Quyền của dân
Thủ tục hành chính công, sau bao nhiêu nỗ lực cải cách, tinh giản, vẫn bị cho là nặng nề, phức tạp, thiếu minh bạch. Quy định pháp lý thì hôm trước thế này, hôm sau thế khác, thay đổi xoành xoạch. Đặc biệt, có quy định bất lợi cho người dân lại có hiệu lực trở về trước.
Điển hình là quy định loại bỏ ra khỏi chi phí (một phần của giá thành) những khoản chi cho người lao động mang ý nghĩa phúc lợi: quy định được ghi nhận trong Nghị định 12, ban hành ngày 12-2-2015 nhưng lại được áp dụng bắt buộc từ ngày 2-1-2015!
Người dân thường không phải ngày nào cũng gõ cửa công, bởi vậy, chỉ cảm nhận ở mức độ nào đó về những điều phiền phức, bất hợp lý có nguyên nhân từ những khuyết tật của bộ máy quản lý và luật pháp. DN thì khác, có nhu cầu sử dụng thường xuyên các dịch vụ công nên có điều kiện thường xuyên nếm trải tất cả những điều đó.
Thậm chí nhiều ý kiến còn cho rằng không ít chướng ngại, rào cản đã được tạo ra một cách có ý thức bởi người này, người nọ có thẩm quyền nhằm nhũng nhiễu DN. Bằng chứng là bên cạnh những chướng ngại, rào cản đó là hiện tượng vòi vĩnh dưới đủ mọi hình thức, từ đơn giản đến tinh vi, từ tế nhị đến suồng sã, trắng trợn.
Tại một hội nghị DN cuối tuần qua, rất nhiều ví dụ đã được dẫn ra: Có DN nhận được thiệp chúc tết của cơ quan nhà nước kèm theo một lá thư đề nghị mừng tuổi công chức; DN nọ được yêu cầu hỗ trợ cán bộ đi du lịch mùa hè; DN kia được quan chức chính quyền địa phương mời đến một cuộc nhậu để thanh toán tiền cho cuộc vui...
Tất cả, suy cho cùng, là do cách nhìn nhận về bản chất của quyền tự do kinh doanh và nội dung quyền giám sát của người dân đối với công việc của nhà chức trách.
Ở các nước, hệ thống quản lý công đối với DN chỉ là hệ thống phục vụ. Từ tư tưởng chủ đạo mà theo đó DN được làm tất cả những gì pháp luật không cấm, các cơ quan công được lập ra để cung ứng cho DN những tiện ích chứ không phải để xem xét cấp giấy phép hay để kiểm tra, dò xét, soi mói.
Trong khuôn khổ cuộc sống bình thường, chỉ có một khâu duy nhất trong hệ thống quản lý mà ở đó DN phải chấp nhận ứng xử trong tư thế người chịu sự quản lý, là khâu khai thuế và nộp thuế. Tuy nhiên, trên thực tế, các DN không cần phải tiêu tốn nhiều thì giờ, công sức cho việc này.
Cả một mạng lưới dịch vụ tư vấn thuế được lập ra để phục vụ cho DN; chỉ cần cung cấp thông tin và trả phí, DN cứ yên tâm làm ăn, chuyện thuế má đã có công ty tư vấn lo.
Ứng xử với dân đường hoàng và luôn tôn trọng quyền của dân là điều nhà chức trách phải luôn nhớ nhưng ở xứ ta, mỗi nơi mỗi kiểu. Trong lúc huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai vừa gửi 400 thư xin lỗi dân do trễ hẹn trong việc giải quyết hồ sơ nhà đất thì TP Hà Nội xuống tay “trảm” 6.700 cây xanh mà không cần hỏi ý kiến người dân thủ đô!
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vì sao dự án mở rộng nhà ga T1 sân bay Đà Nẵng chậm được triển khai?
Vượt qua nhiều đối thủ nặng ký, Việt Nam lần thứ 8 được vinh danh là "Điểm đến Golf tốt nhất châu Á năm 2024"
Cảnh báo mưa lớn gây sạt lở ở khu vực miền Trung, người dân cần chú ý đề phòng
Báo Pháp giới thiệu Việt Nam như một hình mẫu chuyển đổi nông nghiệp sinh thái
Một hãng hàng không lớn tuyển phi công tại Việt Nam