Tin tức - Sự kiện

Ra đi từ cánh rừng già... - Kỳ 1: Người lính cuối cùng của đội quân đầu tiên...

Chúng tôi tìm về với những vùng đất lịch sử, quê hương của những người lính đầu tiên, đến với di tích đồn xưa, nơi người lính đầu tiên của đội quân đầu tiên này đã ngã xuống...

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và đội quân đầu tiên - Ảnh tư liệu

 

Cụ Tô Văn Cắm trong lần từ Đạ Tẻh về lại quê nhà - nơi thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - Ảnh: Ngọc Quang

 

Ra đi từ cánh rừng già Trần Hưng Đạo (Cao Bằng) và lớn mạnh thành một đội quân hùng hậu như hôm nay, nhân 70 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, phóng viên đã tìm về với những vùng đất lịch sử, quê hương của những người lính đầu tiên, đến với di tích đồn xưa, nơi người lính đầu tiên của đội quân đầu tiên này đã ngã xuống...

Hình ảnh Ðại tướng Võ Nguyên Giáp đội chiếc mũ phớt, đứng đọc quyết định thành lập Ðội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân vào lúc 17g ngày 22-12-1944 giữa cánh rừng già Cao Bằng tròn 70 năm trước là một hình ảnh lịch sử không bao giờ quên.

Bảy mươi năm qua, từng người lính trong đội quân đầu tiên ấy lần lượt ra đi. Tháng 10 năm ngoái, vị lãnh đạo - người anh cả của đội quân, Ðại tướng Võ Nguyên Giáp cũng đã giã từ trần thế ở tuổi 103.

Chỉ còn duy nhất một người lính trong bức ảnh chụp 34 đội viên đầu tiên ấy nay vẫn còn sống là ông Tô Văn Cắm, dân tộc Tày, quê ở xã Tam Kim (huyện Nguyên Bình, Cao Bằng). Ông Cắm nay đã 92 tuổi, đang sống tận Ðạ Tẻh (Lâm Ðồng).

Biểu tượng “đời dân - đời lính”

Chúng tôi vừa trở lại Nguyên Bình (Cao Bằng) và ghé thăm nhà ông Tô Ðức Dũng, con trai cụ Cắm, nằm kề bên lối vào khu rừng di tích Trần Hưng Ðạo. Ông Dũng năm nay đã 60 tuổi.

Trên tường vẫn còn chiếc đồng hồ gắn manchette báo Tuổi Trẻ mà chúng tôi tặng gia đình ông gần năm năm trước, nhân một sự kiện của báo tổ chức tại đây. Ở xã Tam Kim này, những số phận đời dân và câu chuyện về đội quân 70 năm trước cứ quấn quýt với nhau, sau ngần ấy tháng năm vẫn lấp lánh trong miền ký ức.

“Bố tôi vào Lâm Ðồng khi đã 70 tuổi, đấy là năm 1992. Hồi đó cũng có nhiều hộ dân ở đây vào Ðạ Tẻh sinh sống, bố tôi vẫn sống ở bản Um, ngày ngày vào rừng chăn đàn trâu của mình. Rừng thì rộng, đàn trâu của nhà chăn thả tự do, mà bố tôi dạo ấy cứ buổi trưa là buồn ngủ. Cứ mỗi lần ngủ trưa đàn trâu lại đi lang thang trong rừng, cụ phải vất vả đi tìm.

Vậy là bố tôi bực mình quá, cụ bảo: “Ði chăn trâu làm tao không ngủ trưa được, nay tao bán trâu đi vào Ðạ Tẻh đây”. Vậy là cụ bán đàn trâu, lận lưng được mấy chỉ vàng rồi đưa mẹ tôi và mấy đứa em vào Lâm Ðồng làm kinh tế mới từ đó. Mãi đến năm 2010, sau gần 20 năm mới được báo Tuổi Trẻ “tạo điều kiện” cho về thăm quê đấy!”.

Những người lính trong cánh rừng già chiều 22-12-1944 ấy xứng đáng được tôn vinh như những “khai quân công thần”. Và sự thật là những người lính trong chiều ấy, về sau là những tướng lĩnh lẫy lừng như đội trưởng Ðội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân Hoàng Sâm (tức Trần Văn Kỳ) sau này là thiếu tướng, tư lệnh Quân khu 3, Quân khu Trị Thiên.

Tướng Hoàng Sâm hi sinh trên chiến trường Trị Thiên năm 1968 khi mới 53 tuổi. Cũng từ một người lính trong tấm ảnh ấy, tham gia từ trận đánh đầu tiên Phai Khắt - Nà Ngần cho đến chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975, mang tới quân hàm đại tướng như tướng Hoàng Văn Thái.

Và tìm hiểu thêm về tiểu sử những người lính đầu tiên ấy, có rất nhiều người sau này là sĩ quan cao cấp hoặc giữ những cương vị quan trọng trong bộ máy chính quyền. Riêng có cụ Tô Văn Cắm cứ mải miết một đời dân, một thường dân đúng nghĩa.

Người lính đầu tiên ấy, theo đoàn quân đi từ cánh rừng Trần Hưng Ðạo cho đến ngày cách mạng thành công và rồi khi Pháp quay lại tái chiếm, ông Cắm lại theo đoàn quân Nam tiến.

Vậy là từ chót vót miền Việt Bắc Cao Bằng, bước chân người lính cuốn ông vào những trận đánh tận Rạch Giá cực Nam vào năm 1946. Ngay thời buổi bây giờ khi xe tàu đường sá rất thuận lợi, nhưng nói đến khoảng cách từ Cao Bằng đến Rạch Giá cũng đủ cho người ta mịt mù hình dung huống hồ 65 năm trước.

Người lính của đoàn quân Nam tiến ấy bị thương, Tô Văn Cắm trở về Cao Bằng. Khi Pháp nhảy dù xuống Bắc Kạn ông lại cầm súng ra trận, lại bị thương nặng một lần nữa trong chiến dịch Biên giới (1950) ông mới thật sự chia tay đời lính, trở lại làm một người nông dân ở bản Um, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình.

Ngày đó không có chế độ chính sách, cứ ôm súng đi đánh giặc, không đánh giặc thì về với nương rẫy. Năm 1992, khi 70 tuổi, ông lại dắt díu vợ con rời bản Um vào vùng sâu Ðạ Tẻh (Lâm Ðồng) mưu sinh, ngày ngày vác phảng ra đồng vỡ đất trồng ngô, trồng dưa, vui vầy với cháu con, sống một đời dân thanh thản.

Từ chuyến rời quê năm ấy, gần 20 năm sau - năm 2010, nhân một sự kiện mà ông là khách mời của báo Tuổi Trẻ, ông Cắm mới về lại quê hương. Nhớ lại chuyến đưa gia đình cụ Cắm từ núi rừng Ðạ Tẻh về TP.HCM bay ra Hà Nội để từ đó lên Cao Bằng, về lại cánh rừng xưa, nhiều người trong chúng tôi đều cảm giác bùi ngùi khi vợ chồng cụ cho biết đây là lần đầu tiên trong đời được đi máy bay, thậm chí cụ bà Ðồng Thị Hiển, vợ cụ Cắm, còn không có cả một giấy tờ tùy thân nào để làm thủ tục lên máy bay.

Bởi thế khi máy bay hạ cánh xuống Nội Bài, chạm cái rét buốt của mùa đông, cụ Cắm bảo: “Vậy là biết gần quê lắm rồi!”. Và chuyến xe từ Hà Nội lên Cao Bằng, cụ cứ ngóng từng cột cây số bên đường để thắc thỏm: còn 200km nữa, còn 100km...

Ông Tô Đức Dũng - con trai người lính già Tô Văn Cắm - luôn tâm niệm sống xứng đáng với những dặn dò của Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Ảnh: Ngọc Quang


Thầm lặng một niềm tin...

Ðưa tay chỉ lên tấm bằng “Có công với nước” lồng trong khung kính với tấm ảnh một bà cụ đã ố màu thời gian treo trên bức tường, ông Tô Ðức Dũng bảo: “Ðấy là bà nội của vợ tôi, cụ bà Dương Thị Thiên, thời tướng Giáp hoạt động ở đây bà cụ Thiên như người mẹ nuôi của đại tướng. Có lần tướng Giáp đang ở trong nhà bà cụ Thiên thì giặc đi tuần bất ngờ vào nhà, nhanh trí cụ Thiên bảo tướng Giáp nhảy vào cái bồ đựng ngô rồi phủ tấm vải lên, thoát khỏi tay giặc trong gang tấc”.

Những câu chuyện về đội quân ngày ấy, những nhân chứng, những mối quan hệ ở những bản làng trong khu rừng lịch sử này cứ quấn quýt và ngưng đọng, như chưa hề có 70 năm đã đi qua.

Lúc chụp lại tấm ảnh chân dung bà cụ Thiên, chúng tôi phải tháo tấm kính ra để chụp cho rõ nét vì kính đã mờ, bất ngờ thấy phía sau tấm kính là những tờ báo Nhân Dân được in từ những năm 1960 đệm sau tấm bằng khen. Trong mỗi ngôi nhà đều có một tấm hình Ðại tướng Võ Nguyên Giáp treo trang trọng cạnh chân dung Hồ Chủ tịch.

Là con của cụ Tô Văn Cắm - một người lính được xếp vào hàng “khai quân công thần”, nhưng ông Tô Ðức Dũng cũng như người bố của mình, họ đã sống cuộc đời giản dị với ruộng nương trên rẻo cao heo hút miền Việt Bắc.

Không chỉ riêng gia đình ông Dũng, những ngày ở Tam Kim, cái nôi của Quân đội nhân dân Việt Nam, chúng tôi đã gặp nhiều gia đình của những người lính trong đội quân đầu tiên ấy. Vẫn sống một cuộc đời sắt son giản dị nhưng thấm đẫm triết lý về đời dân như những người con trong gia đình cụ Ðặng Tuần Quý, cũng là một trong số 34 người lính của Ðội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, người lính dân tộc Dao Tiền duy nhất trong đội.

Câu chuyện về những đời dân thầm lặng trong cánh rừng già - nơi khởi đầu cho đoàn quân đất nước đi tới ngày khải hoàn vẫn luôn trĩu nặng trong chúng tôi.

_________

Kỳ tới: Giữa đời dân...

Tuổi trẻ
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo