Tin tức - Sự kiện

Rượu độc 29 Hà Nội: Trách nhiệm thuộc về tất cả?

Liên quan tới vụ việc ngộ độc rượu nếp 29 Hà Nội khiến 6 người chết, tại phiên họp Thành ủy chiều 10/12, nhiều câu hỏi xoay quanh trách nhiệm của các Sở ngành liên quan đã làm nóng hội trường.

Theo thông tin từ Sở Công thương, đơn vị này đã tiến hành kiểm tra Công ty cổ phần XNK 29 Hà Nội 5 lần nhưng vẫn không phát hiện loại rượu gây chết người này, còn Sở Y tế Hà Nội thì cho rằng trách nhiệm của Sở chủ yếu là tuyên truyền. Trong khi đó, Phòng Cảnh sát môi trường Hà Nội lại than rằng nhân lực mỏng, việc lại quá nhiều.

 Cụ thể, tháng 12/2009, Đội quản lý thị trường số 17 phát hiện công ty này sản xuất rượu không có giấy phép, không thông báo địa điểm kinh doanh theo quy định và xử phạt doanh nghiệp 11 triệu đồng. Công ty này đã hoàn thiện các thủ tục để xin cấp giấy phép sản xuất rượu từ tháng 1/2010.
 
Sở Y tế: Trách nhiệm thuộc về tất cả
 
Trả lời câu hỏi của phóng viên về trách nhiệm của Sở Y tế trong vụ việc này, bà Mai Thị Hồng Hạnh – Phó chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho rằng trách nhiệm thuộc về tất cả.
 
Đại diện Sở Y tế nói rõ: "Tới thời điểm này, với trách nhiệm của Sở Y tế, chúng tôi đã ra thông báo tuyên truyền, khuyến cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng để thông tin tới người dân, địa phương nhằm tăng cường các biện pháp kiểm tra, thanh tra phát hiện các điểm kinh doanh rượu 29. Hiện chưa phát hiện rượu này xuất hiện trên địa bàn Hà Nội".
 
Phó chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho biết, chiều 5/12/2012, sau khi nhận được thông tin, Đoàn đã lấy 8 mẫu gồm 7 mẫu sản phẩm và 1 mẫu cồn nguyên để kiểm nghiệm tại Viện Kiểm nghiệm An toàn quốc gia kiểm nghiệm mẫu, sau hậu kiểm. 
 
Kết quả 6/8 mẫu có hàm lượng Methanol vượt giới hạn cho phép nhiều lần. Trong đó, riêng mẫu Rượu nếp 29 HN, chai 2l hàm lượng Methanol là 295g/l, ngày sản xuất 12/10/2013 có hàm lượng Methanol gấp 2.950 lần (với hàm lượng này nếu không gây tử vong thì sẽ gây mù mắt).
 
Căn cứ kết quả kiểm nghiệm, đoàn kiểm tra liên ngành đã lấy 21 mẫu gồm 12 mẫu thành phẩm, 4 mẫu cồn nguyên liệu, 5 mẫu bán thành phẩm để gửi đi xét nghiệm tại Viện kiểm nghiệm ATTP quốc gia, Bộ Y tế. 
 
Đồng thời, đoàn kiểm tra cũng tiến hành lấy 60 mẫu tại các doanh nghiệp kinh doanh sản xuất rượu trên thị trường để tiến hành kiểm nghiệm. 
 
Tuy nhiên, do phụ thuộc vào cơ quan kiểm nghiệm nên hiện chưa thể có kết quả ngay. Dự kiến, trong tuần tới sẽ có kết quả kiểm nghiệm chính thức. 
 
Về thông tin số người tử vong, bà Hạnh đính chính là có 5 nạn nhân tử vong do uống rượu nếp 29 Hà Nội, còn 1 trường hợp không phải dùng rượu này. 
 
Sở Công thương: Đã kiểm tra 5 lần
 
Thông tin tại buổi họp, bà Nguyễn Thị Như Mai – Phó GĐ Sở Công thương cho biết, đơn vị này đã tiến hành kiểm tra 5 lần từ khi công ty thành lập nhưng vẫn để lọt 10.000 lít rượu có độc "phát tán" trên thị trường.  Hậu quả làm 5 người tử vong, nhiều người phải nhập viện. Câu hỏi về lỗ hổng quản lý một lần nữa được đặt lên trước bàn nghị sự.
 
Giải thích vấn đề này, bà Mai cho hay: Khi đoàn thanh tra đến làm việc thì công ty này có hai cơ sở, một cơ sở ở Thạch Bàn (Long Biên) và một cơ sở là ở Nguyễn Gia Thiều đang đóng cửa không sản xuất. 
 
Bà Nguyễn Thị Như Mai - Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội
 
Theo giám đốc doanh nghiệp, công ty chỉ sản xuất nước giải khát, không sản xuất rượu vì vậy đoàn thanh tra chỉ kiểm tra cơ sở sản xuất nước giải khát và có phát hiện vi phạm, đã xử lý.
 
Theo bà Mai, sở dĩ để lọt lưới hàng ngàn lít rượu độc gây chết người nói trên một phần do Sở có quá nhiều việc phải làm. 
 
"Theo quy định của pháp luật, đơn vị sản xuất, kinh doanh phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Cơ quan quản lý có trách nhiệm kiểm tra, hậu kiểm nhưng trên địa bàn với chức năng nhiệm vụ của QLTT chúng tôi có rất nhiều việc phải làm. 
 
Hiện Sở có hơn 500 công chức, 32 bộ quản lý thị trường, chống buôn lậu, hàng giả, gian lận…. Theo thống kê của Sở Công thương, từ đầu năm đến nay, đơn vị này đã kiểm tra 76 trường hợp sản xuất và kinh doanh rượu trên địa bàn thành phố, xử phạt 854 triệu đồng và tịch thu xử lý 12.000 chai rượu", bà Mai báo cáo nỗ lực làm việc của đơn vị.
 
Mặc dù vậy, là đơn vị tham mưu cho thành phố và quản lý trực tiếp lĩnh vực này, bà Mai nhìn nhận trách nhiệm trước tiên thuộc về ngành công thương. Tuy nhiên, theo bà, trách nhiệm cao nhất là tăng cường kiểm tra, hậu kiểm những mặt hàng kinh doanh có điều kiện.
 
Phòng Cảnh sát môi trường than thiếu người
 
Cũng giống các đơn vị liên quan, Phòng Cảnh sát môi trường Hà Nội không trực tiếp nhìn nhận trách nhiệm của mình mà đi vào than khổ. 
 
Ông Phan Hữu Châu - Trưởng phòng Cảnh sát môi trường thành phố kể lể: Theo thống kê, hiện tại dân số VN là vào khoảng 90 triệu dân, nhưng các cán bộ chuyên phụ trách kiểm định ATTP, có khoảng 600 cán bộ phụ trách nhiệm vụ này. So sánh với Úc, họ có 19 triệu dân, nhưng có khoảng 2000 cán bộ chuyên trách phụ trách lĩnh vực này. 
 
Ông Châu nhấn mạnh: "Điều này có thể thấy khối lượng công việc mà cơ quan chức năng phải làm như thế nào". 
 
Về phía Cảnh sát môi trường, ngay sau khi tiếp nhận thông vụ việc, giám đốc công an thành phố đã chỉ đạo chủ động phối hợp với cơ quan điều tra Quảng Ninh, chủ động thu thập về đối tượng, cơ sở sản xuất. 
 
Theo đại diện lực lượng Cảnh sát môi trường,  trách nhiệm lớn nhất là làm sao phải ngăn chặn không để tình trạng tương tự xảy ra trên địa bàn. 
 
6 người chết, bắt khẩn cấp GĐ công ty rượu nếp 29 Hà Nội:
 
Tính đến ngày 8/12, Sở Y tế Quảng Ninh cho biết, đã có thêm hai nạn nhân tử vong sau khi uống rượu nếp 29 Hà Nội. 
 
Như vậy, chỉ trong vòng 1 tuần, trên địa bàn TP Cẩm Phả và TP Hạ Long đã có 6 người thiệt mạng. Tất cả đều do uống loại rượu có nhãn Rượu nếp 29 Hà Nội, sản xuất ngày 12/10/2013 của Công ty Cổ phần XNK 29 Hà Nội, địa chỉ 40, Vũ Xuân Thiều, Sài Đồng, Long Biên, Hà Nội.
 
Trong một diễn biến khác có liên quan, chiều 10/12, Công an Quảng Ninh đã ra lệnh bắt khẩn cấp  3 cán bộ Công ty 29 Hà Nội gồm: Giám đốc Nguyễn Duy Vường và 2 cán bộ phụ trách sản xuất là Trần Xuân Mạnh và Đặng Văn Cảnh, để điều tra về hành vi vi phạm quy định Vệ sinh an toàn thực phẩm.
 
Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế đã yêu cầu thu hồi khẩn cấp các sản phẩm Rượu nếp 29 Hà Nội (loại can nhựa 2 lít), Rượu nếp 29 Hà Nội (loại chai thủy tinh 750ml), Vodka rượu nếp (chai thủy tinh 700ml) và Vang nổ đỏ (chai thủy tinh 750ml) do Công ty cổ phần xuất nhập khẩu 29 Hà Nội sản xuất ngày 12/10/2013.
 
Trước đó, ngày 7/12, Công an tỉnh Quảng Ninh đã khởi tố vụ án vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm để điều tra.

 

Báo Đất Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo