Rùng mình quái thú không đụng hàng trong nhà đại gia Việt
Kỳ tôm, rắn sữa, ếch pacman, bò cạp, nhện tarantula... Đó là những loài thú cưng mà nhiều người đang lùng mới có được. Dù là trào lưu nuôi thú kiểng độc này không còn lạ trên thế giới, nhưng xem ra chúng vẫn còn là cách chơi mới lạ, độc đáo ở Việt Nam.
Nhiều người cứ nghĩ làm sao thân thiện được với những loài mới nhìn đã thấy “gớm ghiếc” kia. Nhưng chỉ khi nào nâng niu, chăm sóc một con vật “độc” như vậy, người nuôi mới cảm nhận được sự thú vị của nó.
Không đụng hàng
Trong căn phòng riêng của mình, anh Lê Tuấn Nhân, phường An Lạc, quận Bình Tân, TP HCM đâu đâu cũng là các lồng chứa, bể thủy tinh. Bên trong mỗi chiếc lồng này là những con vật mà ai mới nhìn cũng giật mình. Nào là cự đà Iguana màu trắng xám, những con nhện tarantula đen xanh hay vài chú kỳ tôm xanh...
Đó là niềm vui của anh Nhân sau 4 năm sưu tầm chơi thú kiểng vào hạng "độc nhất vô nhị". Nhân tâm sự: “Những con thú này nhiều người họ e dè nhưng với mình để có được chúng là cả một vấn đề”. Vốn bởi tính lạ và độc đáo nên không dễ tìm mua như các loại thỏ, chó hay mèo, chuột cảnh khác. Những con thú kiểng “độc” này Nhân phải săn lùng, đặt hàng từ nước ngoài mang về hoặc phải tới tận những chỗ quen biết để đặt mua. Và điều quan trọng hơn cả chính là vấn đề tài chính. Nhân đưa chúng tôi xem chú nhện tarantula, cách đây 1 năm, chú này được chủ nhân mua về với giá 1,4 triệu đồng. Ban đầu chú nhện chỉ nhỏ bằng đầu đũa, bây giờ đã to gần bằng bàn tay.
Còn về rắn ư? Vắt vẻo trên chiếc quạt đứng là chú rắn roi xanh rì, ai nhìn cũng sợ hãi vì tưởng rắn lục, hay chú rắn màu vàng có tên Milk Snake nằm cuộn tròn trong lồng sau khi đánh một bữa thịt chuột no nê. Cả hai loài này đều rất hiền, dù người lạ sờ vào chúng vẫn nằm yên. Những con kỳ tôm lúc mới mua về giá cũng không hề rẻ, từ vài trăm đến gần cả triệu đồng mỗi chú. Chính vì thế, không thể trông chờ vào tài chính từ bố mẹ, Nhân phải đi làm để thỏa mãn thú chơi này của mình.
Theo ông Lê Hữu Thanh, phường 14, quận 10, TP HCM, một người có thâm niên 6 năm chơi thú kiểng độc, những người có thú chơi này thường lập hội để chia sẻ thông tin, con vật yêu của mình.
Để nuôi niềm đam mê này mà không phải lo vấn đề kinh tế, sau một thời gian nuôi lớn, ông Thanh sẽ bán đi hoặc đổi lấy những con nhỏ hơn, tiền dư ra lại để dành mua thức ăn và những con thú khác. Với ông Thanh, chuyện bị cắn, cào trầy xướt, chảy máu tay là chuyện thường ngày, ai chơi loại thú “độc” này cũng phải bị …vài chục lần.
Hiện cả nước có đến vài nghìn người chơi thú kiểng độc như vậy. Riêng tại Sài Gòn con số ấy là hàng chục nghìn người. Tìm hiểu trên các diễn dàng như yeubosat, 5giây… những thành viên thường có cách làm phong phú động vật nuôi của mình bằng cách mua bán, trao đổi những con thú này với nhau. Theo ông, đây là cách để mọi người giúp đỡ và làm cho thú chơi này trở nên phổ biến hơn.
Nghề chơi cũng lắm công phu
Để sở hữu được thú “độc” nhiều người phải đặt hàng các shop mua bán động vật trong thành phố. Có người đi du lịch qua Thái Lan, Campuchia để mua về. Nhưng phần lớn vẫn phải nhờ các shop bán là chính.
Mỗi tháng ông Trần Văn Quý, khu phố 8, phường 2, quận Thủ Đức tốn gần một triệu tiền thức ăn và thuốc men cho thú kiếng. Từ dế cho kỳ tôm, bò cạp, chuột cho rắn, rau cho cự đà,.. tất cả đều phải đúng loại thức ăn mà các chú thú kiểng này cần. Tuy vậy chúng chẳng là gì so với số tiền hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng mà ông bỏ ra để có được những con thú cưng lạ này.
Đó mới chỉ là ăn uống, còn nơi ở, vệ sinh, ánh sáng, chuồng trại nữa cũng không kém phần quan trọng. Điều này như trái ngược với câu nói gọn lỏn “khó nhất là kinh tế” mà ông từng nói. Chắc có lẽ ông Quý đã quen với mấy chuyện này nên chúng có vẻ đơn giản, còn tay ngang như chúng tôi hẳn đó là một vấn đề lớn. Bởi có lẽ để những con vật “độc” này có thể tồn tại và lớn lên thì người chủ của chúng phải hiểu cặn kẽ tập tính và nhu cầu lẫn sở thích của từng “em” một.
Ông Quý cho chúng tôi xem một chú ếch nhỏ bằng hai ngón tay màu vàng. Cái tên pacman mang hình dáng ngộ nghĩnh dễ thương của chú ếch này được ông giải thích vì cái tật ham ăn của chúng, giống như con vật trong trò chơi điện tử pacman vậy.
Chút e ngại ban đầu cũng nhanh chóng qua đi khi chúng tôi được tận tay sờ vào chú ếch này. Ông giải thích vì sao chỉ có thể để nước xâm xấp trong hộp nhựa nuôi chú ếch, bởi nếu nhiều quá chúng vốn không bơi nổi sẽ bị chết.
Với giá thị trường, chú cự đà của Nhân không dưới 15 triệu bởi hình dáng đẹp và hiên ngang của chú. Nhân cho biết, nếu nhốt cự đà trong những lồng bao lưới sắt hay thả chúng ra ngoài thì rất dễ khiến chúng bị đứt tay chân hay bị chó cắn nên khó giữ được nguyên vẹn hình hài.
Chính vì thế, Nhân đã đầu tư hẳn một chiếc lồng bằng thủy tinh rộng rãi cho cự đà. Mỗi ngày phải thêm 2 đĩa rau và hàng tuần phải thay nước cho chú này. “Nuôi cự đà được cái chúng đi vệ sinh vào trong thau nước nên chỉ cần thay nước thì môi trường trong chuồng được đảm bảo”.
Những loài thú kiểng khác với Nhân quan trọng hơn hết cũng phải biết cách tạo một môi trường phù hợp với chúng. Trong các loài theo Nhân, nhện là loài dễ nuôi nhất bởi chỉ cần vài ngày bỏ thức ăn vào là được. Không cần dọn dẹp gì nhiều. Tuy vậy, những ai có thú chơi này cũng một vài lần xui xẻo khi thú cưng của mình chết và phải bắt đầu lại đầy “khó khăn”.
Người bạn thân thiết
Đưa tay vuốt ve chú cự đà trong lòng, Nhân cho biết những loài động vật này tuy có hình dáng bên ngoài không giống mấy thú nuôi thường thấy nhưng nếu quan tâm chăm sóc và yêu mến chúng thì vẫn sẽ cảm nhận được niềm vui và sự gần gũi từ chúng. Những loài này nếu là người lạ thì chúng thường dễ bị kích động hoặc giận dữ nếu ai chạm vào, còn riêng với chủ nhân của chúng thì điều này hiếm khi nào xảy ra.
Vọc tay vào lồng chứa đầy những chú bọ cạp mập ú, đen bóng, Nhân khéo léo bắt ra một con rồi đặt ngay trên mu bàn tay mình. “Nếu là loại càng nhỏ thì chúng sẽ sử dụng đuôi có độc để tấn công, còn những con mình nuôi đều là càng to nên chúng ít khi dùng đuôi để tự vệ hay diệt con mồi”, Nhân nói.
Những người nuôi thú kiểng hàng “độc” kiểu này cho biết, tiêu chí để chọn lựa để nuôi chúng là phải hiền, không gây hại cho người nuôi hoặc trẻ em. Một thành viên trên diễn đàn yeubosat, chotot, 5 giay… cho biết, thực ra trào lưu nuôi những con vật độc, lạ này đã có từ lâu ở trên thế giới, nhiều bộ phim cũng đâu đó xuất hiện các loài vật này. Ở Việt Nam thì chỉ mới xuất hiện vài năm gần đây, và chúng vẫn còn sức hấp dẫn bởi tính mới lạ và không đụng hàng. Những người bị thú cưng “độc” của mình cắn sưng tay, đau nhức đến mấy ngày như ông Thanh, ông Mẫm hay Nhân thường xảy ra. Vậy mà chưa hết, chuyện giấy phép nuôi động vật hoang dã, tiêm chủng phòng bệnh cũng sẽ khiến nhiều người nhụt chí nếu không trót đam mê thú chơi này.
Dù là con gì đi chăng nữa khi nuôi động vật, con người đã mở rộng trái tim của mình với thiên nhiên. Qua quá trình chăm sóc và gần gũi, mọi người sẽ thêm yêu động vật, tình thương sẽ ngày càng nhân lên.
Còn với Nhân, anh chàng này cho biết, dành thời gian cho thú cưng sẽ bổ ích và thú vị hơn nhiều so với việc ngồi hàng giờ trước máy tính để chơi game.
Những con thú kiểng “độc” này Nhân phải săn lùng, đặt hàng từ nước ngoài hoặc phải tới tận những chỗ quen biết để đặt mua. Nhân đưa chúng tôi xem chú nhện tarantula, cách đây 1 năm, chú này được chủ nhân mua về với giá 1,4 triệu đồng.
Ban đầu chú nhện chỉ nhỏ bằng đầu đũa, bây giờ đã lớn, to gần bằng bàn tay.
Quy định về nuôi thú kiểng
Nghị định 82/2006/NĐ - CP: Cơ quan có thẩm quyền cấp phép là cơ quan kiểm lâm tỉnh hoặc cơ quan quản lý chuyên ngành được Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn chỉ định. Hồ sơ xin cấp phép nuôi sinh sản động vật hoang dã quý hiếm gồm:
Văn bản đề nghị xin cấp giấy phép nuôi sinh sản động vật hoang dã quý hiếm; Tài liệu chứng minh các con giống đó được đánh bắt hợp pháp theo quy định hiện hành hoặc nếu nhập khẩu thì phải chứng minh được việc nhập khẩu đó phù hợp với các quy định của Công ước CITES và luật pháp quốc gia; Bản đánh giá nhu cầu và nguồn cung cấp mẫu vật để tăng cường nguồn giống sinh sản nhằm phát triển nguồn gen; Mô tả cơ sở hạ tầng của trại nuôi: diện tích, công nghệ chăn nuôi, cung cấp thức ăn, khả năng thú y, vệ sinh môi trường... ; Giấy tờ chứng minh tư cách pháp lý của người xin phép.
End of content
Không có tin nào tiếp theo