Rớt thầu vì hàng Việt
Ông Trần Thành Trọng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sáng Ban Mai (Sbmpower, tỉnh Bình Dương), chia sẻ câu chuyện của chính công ty mình khi bị loại khỏi các cuộc đấu thầu. Công ty này sản xuất, lắp ráp máy phát điện công nghiệp, tỉ lệ nội địa hóa 20%-40%, giá rẻ hơn 20%-30% so với hàng nhập khẩu cùng chất lượng. Tuy “thắng đậm” trong cuộc cạnh tranh với hàng nhập, được doanh nghiệp tư nhân chọn dùng nhưng công ty này lại thường xuyên “rớt đài” khi tham gia đấu thầu các công trình lớn dùng ngân sách nhà nước. Công ty Sáng Ban Mai (SBM) đã từng thua cuộc ba lần đấu thầu và mất cơ hội trong nhiều cuộc đấu thầu khác. Công ty này vừa tập hợp thông tin về các cuộc đấu thầu trên gửi cho Cục Quản lý đấu thầu (Bộ KH&ĐT).
Mất điểm vì “made in Vietnam”
Ông Trọng kể năm 2013, trong gói thầu xây dựng đường dây trung thế ở Đồng Nai quy định máy phải được nhập khẩu đồng bộ, chỉ định xuất xứ Singapore - Korea - Thái Lan... SBM dự thầu máy sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam nên rớt thầu, còn máy ngoại nhập giá cao hơn thì trúng thầu. Một lần khác ở tỉnh Vĩnh Long, SBM cũng kiên trì tham gia đấu thầu cung cấp máy phát điện nhưng cũng bị rớt thầu vì chủ đầu tư quy định thiết bị phải nhập khẩu đồng bộ. Tiếp đến, SBM lại rớt thầu ở một gói thầu khác ở Đồng Nai vì hồ sơ thầu yêu cầu hàng nhập khẩu phải nguyên chiếc!
Đến năm 2014, SBM vẫn theo dõi các gói thầu về máy phát điện có vốn từ ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, ngán ngẩm từ kết quả của các gói thầu trước, SBM không tham gia đấu thầu nữa vì “biết chắc là sẽ bị loại”. Trong tám gói thầu “phân biệt đối xử” mà SBM “tố” với Cục Quản lý đấu thầu (Bộ KH&ĐT) gồm có gói thầu cung cấp lắp đặt máy phát điện cho BV Đa khoa tỉnh Đồng Nai, Công ty Xây lắp điện 1...
Gần đây nhất, SBM tham gia một gói thầu cung cấp, lắp đặt hai máy phát điện. Do gói thầu này cũng yêu cầu máy nhập khẩu đồng bộ nên công ty quyết định nhập khẩu đồng bộ để dự thầu như các đơn vị nhập khẩu khác. “Máy do SBM sản xuất có chất lượng tương đương vì thiết bị và công nghệ lõi là như nhau, giá rẻ hơn 25% nhưng chắc chắn sẽ rớt thầu như các lần trước thôi nên chúng tôi mới tham gia đấu thầu bằng máy nhập giá cao. Gói thầu này chưa có kết quả” - ông Trọng chia sẻ.
Tâm lý chuộng ngoại
Không chỉ yêu cầu hàng nhập khẩu, chỉ định xuất xứ hàng hóa, nhiều gói thầu còn đưa ra các tiêu chí “khó đỡ”. Ví dụ, gói thầu của BV Đa khoa tỉnh Đồng Nai yêu cầu máy phát điện phải do hãng sản xuất máy có thương hiệu và lâu đời trên 45 năm!
Ông Trọng cho biết có những lần đấu thầu mà gói thầu không đòi hỏi hàng nhập đồng bộ, nguyên chiếc thì công ty có thể qua được vòng đầu nhưng đến vòng sau thì vẫn thua vì hàng trong nước tuy rẻ nhưng phải “rẻ bèo” thì may ra mới được chọn, còn rẻ mà không đạt trên 40% thì chủ đầu tư vẫn chọn máy nhập khẩu giá cao.
“Thời gian mới thành lập, SBM cũng nhập khẩu nguyên chiếc, khoảng 10 năm trở lại đây chúng tôi mới mua công nghệ từ châu Âu, chuyển dần sang sản xuất, lắp ráp. Đến nay lượng khách muốn mua hàng nhập khẩu nguyên chiếc chỉ khoảng 10% mà thôi, vì tâm lý họ vẫn cho rằng hàng ngoại tốt hơn hàng nội địa. Còn hầu hết khách hàng sau khi nghe chúng tôi tư vấn đều chọn hàng sản xuất trong nước” - ông Trọng thông tin thêm.
Cục Quản lý đấu thầu đã gửi công văn đề nghị Công ty SBM cung cấp thêm thông tin về các gói thầu có quy định máy nhập khẩu và hệ số đánh giá ưu tiên cho sản phẩm ngoại nhập.
"Nói ra không phải để lấy thầu"
Sáng Ban Mai chủ yếu bán máy cho doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nước ngoài và chúng tôi xuất sang Myanmar, Campuchia... Không trúng thầu các gói thầu từ ngân sách nhà nước thì cũng chẳng làm sao cả, không khó khăn gì với chúng tôi cả. Tôi nói ra cũng không nhằm để được thầu. Công ty phản ánh vì cảm thấy bức xúc trước sự “phân biệt đối xử”. Hơn nữa, tiền ngân sách chi ra để mua máy ngoại nhập là tốn kém, lãng phí lắm. Mặt khác, nếu không chấn chỉnh tình trạng chuộng hàng ngoại, ưu tiên hàng ngoại trong gói thầu dùng ngân sách nhà nước thì tâm lý này sẽ dần lan ra khối tư nhân, sẽ ảnh hưởng đến rất nhiều doanh nghiệp đang cố gắng sản xuất, lắp ráp trong nước.
Ông TRẦN THÀNH TRỌNG, Tổng Giám đốc Công tyCổ phần Sáng Ban Mai
0,5-3 tỉ đồng/máy là tiền chênh lệch giữa máy nhập và máy sản xuất trong nước. Ví dụ, máy phát điện công suất 1.000 KVA trong nước khoảng 2,8 tỉ đồng, máy nhập khẩu khoảng 3,2 tỉ đồng. Máy 1.500 KVA trong nước khoảng 4 tỉ đồng thì máy nhập khẩu đến 4,6 tỉ đồng. Máy 2.500 KVA trong nước, Sáng Ban Mai tham gia đấu thầu quốc tế cho dự án tại Bình Dương với giá khoảng 7,1 tỉ đồng đã thắng thầu, trong khi giá máy ngoại nhập do doanh nghiệp các nước khác tham gia đấu thầu cho dự án này ở mức 9-10 tỉ đồng.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Mạng 5G đã sẵn sàng, hướng đi nào để doanh nghiệp viễn thông 'đánh thức' tiềm năng thị trường?
Giá xăng giảm gần 500 đồng/lít
Vụ phát hiện giá đỗ độc hại dùng chất cấm gây não úng thủy, dị tật bẩm sinh: Một cơ sở khai bán cho siêu thị Bách Hóa Xanh 350-400kg/ngày
Lượt cài đặt ứng dụng mua sắm trên toàn cầu tăng mạnh
Hỗ trợ vốn khởi nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ
Giá ngoại tệ ngày 27/12/2024: Đồng USD giảm giá