Rời tàu, đừng vẫy tay lâu
Anh em dặn nhau như vậy khi tạm biệt nhau giữa Hoàng Sa, vì không ai muốn khóc. Tối 13/6, chúng tôi kết nối qua điện thoại vệ tinh với nhà báo Trần Tuấn đang ở vùng biển Hoàng Sa, nơi giàn khoan Hải Dương 981 hạ đặt trái phép. Qua sóng biển ầm ào, anh Tuấn nói đứt quãng: Đây có lẽ là chuyến biển nguy hiểm gấp bội phần so với những chuyến trước đưa nhà báo ra tác nghiệp.
Champions League, năm nào cũng lỡ
Đọc xong bài qua điện thoại vệ tinh, anh Tuấn kể thêm, không chỉ có “khách” mà cả những thuyền viên dạn dày kinh nghiệm cũng bị giông gió quật cho tơi tả.
Tuy nhiên, các anh vẫn bám chắc hiện trường, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tôi hỏi dò, thế có biết World Cup ở Brasil đã khai mạc hay không, anh cười qua điện thoại, thời gian dành hết cho tác nghiệp, ăn và… nôn mửa.
Tôi hiểu điều đó, bởi hơn 10 ngày lênh đênh trên Hoàng Sa, các anh, những kiểm ngư, cảnh sát biển, ngư dân đã vứt bỏ hết nỗi niềm riêng, tạo thành bức tường thép giữ gìn phên dậu biển khơi. Ở đó, có những kỷ niệm máu thịt sẽ không bao giờ bị quên.
Những ngày ở Hoàng Sa, trên con tàu kiểm ngư KN 761 ngay sát cạnh giàn khoan, gần như chúng tôi không có thời gian để nghỉ ngơi hoặc tâm sự chuyện riêng.
Mỗi ngày, hai, ba lần tàu tiến vào, lại phải dạt bởi những “quái thú” đồ sộ của phía Trung Quốc. Cứ thế, tiến vào rồi lại dạt ra. Đêm về, thời điểm đó là mùa trăng, ánh trăng Hoàng Sa vằng vặc. Đêm kéo dài lê thê giữa trùng khơi, lãng mạn và rùng rợn.
Kiểm ngư viên Nguyễn Xuân Trường cùng tôi nằm trên boong KN 761, tâm sự về những ngày nghỉ hiếm hoi của anh. Trai Huế vào Đà Nẵng, công tác ngành kiểm ngư, quanh năm bám biển. Vài tháng một lần mới có ngày nghỉ cuối tuần dẫn vợ và con trai đi chơi, đối với Trường đó là giây phút quý hơn vàng.
Chuyện lan man đến chủ đề bóng đá. Đó là đêm trước trận cầu chung kết Champions League năm 2014 giữa Real Madrid và Aletico Madrid. Trường nhỏm dậy: “Thế là đã mùa thứ 3 em lỡ trận chung kết. Mà cũng không riêng gì chung kết, hầu hết các trận quan trọng đều lỡ cả. Nói thật với anh, bóng đá là niềm đam mê của đàn ông, riêng em cứ như bị bùa ngải.
Nhớ trận cầu đỉnh cao năm vợ em đẻ. Biết chăm con là số một đó, nhưng 2 giờ sáng, dù thức trắng mấy đêm trước, phạc cả người nhưng rồi em cũng thức trọn đêm đó mà xem. Báo hại hôm sau ngủ li bì, vợ đang đẻ chăm con, chăm luôn cả chồng”.
Trận chung kết Champions League năm nay, Trường lại lỡ vì ngày đêm bám Hoàng Sa. “Tâm sự với anh cho vui thế thôi chứ khi đã ra đây, nhiệm vụ là hàng đầu. Những thú vui bình thường, bỏ hết”.
KN 761 là con tàu về từ Hoàng Sa muộn nhất trong đợt làm nhiệm vụ quốc gia vào tháng 4. Đúng ngày 30/4, tàu cập Đà Nẵng, để rồi chiều 1/5, thuyền phó Nguyễn Xuân Hải nhận lệnh, làm quyền thuyền trưởng tạm thời ngay lập tức xuất kích. Anh em chỉ kịp mang tạm vài bộ quần áo, lương thực chuẩn bị nhanh gọn.
“Mặc dù gia đình ở Đà Nẵng, nhưng em không kịp về gặp vợ con. Mình không lường được đi gấp thế nên phải ở lại làm thủ tục, cho các anh em tỉnh xa về trước. Đến khi nhận lệnh thì đã là nội bất xuất ngoại bất nhập rồi” - Trường kể.
Đầu tháng 6, tàu KN 761 được lệnh quay về Đà Nẵng trong... 1 ngày. Tôi chạy vội sang, chỉ kịp uống với anh em ly cà phê. Nhắc chuyện bóng đá, Nguyễn Xuân Trường lại nhấp nháy: “Tất nhiên là em lại lỡ World Cup rồi, thôi chuyến sau về nhờ anh kể lại chi tiết”. Nói thế là bởi đêm thức trắng cùng nhau dưới ánh trăng Hoàng Sa, tôi kể lại cho Trường từng trận một mà anh đã bỏ lỡ.
Gia đình ở Hoàng Sa
Đến bây giờ, có lẽ tôi là một trong số rất ít phóng viên được may mắn ra Hoàng Sa và hiện diện ở trên cả 3 lực lượng: đi đánh bắt hải sản cùng ngư dân, tham gia tuyên truyền trên hai tàu của lực lượng kiểm ngư và cảnh sát biển. Sau chuyến sang tàu hãi hùng đêm tối từ tàu ĐNa 90039 sang KN 761, anh Nguyễn Văn Viên, người có thâm niên già nhất KN 761, nói vui: “Chú từ tàu cá sang đây có thể coi như nắm chắc một nửa đường sống”.
Tôi lên KN 761 đúng những ngày thực phẩm bắt đầu cạn, và khi đó, mới thấm hết được cực nhọc của các anh. Nhường cơm sẻ áo, chăm sóc nhau như một gia đình. “Chúng tôi là một gia đình nhỏ, trong đại gia đình ở Hoàng Sa” - thuyền trưởng Hải nói.
Đến ngày thứ 2, trong đêm tối, tàu KN 761 của chúng tôi được tiếp tế một ít thực phẩm. Cuộc tiếp tế diễn ra gay cấn trong đêm, dưới sự truy cản quyết liệt của phía Trung Quốc (như đã kể) cuối cùng cũng xong nhờ sự quyết tâm và khéo léo, dứt khoát của thuyền trưởng Nguyễn Xuân Hải cùng anh em.
Một ít thịt, cá hộp, gà, rau xanh và có cả một con heo còn sống. Riêng can rượu thì rỗng không. Ngày chúng tôi lên chỉ còn 5 lít, anh em thuyền viên phải nhịn miệng đãi “khách”.
Hà Khắc Tuyên, trông già hơn rất nhiều so với cái tuổi 23, cũng là một trong những 9X trẻ nhất KN 761, cho biết: “Em là lính mới, lần đầu tiên xa nhà, làm nhiệm vụ thực thi pháp luật ở Hoàng Sa. Nguy hiểm thì không sợ. Điều làm em cảm động là tình cảm anh em dành cho nhau giữa trùng khơi. Trên con tàu nhỏ này, ở trên bờ cũng như ra khơi xa, mấy bác, mấy chú cũng như anh em cùng tuổi, có thể chết vì nhau”. Rồi Tuyên dặn dò tôi “Có thể các anh được về đất liền sớm hơn, vì đó là nhiệm vụ tuyên truyền, nhưng khi lên tàu, mong anh đừng vẫy tay chào quá lâu, nếu thế, bọn em sẽ khóc mất. Mà em thì không muốn khóc”.
Hà Khắc Tuyên cũng là “cây kéo vàng” của tàu KN 761. Lênh đênh hàng tháng trời, khó khăn thiếu thốn nước ngọt, nhưng riêng khoản tóc tai anh em lúc nào cũng gọn gàng, nghiêm chỉnh. Bởi thế, cứ chiều chiều, tôi lại thấy boong KN 761 như một tiệm cắt tóc thu nhỏ.
Đêm tiễn chúng tôi qua tàu CSB, chặng cuối của chuyến công tác Hoàng Sa, can rượu 5 lít đã trơ đáy. Con mực tươi rói mới được câu lên, giãy đành đạch, óng ánh dưới ánh trăng. Đơn độc. Thuyền trưởng Nguyễn Xuân Hải vân vê can rượu, tỏ ra rất áy náy. Đĩa mực bốc khói bưng ra, anh em KN 761 pha một ấm trà, rót từng ly.
“Lấy trà thay rượu, hẹn ngày tái ngộ”. Một số quay đi, rơi nước mắt. Tôi tạm biệt KN 761, bước sang một hải trình mới trên tàu CSB. KN 761 sau một hồi còi dài, rẽ sóng quay đi, vút vào đêm đen Hoàng Sa.
Tiền Phong
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo