Reuters: Việt Nam "nhắm" tới máy bay do thám của Lockheed
Theo tin từ Reuters, Việt Nam và Hàn Quốc đang xem xét nghiêm túc việc mua các máy bay do thám hàng hải P-3 và S-3 tân trang của Tập đoàn vũ khí Lockheed Martin (Mỹ).
Tại triển lãm hàng không ở Berlin – Đức diễn rao vào tuần trước, ông Clay Fearnow, Giám đốc cao cấp bộ phận hàng không của công ty Lockheed Martin, tiết lộ Việt Nam dự kiến yêu cầu báo giá và thông tin chính thức về 4 - 6 máy bay P-3 Orion trong vài tháng tới.
Theo các quan chức Mỹ và Lockheed, động thái dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương cho Việt Nam của chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama vào tháng trước đã mở đường cho các thỏa thuận vũ khí.
Reuters dẫn lời Thứ trưởng Quốc phòng, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cho hay, việc mua vũ khí Mỹ là một phần trong quá trình tăng cường quan hệ Việt – Mỹ trên khắp các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa và an ninh. \
Tuy nhiên, phát biểu bên lề Đối thoại Shangri-la diễn ra ở Singapore hôm 04/6, Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh nhấn mạnh: "Đây chỉ mới là bước đầu tiên. Việc Mỹ dỡ bỏ cấm vận vũ khí đối với Việt Nam không chỉ có ý nghĩa về mặt thương mại mà còn có ý nghĩa nâng cao sự tin tưởng giữa 2 nước”.
“Chúng tôi chưa chắc chắn về những gì có thể mua từ Mỹ và những gì chúng tôi muốn mua", Thứ trưởng Vịnh cho biết thêm.
Ông Fearnow cho biết, nếu thỏa thuận suôn sẻ, các máy bay P-3 hải quân Mỹ đã ngừng sử dụng và đang đỗ ở một sa mạc sẽ được tân trang với đôi cánh mới, hệ thống nhiệm vụ và thiết bị tác chiến chống ngầm mới cho Việt Nam.
Cũng theo ông Fearnow, chi phí thỏa thuận có thể vượt con số 80 - 90 triệu/chiếc P-3, mức giá này từng được áp dụng cho thỏa thuận bán cho Đài Loan 12 chiếc P-3 cách đây vài năm, vì các thiết bị bổ sung.
Lockheed đã chế tạo những cánh máy bay mới hoặc tân trang cho trên 90 chiếc P-3 trên khắp thế giới, trong đó có Mỹ, Na-uy, Đài Loan, Chile và Đức, kể từ năm 2008, trong đó một số đơn hàng hiện vẫn đang được tiến hành.
Hiện Lockheed đang nỗ lực giành thêm các đơn hàng mới nhiều hơn và mở rộng dây chuyền sản xuất cánh máy bay tại Marietta, Georgia.
Theo ông Fearnow, Brazil và Hàn Quốc đang "để mắt" tới việc đặt mua các cánh máy bay mới cho phi đội máy bay hiện có, nhưng phải quyết định trước ngày 01/9 để tránh khả năng chênh lệch giá trong chuỗi sản xuất cánh máy bay.
Công ty Boeing của Mỹ cũng đang chế tạo máy bay do thám hàng hải P-8 Poseidon, tuy nhiên đó là những phiên bản mới hơn đáng kể và cũng đắt đỏ hơn so với P-3. Một phiên bản khác cũng có khả năng cạnh tranh là C295 của Airbus đang được chế tạo tại Tây Ban Nha.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, hiện tại họ chưa thể bình luận về khả năng bán máy bay P-3 hoặc S-3 cho đến khi họ chính thức thông báo với Quốc hội nước này.
Ông Fearnow tiết lộ rằng, Philippines cũng muốn mở rộng các khả năng do thám hàng hải, nhưng hiện vẫn đang trong tiến trình cân nhắc nên chưa có quyết định cụ thể nào.
End of content
Không có tin nào tiếp theo