Bộ GTVT chính là bài học về tiết kiệm, chống lãng phí, nếu bộ nào cũng làm như vậy thì số tiền tiết kiệm được sẽ là rất lớn.
Tại phiên thảo luận tổ chiều 4/11, ĐBQH Nguyễn Văn Phúc (đoàn Hà Tĩnh) chia sẻ với Đất Việt.
Thiết kế để lãng phí?
Bắt đầu từ câu chuyện Bộ GTVT chỉ rà soát qua một vài dự án đã tiết kiệm được cho ngân sách đến 35 ngàn tỉ đồng, một số tiền không hề nhỏ.
Đại biểu Nguyễn Văn Phúc đặt câu hỏi: "Giả sử Bộ GTVT cũng giống như những bộ khác không ra tay rà soát lại tức là ngân sách đã bị mất không 35 ngàn tỉ đồng vì những công trình, dự án được thiết kế, dự toán không phù hợp".
Trong khi, sự lãng phí lại có ở hầu hết các dự án của các bộ, địa phương nhưng chỉ khác là dự án giao thông thường nhiều vốn hơn, quy mô lớn hơn, dễ lãng phí hơn. Điều này cho thấy, ngay trong quy trình thiết kế, dự toán các dự án hiện nay đã có vấn đề, thiết kế để lãng phí.
Ông Phúc cho biết, các đại biểu Quốc hội đã nêu rất nhiều vấn đề về thất thoát lãng phí chưa được tính. Rất nhiều công trình hiện nay xây ra không sử dụng, hoặc không được bảo dưỡng nên xuống cấp nghiêm trọng, thiệt hại rất lớn. Nhiều địa phương xây trụ sở hoành tráng không phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế-xã hội, nhiều nhà văn hóa, thư viện... đó là do hiện nay chúng ta đang thực hiện theo quy trình ngược: địa phương xây dựng dự án, lập dự toán còn Chính phủ là người chi tiền.
"Cơ chế như thế, quy trình như thế, chỉ cần lập dự án thật to, thật hoành tráng, vốn thật nhiều để có tăng trưởng, có thành tích trong khi tiền có người khác lo thì tội gì họ không làm?".
Ông Phúc chia sẻ, khi nghe các cử tri phản ánh rất nhiều về tình trạng lãng phí ngân sách bản thân ông thấy rất sốt ruột, nhiều ĐBQH cũng thấy sốt ruột tuy nhiên vấn đề này chưa được tính toán, nhấn mạnh nhiều trong các báo cáo.
Nếu bộ nào cũng như bộ GTVT...
Chính vì từ trước tới nay cách thiết kế, xây dựng dự toán đang bị làm theo quy trình ngược dẫn tới tình trạng lãng phí nguồn lực lớn. Mới đây Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua Luật đầu tư công với hy vọng sẽ kiểm soát được tình trạng này.
Phải nhấn mạnh, ở đây là lỗi kỹ thuật, vấn đề lãng phí nằm ở ngay cái quy trình dự toán và nó xảy ra chung với tất cả bộ, ngành và địa phương. Theo ông Phúc, Chính phủ cần phải yêu cầu các bộ, địa phương rà soát lại toàn bộ các dự án của đơn vị mình.
"Các bộ nên học bài học thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Bộ GTVT, nếu các bộ cùng có ý thức rà soát lại thiết kế, dự toán con số tiết kiệm được chắc chắn còn lớn hơn rất nhiều".
Ông Phúc yêu cầu, phải rà soát lại ngay từ chính đơn vị mình, bắt đầu từ việc dùng trụ sở. Xây dựng trụ sở mới thì trụ sở cũ phải sử dụng như thế nào, giữ lại vì lý do gì? Bộ Tài chính có trách nhiệm kiểm tra lại các bộ đã chuyển tới trụ sở mới, được xác nhập, thu gọn đầu mối thì trụ sở cụ sử dụng thế nào, vào việc gì...? Đây chính là một sự lãng phí nguồn lực rất lớn trong khi chúng ta đang thiếu tiền, phải đi vay để đầu tư thì rất nhiều đất đai, trụ sở cũ có thể được chuyển nhượng, bán đi lấy tiền đầu tư vào cơ sở hạ tầng, đảm bảo an sinh xã hội lại không được trả lại, hoặc đang bị chiếm dụng, chây ì.
Ngay trong đầu tư công, cũng cần phải rà soát lại đảm bảo nguyên tắc nguồn vốn đầu tư công trong tổng đầu tư toàn xã hội phải giảm xuống, nhường dư địa cho nguồn đầu tư từ tư nhân, đầu tư nước ngoài cùng tham gia.
Theo Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình (Bộ Giao thông vận tải), trong năm 2013, chỉ bằng việc rà soát, điều chỉnh quy mô, thiết kế và phân kỳ đầu tư 78 dự án Bộ Giao thông vận tải đã tiết giảm được hơn 35.500 tỷ đồng. Đồng nghĩa với việc, số tiền hàng chục nghìn tỷ này có thể đã bị đầu tư lãng phí.
Trong đó, riêng việc rà soát quy mô đầu tư, tiêu chuẩn kỹ thuật giúp giảm hơn 9.391 tỷ đồng; lựa chọn các giải pháp thiết kế phù hợp giúp giảm hơn 11.120 tỷ đồng. Rà soát về phân kỳ đầu tư giúp giảm hơn 14 nghìn tỷ đồng.
Theo Đất Việt