Quỳnh Nhai (Sơn La): Nỗ lực giảm nghèo, đẩy mạnh phát triển kinh tế
“Cái khó ló cái khôn”. Những năm gần đây, chính quyền và nhân dân huyện Quỳnh Nhai đã đoàn kết nỗ lực, có nhiều giải pháp tích cực, tận dụng lợi thế của vùng đất mới, tranh thủ các nguồn vốn của Nhà nước để đẩy mạnh sản xuất, xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế của huyện, đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Đời sống của bà con nơi đây đã được từng bước cải thiện đáng kể, diện mạo của huyện đang đổi thay từng ngày...
Để tận mắt chứng kiến sự đổi thay trên quê hương Quỳnh Nhai, phóng viên đã có chuyến công tác dài ngày tới những địa bàn xa xôi của huyện để thực hiện bài phóng sự về những sự việc, con người của vùng đất này...
Bài 1: Nghề nuôi cá lồng ở Nặm Ét phát triển kinh tế hộ gia đình
Qua bến phà Chiềng Khoang, men theo con đường độc đạo đầy rẫy những ổ voi, ổ gà, một bên là vách nủi thẳng đứng, một bên là vực sâu hun hút, phải mất hơn 2 giờ chúng tôi mới vượt qua được đoạn đường chưa đầy 20 cây số để đến với trung tâm xã Nặm Ét, xã đặc biệt khó khăn của huyện Quỳnh Nhai.
Có điện, có đường và trường học? vẫn chỉ là ước mơ...
Nặm Ét là địa bàn sinh sống chủ yếu của bà con các dân tộc Thái, Laha và Mông. Từ trung tâm xã, chúng tôi tìm đến Pom Hán và Bó Ún, là hai bản “xa nhất, cao nhất, nghèo nhất, lạc hậu nhất” của xã Nặm Ét. Những con dốc cao vút trên đoạn đường khó có thể gọi là đường khiến chiếc xe máy của anh chánh văn phòng UBND xã Nặm Ét chở tôi đằng sau luôn phải rú ga ầm ĩ để vượt qua trên đường vào bản. Lại phải mất hơn tiếng đồng hồ nữa, chúng tôi mới đến được đỉnh núi Khả Dào cao nhất trong các đỉnh núi của xã Nặm Ét, nơi bản Pom Hán tọa lạc.
Trong căn nhà đơn sơ, trò chuyện với chúng tôi, chị Vừ Thị Pạ - một trong những gia đình có hoàn cảnh khó khăn của Pom Hán cho biết: Gia đình chị chỉ có một mảnh nương nhỏ để trồng ngô và trồng sắn, cho thu nhập rất thấp. Cả nhà chị 4 người mà thu nhập quy ra tiền chưa đến 6 triệu đồng/năm, trong khi phải nuôi hai đứa con ăn học, đứa lớn học cách nhà 15 cây số tại trường Bán trú ở trung tâm xã Nặm Ét, đứa nhỏ học tại điểm trường Pom Hán. Tuy nhiên, bọn trẻ thường xuyên phải nghỉ học do hoàn cảnh gia đình quá nghèo, đường sá đi lại khó khăn, phần nữa do bản chưa có điện.
Chúng tôi đi thăm khắp bản, được biết cả bản có 47 hộ thì có đến 46 hộ nghèo, cả bản chỉ có một bể nước duy nhất, cách bản gần 5 cây số phục vụ cho sinh hoạt. Đặc biệt, bên trong những căn nhà sàn của các hộ dân nơi đây, những vật dụng thiết yếu như ti vi, tủ lạnh, quạt điện, bếp ga tuyệt nhiên không hề có, bởi đến thời điểm này bản vẫn chưa có điện.
Trao đổi với Trưởng bản Lý A Nụ, một người đàn ông trung niên dễ mến, chúng tôi được anh cho biết, bà con nơi đây 100 % là làm nương rẫy, thu nhập rất thấp, chỉ xấp xỉ 6 triệu đồng/năm. Hiện nay, tài sản quý giá nhất của cả bản là 124 con trâu, 94 con dê, 37 con lợn và 800 con gia cầm. Trưởng bản tâm sự: Do người Mông sống khép kín, lại xa trung tâm nên rất khó khăn trong việc tuyên truyền, vận động bà con áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để xóa đói giảm nghèo. Mong muốn lớn nhất của bà con nơi đây là được nhà nước xây dựng đường giao thông và có điện để sản xuất, sinh hoạt và nâng cao đời sống.
Rời bản Pom Hán, chúng tôi đến với bản Bó Ún, nơi cư trú của 100% bà con đồng bào Thái. Trưởng bản Lò Văn Thởi cho biết: Cả bản có 57 hộ thì có tới 40 hộ nghèo. 100% hộ dân chỉ làm nương rẫy, gồm 19ha ngô, lúa 5ha, sắn 23 ha. Cả bản có 28 con trâu, 120 con bò. Người dân ở đây vẫn còn nhiều phong tục tập quán lạc hậu, nạn tảo hôn vẫn thường xuyên xảy ra. Năm 2016 xảy ra 4 vụ mà các cặp vợ chồng chỉ trong độ tuổi 13 - 17 tuổi. Về lớp học, cả bản Pó Ún có 3 lớp. Tất cả các phòng học đều đơn sơ, thiếu ánh sáng do không có điện. Ông Thởi chia sẻ: “Chúng tôi mong mỏi từng ngày có điện sáng, có đường đi thuận lợi, người dân chúng tôi sẽ bớt vất vả hơn. Rất mong Nhà nước hỗ trợ làm đường giao thông và kéo điện về bản”.
Gập ghềnh công cuộc xóa đói giảm nghèo
Có thể nói, không chỉ riêng ở các bản Pom Hán, Bó Ún, hiện nay đời sống của nhân dân xã Nặm Ét nói chung còn gặp rất nhiều khó khăn, bởi đây là xã vùng II của huyện Quỳnh Nhai. Đa số người dân làm nông nghiệp, sống chủ yếu dựa ngô và sắn với lối sản xuất manh mún, tự cung tự cấp. Tuy nhiên, dù còn nhiều khó khăn, nhưng nếu so với vài năm trước, Nặm Ét ngày nay cũng đã có sự thay đổi rõ rệt, nhờ có Chương trình xóa đói giảm nghèo. Năm 2012 xã có tỉ lệ hộ nghèo trên 60 %, đến nay chỉ còn hơn 24%. Là một xã nằm trong vùng lòng hồ thủy điện Sơn La, những năm gần đây, thông qua các dự án, Chương trình 30a... Nặm Ét đã phối hợp với các ngành của huyện hỗ trợ bà con về giống, vốn, kỹ thuật để phát triển mô hình nuôi cá lồng kết hợp với thủy cầm. Từ đây, nhiều hộ trong xã đã đẩy mạnh sản xuất, vươn lên xóa đói giảm nghèo và kinh tế trở nên khá giả.
Gia đình anh Lò Văn Thanh, bản Nà Hừa là một trong những hộ đầu tiên ở xã Nặm Ét nuôi cá lồng. Anh Thanh cho biết: Được xã đồng ý, từ năm 2013 anh bắt đầu nuôi cá trên lòng hồ, đầu tiên anh làm 3 lồng cá. Lúc mới thả, cá có trọng lượng 2-3 con/kg. Sau 6 tháng nuôi, cá có thể đạt 3 kg/con, cho thu nhập khá cao. Năm 2015 anh tăng lên 9 lồng cá, mỗi năm gia đình anh thu nhập trên trăm triệu đồng. Từ mô hình này, nhiều người dân trong xã Nặm Ét đã tới học cách làm. Năm 2014, toàn xã mới có 6 lồng cá, đến nay đã tăng lên 169 lồng cá, với 64 hộ nuôi. Nghề nuôi cá lồng ở Nặm Ét mở ra một hướng đi mới trong phát triển kinh tế hộ gia đình.
Ông Bạc Cầm Chương, Bí thư Đảng ủy xã Nặm Ét cho biết: Hiện nay cả xã có 742 hộ dân ở các bản trong xã được Ngân hàng chính sách xã hội cho vay với tổng số vốn trên 119 tỉ đồng. Trong năm 2017, Chương trình 30a hỗ trợ 49 con bò, với trị giá 10 triệu đồng/con, cùng với số tiền hỗ trợ làm chuồng là 2 triệu đồng/hộ cho bà con thuộc hộ nghèo của xã. Khó khăn lớn nhất hiện nay của xã là cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện, hầu hết các bản đều chưa có đường bê tông hóa. Bên cạnh đó, ngoài mô hình nuôi cá lồng, xã chưa có giống cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay, Nặm Ét đang tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, phát triển sản xuất tăng thu nhập bằng cách thực hiện tốt chính sách vay vốn tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo. Đồng thời, đề nghị cấp trên và cơ quan chức năng nghiên cứu, đưa những giống cây, vật nuôi phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của xã vào cho bà con sản xuất, góp phần xóa nghèo bền vững, vươn lên phát triển kinh tế hộ, góp phần phát triển nền kinh tế của xã. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là hầu hết các tuyến đường giao thông của xã đều xuống cấp nghiêm trọng và chưa được bê tông hóa. Cơ sở hạ tầng của xã cũng rất thiếu thốn, nhất là trường học. Đặc biệt một số bản chưa có điện. Rất mong huyện, tỉnh và cơ quan chức năng xem xét, hỗ trợ để xã có điều kiện đẩy mạnh công tác xóa đói giảm nghèo cho bà con.
( Còn tiếp)
Kỳ 2: Chiềng Bằng hôm nay
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
FPT mở thêm văn phòng tại Cần Thơ
Ba lĩnh vực được dự báo tăng trưởng ấn tượng
Giá vàng ngày 23/12/2024: Biến động trái chiều
Giá ngoại tệ ngày 23/12/2024: USD vẫn tăng mạnh nhờ động thái của Fed
Giá heo hơi ngày 23/12/2024: Miền Bắc thiết lập mức giá mới
Giá nông sản ngày 23/12/2024: Hồ tiêu và cà phê giữ mức ổn định