Rượu “quốc lủi”: Thủ phạm gây lạm dụng rượu?
Đây là thông tin được ông Nguyễn Văn Việt - Chủ tịch Hiệp hội Rượu bia nước giải khát Việt Nam cho biết tại lễ ra mắt “Diễn đàn uống có trách nhiệm Việt Nam (VARD)” diễn ra hôm nay (2.4).
Ông Việt cho biết, Việt Nam chưa phải là nước có mức tiêu thụ rượu bia cao so với các nước trên thế giới (sử dụng bia theo bình quân đầu người thứ 52 thế giới). Tuy nhiên, tình trạng lạm dụng đồ uống có cồn gây nhức nhối trong xã hội như: Lái xe sử dụng rượu, bia; trẻ vị thành niên; bạo lực gia đình; ảnh hưởng sức khỏe…
“Nhức nhối nhất là ở sản phẩm rượu "quốc lủi", rượu sản xuất thủ công không theo quy trình chất lượng nào mà cho đến nay chúng ta không hạn chế nổi”-ông Việt nói.
Bằng chứng mà ông Việt đưa ra là trong khi rượu “nhà máy” chỉ sản xuất khoảng 10 triệu lít/năm, rượu nước ngoài vào Việt Nam cũng chỉ xấp xỉ 30 triệu lít/năm thì rượu "quốc lủi" lên tới hơn 200 triệu lít/năm.
“Nếu từng người uống có trách nhiệm, uống rượu đảm bảo chất lượng thì hoàn toàn phù hợp. Ta đang chưa có sự lạm dụng ở rượu chất lượng, rượu chính thống mà lạm dụng hiện nay chủ yếu ở rượu quốc lủi, thủ công, sản xuất trôi nổi”-ông Việt khẳng định.
Trước câu hỏi, uống rượu bia có hại sao sản xuất rượu bia vẫn được khuyến khích phát triển, ông Việt cho rằng, uống rượu bia là nhu cầu thực của xã hội.
Chính vì thế diễn đàn phi lợi nhuận này có tham vọng “xây dựng một văn hóa thưởng thức đồ uống có cồn ở Việt Nam, uống có trách nhiệm”. Hiện đã có nhiều loại rượu có hàng chữ: “Không uống rượu khi tham gia giao thông”. Ông Việt nêu rằng, uống tràn lan rượu tạp chất thì không loại bỏ được các chất độc hại còn uống rượu có chất lượng, uống vừa phải thì không ảnh hưởng tới sức khỏe và hoạt động xã hội.
Ông Khuất Việt Hùng - Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cũng cho biết, khẩu hiệu rất đơn giản của “uống có trách nhiệm” là “đã uống rượu bia thì không lái xe” nên hoạt động của VARD rất quan trọng.
“Một doanh nghiệp mà không biết bảo vệ thị trường, người tiêu dùng mà để cho người ta uống quá nhiều bia rượu rồi gây ra bệnh gan, tai nạn giao thông thì rượu bia chắc chắn sẽ bị cấm, như thế tương lai các nhà sản xuất bia rượu cũng không thể tồn tại được”-ông Hùng bày tỏ suy nghĩ.
Theo GS. Nguyễn Lân Dũng, uống rượu bia có mức độ vẫn tốt cho sức khỏe nhưng uống nhiều sẽ hại gan, gây bệnh xơ gan. Chưa kể, mỗi năm có tới 1 vạn người chết vì tai nạn giao thông, hầu hét các lái xe gây tai nạn đều vi phạm về nồng độ cồn.
“Chúng ta làm gì cũng phải khoa học: Ăn uống khoa học, lạm dụng gì đều là không tốt. Các cụ xưa chỉ uống rượu bằng chén hạt mít, uống từng ít một, còn ngày nay chúng ta uống cả cốc to, uống 100%, gây ra say xỉn và biết bao hệ lụy”-GS.Dũng nói.
Ông Khuất Việt Hùng cho biết, hiện Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đang tích cực phối hợp với các hiệp hội, doanh nghiệp tăng cường mua thiết bị đo nồng độ cồn, triển khai giám sát uống bia rượu ở các điểm kinh doanh... “Mục tiêu cũng là tạo cơ hội cho người dân uống bia rượu có trách nhiệm, cuối cùng là bảo vệ hạnh phúc gia đình, an toàn chung cho xã hội và giảm thiểu tai nạn giao thông”-ông Hùng nói.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Nhật Bản hỗ trợ Đà Nẵng thúc đẩy tiết kiệm năng lượng cho người dân
Không khí lạnh khiến miền Bắc rét sâu hơn, Trung Bộ và Nam Bộ lạnh diện rộng
Vinh danh các tài năng công nghệ trẻ
Cuộc đua thu hút nhân tài của các trường đại học Việt Nam
Xây dựng Đà Nẵng trở thành điểm đến đáng quay trở lại của du khách
Đề xuất hoãn xuất cảnh đối với người nợ thuế quá hạn từ 50 triệu đồng trở lên