Rắc rối trách nhiệm bản dịch công chứng
Bộ trưởng Bộ Tư pháp nêu thực trạng “có vấn đề rất lớn về dịch thuật trong công chứng”.
Công chứng viên thực hiện công chứng và chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của giấy tờ được dịch hay người yêu cầu chứng nhận bản dịch phải chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của các giấy tờ được dịch?
Chiều 20/2, UB TVQH cho ý kiến về các vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật công chứng (sửa đổi). Vấn đề được quan tâm nhiều nhất là trách nhiệm của văn phòng công chứng và công chứng viên trong việc công chứng hoặc chứng nhận các bản dịch giấy tờ.
Báo cáo giải trình, tiếp thu Luật Công chứng (sửa đổi) của UB TVQH cho thấy luồng ý kiến thứ nhất tán thành giao công chứng viên thực hiện công chứng và chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của giấy tờ được dịch.
Ý kiến thứ hai băn khoăn cho rằng quy định này là không khả thi, đặc biệt là trong các trường hợp các giấy tờ được dịch lại không do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam ban hành.
UB TVQH tán thành giao cho công chứng viên nhiệm vụ chứng nhận bản dịch giấy tờ. Theo đó, người dịch chịu trách nhiệm về tính chính xác của nội dung bản dịch so với bản chính hoặc bản sao giấy tờ được dịch; người yêu cầu chứng nhận bản dịch chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của các giấy tờ được dịch.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường nêu thực trạng “có vấn đề rất lớn về dịch thuật trong công chứng” cũng như trách nhiệm của các cơ quan chứng thực về bản dịch đó trước Nhà nước hiện rất không rõ ràng.
“Tất cả các nước đều giao công chứng viên phải chịu trách nhiệm duy nhất. Anh nhận bản dịch từ một người thì phải chắc chắn người đó được cấp phép dịch thuật thì mới dám đặt bút ký. Trước khách hàng và Nhà nước, công chứng viên chịu trách nhiệm về tính chính xác của bản dịch, tư cách người dịch cũng như tính hợp pháp của giấy tờ đó”, Bộ trưởng cho hay.
Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý nhận định nếu bắt công chứng viên chịu trách nhiệm về những nội dung trên thì sẽ liên quan đến trách nhiệm của người dịch. Ngoài ra, đặt vấn đề “tính hợp pháp của văn bản”, nếu bản gốc của văn bản ở Pháp, Nga mà phải chờ xác nhận tính hợp pháp rồi mới công chứng sẽ ùn tắc, không thể làm được. Trong trường hợp đó công chứng viên chỉ có thể xác thực là nó đúng y bản chính.
Dự thảo luật được giao tiếp tục nghiên cứu trước khi trình QH.
Vietnamnet
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vận hành tàu 'hoàng hậu', xây dựng Đà Lạt - Trại Mát thành tuyến đường sắt đẹp nhất Việt Nam
Đà Nẵng: Tặng quà cho người dân và du khách trong đêm Noel
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất mức trích chi phí quản lý BHXH, bảo hiểm thất nghiệp tối đa 1,44%
Đại hội đồng LHQ thông qua 'Công ước Hà Nội' về tội phạm mạng
Quỹ 'Vì cuộc sống tươi đẹp' được vinh danh
Quảng Nam – Đà Nẵng: Nguy cơ thiếu nước trong năm 2025 ở mức cao
Cột tin quảng cáo