quy trách nhiệm cho Bộ trưởng không chỉ rất khó khăn, mà còn rất không công bằng.
Theo tôi, chúng ta nên từ bỏ mô hình song trùng trực thuộc, mà lựa chọn cho mình một trong ba mô hình còn lại mà thế giới đang áp dụng. (Đó là 1. Song trùng giám sát; 2. Bổ trợ cho nhau; 3. Điều chỉnh).
Tôi cho rằng phân chia quyền lực giữa trung ương và địa phương theo mô hình các cấp chính quyền bổ trợ cho nhau là đáng tham khảo nhất.
PV:- Ở các nước, việc quy trách nhiệm Bộ trưởng được thực hiện thường gắn với việc bỏ phiếu tín nhiệm hoặc điều trần đi với đó là văn hóa từ chức, còn ở VN việc bỏ phiếu tín nhiệm được hiểu như thế nào, thưa ông?
TS Nguyễn Sĩ Dũng: Việc bỏ phiếu tín nhiệm, thực ra chỉ được áp dụng ở các nước theo mô hình đại nghị là chính. Đây là mô hình chính phủ phải chịu trách nhiệm trước Quốc hội. Trong mô hình mà cả chính phủ và quốc hội đều chịu trách nhiệm trước dân (mô hình Tổng thống) thì điều này không được đặt ra.
Ở ta việc Chính phủ phải chịu trách nhiệm trước Quốc hội là điều rất rõ. Vì vậy, việc bỏ phiếu tín nhiệm các Bộ trưởng cũng là phù hợp.
Tuy nhiên, cách làm của chúng ta hơi khác với thế giới. Đó là chúng ta lấy phiếu tín nhiệm rồi mới bỏ phiếu tín nhiệm. Và việc lấy phiếu tín nhiệm dự kiến sẽ diễn ra khá thường xuyên.
Thực ra phân biệt giữa lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm là rất khó khăn. Việc lấy phiếu thường xuyên sẽ khuyến khích xu thế dân túy chứ không phải sự quyết đáp của các Bộ trưởng. Nên chăng chúng ta nên nghiên cứu kinh nghiệm của thế giới và áp dụng cho phù hợp.
PV:- Theo ông, việc quy trách nhiệm có nên đi kèm với mục tiêu và thực hiện chiến lược hành động của cá nhân Bộ trưởng trong điều hành ngành, lĩnh vực mình phụ tránh không? Điều này sẽ đóng góp như thế nào cho sự phát triển chung của đất nước?
TS Nguyễn Sĩ Dũng: Việc quy trách nhiệm Bộ trưởng tất nhiên là vì chiến lược và chính sách. Thực ra, Bộ trưởng cũng chỉ có thể chịu trách nhiệm được về những vấn đề ở tầm vĩ mô như vậy.
Đề ra chính sách và tổ chức thực thi chính sách là hai công việc khác nhau, đòi hỏi những năng lực khác nhau. Việc đầu là của các chính khách, việc thứ hai là của các nhà chuyên môn. Đối với các cơ quan chuyên môn, Bộ trưởng chỉ nên là người đứng đầu về chính trị, chứ không nên là người trực tiếp điều hành.
Nếu chúng ta phân biệt được tương đối rạch ròi giữa các quan chức chính trị và các quan chức hành chính-công vụ thì nền quản trị của chúng ta sẽ có một bước tiến rất đáng kể.
Xin cảm ơn ông!
End of content
Không có tin nào tiếp theo