Chứng khoán

Reuters: Nới room ngoại cho một số DN niêm yết trong vài ngày tới

Reuters cho hay giới hạn sở hữu và quyền biểu quyết đối với nhà đầu tư nước ngoài sẽ được nâng từ 49% lên 60%.

Hãng tin Reuters đưa tin, trong vài ngày tới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ thông qua điều luật sửa đổi cho phép các nhà đầu tư nước ngoài sở hữu tới 60% cổ phần trong một vài doanh nghiệp niêm yết. Đây là động thái mới nhất trong nỗ lực nới lỏng vai trò kiểm soát của nhà nước đối với nền kinh tế.

Reuters cho hay giới hạn sở hữu và quyền biểu quyết đối với nhà đầu tư nước ngoài sẽ được nâng từ 49% lên 60%. Tuy nhiên, điều này chỉ xảy ra trong một số ngành và công ty nhất định, sau khi được các cổ đông và chính Thủ tướng thông qua.

Quyền biểu quyết của nhà đầu tư nước ngoài trong các công ty chưa niêm yết cũng được tăng lên 49%, phù hợp với giới hạn về sở hữu cổ phần hiện đang ở mức 49%.

Nhà đầu tư đã chào đón ý tưởng này và coi đây là một bước tiến tích cực nhằm thu hút thêm vốn cho hai sàn. Tuy nhiên, họ cũng cho rằng luật cần được nới lỏng hơn nữa nếu như Việt Nam thực sự mong muốn thu hút đầu tư và thúc đẩy hoạt động của các doanh nghiệp.

Theo số liệu thống kê của Thomson Reuters, kể từ đầu năm đến nay, chỉ số VnIndex đã tăng 21%, giúp TTCK Việt Nam trở thành thị trường có diễn biến tốt nhất trong khu vực Đông Nam Á và đứng thứ 4 ở châu Á.

Tuy nhiên, thị trường vẫn giảm 57% so với mức đỉnh được lập hồi tháng 3/2007. Việt Nam vẫn chưa phải là thị trường lớn trong khu vực với giá trị vốn hóa ở mức 40 tỷ USD, chỉ bằng 1/8 so với Thái Lan và 1/10 so với Singapore. Đã từng được coi là ngôi sao mới nổi tiếp theo của châu Á, nền kinh tế Việt Nam cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi tỷ lệ nợ xấu cao, tiêu dùng nhỏ giọt và một lượng lớn các doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ phá sản.

Reuters dẫn lời một quan chức từ Ủy ban chứng khoán cho biết bản kiến nghị đã được Bộ Tài chính gửi tới Thủ tướng trong tuần trước và sẽ sớm được thông qua. Việc nới room sẽ không được áp dụng với các ngành mà “nhà nước cần phải kiểm soát lượng vốn ngoại”.

Các nhà đầu tư và nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng Việt Nam sẽ cần phải hành động nhiều hơn nữa bởi các động thái cải cách đã được thực hiện cho đến nay cũng như những dự kiến cho thấy vẫn chưa có sự chuyển dịch đáng kể trong vai trò của khu vực nhà nước.

Ông Trần Tài, Giám đốc Quản lý danh mục đầu tư Quỹ Asiavantage Global Ltd của Nhật Bản, cho rằng đầu tiên thị trường sẽ tăng điểm sau khi luật mới được ban hành. Tuy nhiên, sẽ phải mất một thời gian để nhìn thấy những tác động thực sự. Ông Tài cho rằng đây là một tín hiệu tích cực từ Chính phủ, nhưng vẫn chưa hoàn toàn đúng với kỳ vọng của nhà đầu tư.

Theo ông Trần Đắc Sinh, Chủ tịch HĐQT Sở GDCK TP. HCM (HOSE) cho biết trung bình các doanh nghiệp niêm yết trên sàn HOSE có tỷ lệ vốn ngoại là 24% trong năm 2013. Do đó, vẫn còn nhiều “room” để khối ngoại mua vào. Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc vào sức hấp dẫn của các doanh nghiệp.

Trong khi đó, ông Dominic Scriven – CEO của  Dragon Capital, nhận định vấn đề của Việt Nam nằm ở chỗ các công ty lớn và hấp dẫn nhất đã hết room, với 12 trong tổng số 30 công ty thuộc top đầu đã chạm mức tối đa. Các quỹ trong nước đang quản lý tổng tài sản vào khoảng 1 tỷ USD – con số quá nhỏ bé so với các thị trường như Thái Lan. Do đó, Việt Nam cần nới lỏng luật lệ hơn nữa để có thể thu hút vốn.

Theo CafeF
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo