Rà soát toàn bộ cầu yếu trên các tuyến quốc gia trước 30/4
Yêu cầu này được đưa ra tại cuộc họp nghe báo cáo về hiện trạng và giải pháp đối với các cầu yếu trên các tuyến quốc lộ, đường sắt và đường thủy nội địa quốc gia diễn ra ngày 25/3 vừa qua của Bộ GTVT.
Theo thông tin từ Bộ GTVT, tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã trình bày báo cáo hiện trạng và giải pháp đối với các cầu yếu trên các tuyến quốc lộ, đường thủy nội địa và đường sắt quốc gia.
Theo các chuyên gia, cầu yếu được hiểu là cầu có công năng thấp hơn so với thiết kế ban đầu, độ cao tĩnh không không đảm bảo, độ rộng khổ thông thuyền hẹp, trụ cầu không có khả năng chống va xô…
Về hiện trạng, hiện nay có tổng cộng 861/5.869 cầu đường bộ cắm biển hạn chế tải trọng trên các tuyến quốc lộ, 251/532 cầu và công trình vượt sông có tĩnh không thấp hơn thông số kỹ thuật, 180 cầu đường sắt đã cũ có nguy cơ mất an toàn. Các cầu yếu này hầu hết được xây dựng từ lâu, hiện Bộ GTVT đang có kế hoạch sửa chữa, nâng cấp và thay các cầu này.
Về giải pháp chung, đối với các cây cầu quá cũ, không bảo đảm an toàn cho công trình và người tham gia giao thông sẽ được thay thế bằng các cầu mới, các cầu có công năng giảm so với thiết kế nhưng vẫn có khả năng sử dụng sẽ được nâng cấp, sửa chữa để đảm bảo an toàn cho công trình và người tham gia giao thông.
Các giải pháp cụ thể được các chuyên gia đề xuất như nâng độ cao tĩnh không của cầu, thiết kế các trụ chống va xô đảm bảo an toàn cho công trình; siết chặt công tác quản lý, kiểm soát phương tiện vận tải thủy; đánh giá, phân loại tuyến đường thủy để có quy định đối với các phương tiện đường thủy phù hợp với tuyến đường…
Đánh giá về các công tác trong lĩnh vực đường thủy nội địa, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết, thời gian qua đã xảy ra khá nhiều các sự cố, tai nạn liên quan đến đường thủy, trong đó có hai sự cố nghiêm trọng mới xảy ra tại cầu An Thái (Hải Dương) và cầu Ghềnh (Đồng Nai). Nguyên nhân chính dẫn đến các tai nạn đường thủy chủ yếu do người điều khiển phương tiện và sự quản lý lỏng lẻo của các cơ quan chức năng có liên quan.
Để đảm an toàn người tham gia giao thông và các cây cầu, Thứ trưởng yêu cầu Cục Đường thủy nội địa Việt Nam siết chặt công tác quản lý phương tiện và người lái; tham mưu cho Bộ để chấn chỉnh lại hệ thống quản lý vận tải đường thủy; rà soát lại các tuyến, luồng, quản lý hệ thống phao tiêu, biển báo; tiếp tục phối hợp với các địa phương tuyên truyền Luật Giao thông đường thủy nội địa, đồng thời có biện pháp xử lý nghiêm khắc đối với các tổ chức, cá nhân cố tình vui phạm các quy định.
Đối với Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Thứ trưởng yêu cầu rà soát lại toàn bộ các cầu có nguy cơ bị các phương tiện thủy đâm vào, từ đó đề xuất ra giải pháp thực hiện cụ thể và báo cáo Bộ GTVT trước ngày 30/4.
Về giải pháp cấp bách, Thứ trưởng yêu cầu Cục Đường thủy nội địa Việt Nam rà soát lại toàn bộ các điểm của cầu có nguy cơ va đập để có biện pháp bảo vệ; hoàn thiện hệ thống phao tiêu biển báo đường thủy, lắp đặt hệ thống cảnh báo tĩnh không từ xa; phối hợp với Cục QLXD&CLCTGT nghiên cứu cho xây dựng trụ chống va xô theo mô hình chuẩn; xử lý nghiêm khắc đối với các tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm các quy định (có thể thu hồi giấy phép kinh doanh, giấy phép điều khiển phương tiện) và tăng cường kiểm tra công tác đăng kiểm các phương tiện thủy nội địa.
End of content
Không có tin nào tiếp theo