Rót vốn ODA cho doanh nghiệp tư nhân
Ngày 11/5, Công ty Esuhai (TP. Hồ Chí Minh) đã khởi công Trung tâm Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực kỹ thuật Việt - Nhật từ nguồn vốn vay ODA. Đây là một trong những doanh nghiệp tư nhân đầu tiên nhận vốn vay ODA ưu đãi trực tiếp từ Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA).
Trao đổi với PV, ông Yasui Takehiro, trưởng ban đầu tư nước ngoài của JICA tại Nhật, cho biết:
- Mặc dù đến nay vốn ODA của JICA chủ yếu tài trợ các dự án liên quan đến chính phủ, nhưng từ bây giờ trở đi những dự án cơ sở hạ tầng của khối tư nhân cũng sẽ được JICA chú ý. JICA sẽ có hỗ trợ hoặc cho vay vốn trực tiếp các công ty tư nhân ở các nước, trong đó có Việt Nam, với các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng mà Chính phủ đang tổ chức cho công ty tư nhân thực hiện, hay các dự án tư nhân có đóng góp với sự phát triển xã hội để giúp nhà đầu tư tư nhân thực hiện, không phải phụ thuộc vào nhà nước.
Cho đến nay, các dự án sử dụng nguồn vốn ODA chủ yếu tập trung cơ sở hạ tầng và liên quan đến giáo dục, đào tạo nhân sự. Hiện chúng tôi đang thẩm tra một vài dự án, trong đó có một dự án với một trường học ở phía Bắc và một dự án xây dựng nhà máy lọc nước và xử lý nước thải ở Long An. Mặc dù Chính phủ sẽ đứng ra nhưng công ty tư nhân sẽ trực tiếp làm.
Dự án đầu tiên nhận vốn được triển khai Dự án xây dựng Trung tâm Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực kỹ thuật Việt - Nhật do Công ty đào tạo, giới thiệu nhân lực Việt Nam Esuhai đầu tư là dự án đầu tiên nhận vốn hỗ trợ của JICA, được triển khai sau khi tổ chức này mở lại chương trình đầu tư nước ngoài trên toàn thế giới. Dự án này được thực hiện dưới hình thức JICA cấp vốn cho Ngân hàng Á Châu (ACB), sau đó ngân hàng này sẽ cho Esuhai vay lại khoản tiền 200 triệu yen (khoảng 52 tỉ đồng). Công ty Esuhai sẽ dùng số tiền này để xây và mở rộng quy mô hoạt động, nâng cao chất lượng đào tạo tiếng Nhật, huấn luyện nghề... Nhờ hệ thống cho vay hai bước này, JICA có thể giảm thiểu được rủi ro so với cho vay trực tiếp. |
* Nguồn vốn ODA có hạn trong khi số lượng doanh nghiệp tư nhân cần nguồn vốn này nhiều. Theo ông, các doanh nghiệp Việt Nam cần đáp ứng những điều kiện gì để có thể tiếp cận nguồn vốn này?
- Mục đích cuối cùng của nguồn vốn ODA là hỗ trợ các nước đang phát triển như Việt Nam nên giáo dục, phát triển con người luôn được ưu tiên bên cạnh kinh tế. Một dự án có thể thuyết phục chúng tôi phải đảm bảo ít nhất ba tiêu chí. Thứ nhất, dự án phải có đóng góp cho sự phát triển của xã hội. Thứ hai, dự án thúc đẩy được mối quan hệ hợp tác kinh tế, văn hóa giữa Việt Nam và Nhật Bản. Cuối cùng, dự án có tính khả thi cao, định hướng, lộ trình rõ ràng.
Những dự án sử dụng vốn ODA mà JICA hỗ trợ không quan tâm ít hay nhiều vốn, quan trọng là dự án có thành công hay không. Ví dụ dự án của Esuhai tương đối nhỏ nhưng chúng tôi chọn vì Esuhai hoạt động trong mảng giáo dục.
Công ty này đào tạo lao động tại Việt Nam, sau đó học viên sẽ tham gia chế độ thực tập sinh kỹ năng tại Nhật và trở về làm việc cho các công ty Nhật tại Việt Nam. Chính đội ngũ nhân lực này sẽ góp phần phát triển nền công nghiệp hỗ trợ Việt Nam. Điều này cũng liên quan đến việc học tiếng Nhật và giao lưu văn hóa giữa hai nước. Đây là hướng thử nghiệm ban đầu và khi thành công chúng tôi muốn nhân rộng mô hình này.
* Các dự án sử dụng nguồn vốn ODA thường mất khoảng thời gian bao lâu cho việc thẩm định và lãi suất ra sao, thưa ông?
- Đối với các dự án dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, thời gian thẩm định, xét duyệt có thể cần nửa năm. Như với dự án của Công ty Esuhai, chúng tôi mất nửa năm để hoàn thành các thủ tục cần thiết, nhưng đây là dự án đầu tiên nên có thể những dự án sau thời gian sẽ rút ngắn lại. Dự án được cấp vốn theo mô hình cấp tín dụng hai bước nên doanh nghiệp làm việc thông qua ngân hàng hợp tác, nhưng chắc chắn lãi suất sẽ thấp hơn nhiều lần so với mức đang áp dụng tại các ngân hàng Việt Nam.
* Vậy doanh nghiệp Việt Nam muốn tiếp cận nguồn vốn ODA của Nhật Bản có thể liên hệ ở đâu?
- Hiện nay chương trình mới nhận xét duyệt những hồ sơ do doanh nghiệp Nhật Bản (đang hoạt động, có dự án tại Việt Nam) đứng tên. JICA đang thương thảo với một số ngân hàng khác như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), tổ chức nước ngoài khác để có cơ chế và kênh tiếp nhận hồ sơ đối với các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam. Theo tôi được biết, ngân sách JICA xét duyệt đầu năm nay cho “Chiến lược phát triển mới 2011” triển khai tại châu Á khoảng 300-400 triệu USD, khoản tiền này chia cho nhiều nước.
Tuy nhiên khi nhìn vào danh sách các dự án xét duyệt, tôi thấy Việt Nam được ưu tiên nhất. Hiện JICA đang xem xét hỗ trợ bốn, năm dự án tại Việt Nam dưới hình thức hợp tác công tư (PPP). Với một số dự án quan trọng như xây dựng sân bay Tân Sơn Nhất hay sắp tới là sân bay Long Thành, hệ thống thoát nước TP. Hồ Chí Minh, JICA sẽ chú ý đến những công ty tư nhân tham gia.
Theo TT
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cam kết những giá trị bền vững dẫn lối cho sự phát triển của Masterise
Giá vàng trong nước ngày 25/12/2024: Duy trì ổn định bất chấp vàng thế giới tăng
Giá ngoại tệ ngày 25/12/2024: USD giữ đà tăng trong kỳ nghỉ lễ
Giá nông sản ngày 25/12/2024: Giá cà phê tăng nhẹ, hồ tiêu giữ vững mức cao
Giá heo hơi ngày 25/12/2024: Miền Nam và miền Trung tiếp tục xu hướng tăng
Bước đệm cho tăng trưởng từ giảm 2% thuế VAT