Rau an toàn: Đầu ra vẫn là thách thức lớn?
Trong vài năm trở lại đây, trước thực trạng đáng báo động về vệ sinh an toàn thực phẩm và sức khỏe người tiêu dùng, vấn đề sản xuất và tiêu thụ rau an toàn đã trở thành mối quan tâm của toàn xã hội. Tuy nhiên chi phí sản xuất lớn, giá thành sản phẩm cao, công tác truyền thông kém, hệ thống phân phối bán lẻ yếu… dẫn đến việc tiêu thụ rau an toàn gặp nhiều khó khăn. Tìm đầu ra cho rau an toàn vẫn còn là thách thức lớn.
Nhằm nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng trong tháng bán hàng vì người tiêu dùng, Hiệp hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, vừa tổ chức hội thảo “Nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng về rau an toàn và rau hữu cơ”. Tại đây, đa số các ý kiến cho rằng, rau an toàn thiếu chỗ đứng trên thị trường là do giá thành sản xuất cao, chi phí lớn, khiến rau an toàn khó cạnh tranh được với các sản phẩm rau quả thông thường giá rẻ trên thị trường.
Giá cao, thiếu thông tin… khó tiêu thụ
Theo Hiệp hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas), hiện trên thị trường có rất nhiều hệ thống cửa hàng treo biển bán rau sạch, nhưng thực tế rau có được sản xuất an toàn hay không thì khó có thể kiểm chứng. Mặt khác, khái niệm về rau an toàn cũng chưa có quy định, tiêu chuẩn cụ thể, người tiêu dùng vẫn chưa phân biệt được sự khác nhau giữa rau sản xuất thông thường với rau an toàn.
Dẫn số liệu liệu cụ thể, đại diện Vinastas cho biết, qua khảo sát tại 6 tỉnh thành phía Bắc là Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Thái Bình, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, thì có đến 90% người tiêu dùng khi được hỏi về cách nhận biết, phân biệt rau an toàn đều có chung câu trả lời là không phân biệt được rau an toàn với các loại rau, quả thông thường, bằng mắt thường. Họ chỉ phân biệt, nhận diện được rau an toàn qua các hệ thống bán lẻ có các chứng nhận tiêu chuẩn cụ thể. Mặt khác, trên thực tế có rất ít người tiêu dùng tiếp cận được thông tin chính xác về điểm bán rau an toàn.
Trong khi chợ cóc, chợ đầu mối của thành phố tiêu thụ hàng tấn rau, quả không rõ nguồn gốc mỗi ngày thì trung bình các đại lý, cơ sở của Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cũng chỉ tiêu thụ được 200-300kg rau an toàn. Theo đại diện Hapro, giá thành sản xuất rau an toàn cao vẫn là trở ngại lớn, khiến rau an toàn khó cạnh tranh. Bởi giá bán rau an toàn thường cao hơn bên ngoài từ 1,5-2 lần. Mặt khác, việc sơ chế, sản xuất, bảo quản rau an toàn kém của người sản xuất cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.
Cần hệ thống phân phối
Theo nhiều chuyên gia, để tiêu thụ rau an toàn, ngoài việc đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến thương mại thì xây dựng hệ thống bán lẻ cho rau an toàn là điều cần thiết. Tuy nhiên, việc triển khai này còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc cần sự tháo gỡ của các cấp.
Đại diện nhiều DN tham gia chương trình sản xuất rau an toàn cho hay, mặc dù rất muốn mở các điểm bán hàng lưu động tại các khu đất trống ngoài trời như vỉa hè, khu chung cư… để đưa đầu ra cho sản phẩm, thế nhưng cách làm này ít các được địa phương, chính quyền ủng hộ vì lo ngại vấn đề giao thông.
Mặt khác, theo nhiều DN khi tìm được địa điểm phù hợp, giá rẻ để cạnh tranh được cũng không phải là dễ. Bởi để cạnh tranh với các sản phẩm rau quả giá rẻ Trung Quốc đang ngày đêm xâm nhập thị trường; và để thay đổi thói quen mua bán truyền thống của người tiêu dùng tại các chợ cóc, chợ đầu mối chuyển sang dùng rau an toàn không phải là chuyện “một sớm, một chiều” mà cần một chiến lược dài hơi.
Công ty Việt Long (Quảng Ninh) mặc dù mỗi ngày sản xuất được 2 tấn rau an toàn nhưng cũng chỉ tiêu thụ được 1,5 tấn. Đại diện công ty này cho hay, người tiêu dùng vẫn còn dè dặt với rau an toàn bởi chính họ cũng chưa nhận thức phân biệt được đâu là rau an toàn, rau sạch. Nhiều người cho rằng, rau xanh, rau tươi, không bị sâu là rau an toàn…, cách hiểu này hoàn toàn sai, thiếu căn cứ bởi không ít trường hợp người sản xuất vì lợi nhuận trước mắt để rau đẹp, kịp thời vụ và tránh sâu bệnh đã phun thuốc bảo vệ thực vật với hàm lượng cao, thời gian phân hủy thuốc chưa hết đã thu hoạch, bán ra thị trường…
Đại diện Công ty TNHH Hương Cảnh, đơn vị sản xuất rau an toàn tại xã Văn Đức, huyện Gia Lâm, Hà Nội cho hay, do gặp nhiều khó khăn trong việc mở địa điểm nên đến nay sản phẩm của công ty chủ yếu là “ký gửi” tại các siêu thị. Do đó, để đẩy mạnh việc tiêu thụ sản phẩm, Nhà nước nên có cơ chế, chính sách cụ thể hỗ trợ các doanh nghiệp mở các hệ thống bán lẻ, tìm đầu ra cho sản phẩm…/.
Minh Trí (Theo VEN)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Ông Trần Chí Cường làm Trưởng Ban chỉ đạo phát triển ngành logistics Đà Nẵng
Kế hoạch triển khai thi hành Luật Bảo hiểm xã hội
Doanh nghiệp Pháp muốn đầu tư vào hạ tầng giao thông tại Long An
Hướng nghiệp sớm, hình thành đội ngũ lao động trẻ có tay nghề cao
An Giang bàn giải pháp phát huy giá trị chiến lược của kênh Vĩnh Tế
EVNCPC triển khai chương trình ‘Tháng tri ân khách hàng 2024’
Cột tin quảng cáo