Quỳnh Nhai (Sơn La): Nỗ lực giảm nghèo, đẩy mạnh phát triển kinh tế (Bài 2: Chiềng Bằng hôm nay).
Đổi thay nơi miền đất mới
Ngay sau khi hoàn thành công tác di dân, tái định cư (TĐC) Thủy điện Sơn La, chính quyền và người dân Chiềng Bằng đã tập trung ổn định đời sống, đẩy mạnh sản xuất, thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội. Điểm nổi bật là Chiềng Bằng đã thực hiện tốt chủ trương, chính sách về ổn định đời sống nhân dân, TĐC; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng phục vụ đời sống và sản xuất. Đặc biệt, từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất và Chương trình 30a, xã đã thực hiện tốt việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát huy tiềm năng, lợi thế tại vùng đất mới, xây dựng các mô hình kinh tế cho thu nhập cao, nhất là phát triển nuôi cá lồng trên vùng lòng hồ sông Đà.
Ông Lò Văn Khặm, một trong những người tiên phong trong phong trào nuôi cá lồng ở Chiềng Bằng cho biết: Năm 2010, được huyện hỗ trợ, ông nuôi thử nghiệm 1 lồng cá đầu tiên, gồm cá rô phi và trắm cỏ, cho thu hoạch hơn 600 kg, trừ chi phí, lãi được gần 50 triệu đồng. Thấy hiệu quả cao, năm 2012 ông vay thêm 30 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân của huyện, nuôi thêm 4 lồng cá nữa với 2 giống mới là cá lăng và cá nheo, khi thu hoạch được 150 triệu đồng/lồng. Từ đó ông tăng số lượng lên đến 35 lồng và đạt mức thu nhập bình quân hơn 700 triệu đồng/năm từ nuôi cá. Ông còn tạo điều kiện cho 6 hộ nông dân khác có việc làm thường xuyên, thu nhập từ 3-4 triệu đồng/người/tháng.
Từ thành công của gia đình ông Khặm, đã mở ra hướng đi mới cho các hộ dân ở xã Chiềng Bằng trong nuôi cá lồng, các hộ còn liên kết xây dựng nên các HTX kiểu mới. Trao đổi với PV, Giám đốc HTX Thủy Sản An Bình Lò Văn Bình cho biết: Năm 2016, HTX được Ngân hàng chính sách xã hội cho vay 80 triệu, các hội viên góp thêm 300 triệu, đầu tư nuôi 20 lồng cá, sau khi trừ hết chi phí, HTX thu về trên 500 triệu. Đến nay HTX đã mở rộng quy mô lên 271 lồng. Hiện toàn xã có tới 24 HTX thủy sản, nông nghiệp, du lịch sinh thái với 298 thành viên tham gia. Trong đó có 5.078 lồng nuôi cá, sản lượng ước đạt hơn 1.563 tấn. Đây là mô hình tiêu biểu nhất trong công cuộc xóa đói giảm nghèo bền vững ở Chiềng Bằng. Các HTX mong muốn tiếp tục được sự hỗ trợ, cho vay của các kênh chính sách và có đầu ra ổn định cho con cá.
Cũng tại Chiềng Bằng, Chương trình 30a đã giúp hàng trăm người dân thoát nghèo. Đặc biệt, vừa qua Nhà nước đã hỗ trợ bò giống cho 63 hộ nghèo và cận nghèo, với số tiền hơn 680 triệu đồng. Trước khi nhận bò giống, bà con nông dân đã được tập huấn hướng dẫn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, chủ động công tác phòng dịch bệnh cho gia súc…Anh Lò Văn Đoàn, bản Canh, xã Chiềng Bằng chia sẽ: “Tôi rất vui khi nhận được bò giống theo chương trình 30a của Thủ tướng chính phủ. Tôi hứa sẽ chăm sóc bò tốt để bò sinh sản phát triển, sau này có thu nhập ổn định cho gia đình”.
Nhờ đẩy mạnh phát triển sản xuất, thu nhập bình quân đầu người của Chiềng Bằng không ngừng tăng lên. Năm 2016 đạt 22,3 triệu đồng/người. Năm 2017, hộ nghèo ở Chiềng Bằng giảm xuống chỉ còn 45 hộ, chiếm 3.2%. Chiềng Bằng không còn nhà tạm, dột nát. Nhiều hộ gia đình đã xây dựng được nhà kiên cố. Số người có việc làm thường xuyên của huyện là 4.032/4.137 người, chiếm đến 97,46%. Chủ tịch xã Ngần Văn Đưa cho biết: Nhờ đẩy mạnh sản xuất và các chính sách từ Tái định cư, chương trình 30a, thu nhập của người dân nâng lên rất nhiều. Đó là tiền đề, động lực để Chiềng Bằng xóa đói giảm nghèo bền vững, thay đổi tích cực diện mạo nông thôn, thực hiện thành công chương trình mục tiêu quốc gia về NTM.
Làm sao để xóa nghèo bền vững?
Đổi thay ở Chiềng Bằng hôm nay có thể nói đó là một kỳ tích, nhưng công cuộc giảm nghèo của Chiềng Bằng vẫn còn chưa thực sự bền vững. Bên ấm đà đặc buổi tối, Bí thư Chi bộ bản Phòng Không Lò Văn Phúc tâm sự với chúng tôi: Trước đây bà con chỉ biết trồng lúa. Lên vùng đất mới, bà con có công việc mới là trồng cao su. Nhưng do cao su không phát triển nên cuộc sống khá bấp bênh. Thu nhập cạo mủ chỉ được từ 1 triệu đến 1.5 triệu/ tháng. Trên thực tế cây cao su đã không đem lại sự no ấm cho người dân. Vì vậy người dân trong bản mong muốn được bỏ cây cao su để trồng cỏ chăn nuôi gia súc. Cũng như Bản Phòng Không, Bản Cán cũng là một trong những xã trồng cao su. Hiện toàn bản có 65.46 ha đất nông nghiệp, trong đó có 38.49 ha trồng cây cao su. Nhưng do không phù hợp thổ nhưỡng nên cao su phát triển kém, cho thu nhập rất thấp...
Được biết, cây cao su được trồng ở vùng này từ năm 2008, đến nay toàn xã Chiềng Bằng hiện có hơn 424.7 ha, tập trung ở các bản vùng cao nhất của xã Chiềng Bằng như Bản Phòng Không, Bản Cán, bản Canh, Bản Lóng, Bản Bịa, bản Phan... với hàng trăm hộ dân tham gia. Sau gần chục năm “bám rễ” trên đất Chiềng Bằng, cây cao su đã không mang lại niềm vui cho người dân mà còn chiếm nhiều diện tích đất canh tác, khiến người dân không có việc làm và thu nhập bấp bênh. Đa số người dân mong muốn được chuyển đổi để trồng cỏ voi chăn nuôi gia súc.
Chia sẻ với PV, Phó Bí thư Đảng bộ xã Tòng Văn Don cho biết: Mong muốn của người dân cũng là trăn trở của chính quyền xã Chiềng Bằng hiện nay. Xã đã kiến nghị với huyện và các cơ quan chức năng là cần nghiên cứu, đánh giá chính xác triển vọng của cây cao su trên đất Chiềng Bằng. Đồng thời, trên những diện tích cây cao su không phát triển được, nên thu hổi lại và giao khoán cho người dân để bà con chuyển đổi cây trồng. Xã cũng mong muốn UBND huyện triển khai cụ thể việc thực hiện hỗ trợ vay vốn, lồng ghép các chính sách hỗ trợ, chuyển giao công nghệ KHKT, chuyển đổi ngành nghề tạo thêm việc làm việc làm ổn định cho người dân phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống.
(Còn tiếp)
Kỳ 3: Xóa đói giảm nghèo gắn với phát triển kinh tế xây dựng nông thôn mới.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 23/12/2024: Biến động trái chiều
Giá ngoại tệ ngày 23/12/2024: USD vẫn tăng mạnh nhờ động thái của Fed
Giá nông sản ngày 23/12/2024: Hồ tiêu và cà phê giữ mức ổn định
Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Điện lực Việt Nam (21/12/1954 - 21/12/2024)
Giá heo hơi ngày 23/12/2024: Miền Bắc thiết lập mức giá mới
Doanh nghiệp nước giải khát đẩy mạnh phát triển bền vững