Saeilo Nhật Bản lạc quan về thị trường Việt Nam
Saeilo, Tập đoàn chế tạo và cung cấp máy móc toàn cầu của Nhật Bản (với nhiều chi nhánh ở châu Á, châu Âu và Mỹ) dự tính sẽ nâng cấp Văn phòng đại diện tại Việt Nam thành Công ty để khai thác thị trường Việt Nam, nơi mà các doanh nghiệp trong nước chỉ đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu thị trường trong ngành công nghiệp phụ trợ.
(Đầu Tư) Ông Masayori Takehana, Trưởng đại diện Văn phòng đại diện Saeilo Việt Nam, cho biết, Tập đoàn sẽ tiếp tục tập trung vào việc cung cấp máy công cụ và các sản phẩm phần mềm CAD/CAM, vốn là hai mảng hoạt động chính của Văn phòng đại diện hiện nay.
CAD/CAM là công nghệ sử dụng máy tính trong thiết kế và chế tạo đã được sử dụng trong công nghiệp sản xuất nhiều năm nay.
CAD tạo ra các mô hình từ các thông số hình học, và CAM sử dụng các dữ liệu thiết kế hình học để kiểm soát máy móc tự động.
Ông Masayori Takehana cho biết, mảng kinh doanh phần mềm chiếm đến 70% doanh số của Saeilo Việt Nam hiện nay và 30% còn lại đến từ mảng kinh doanh máy móc.
Các sản phẩm phần mềm được cung cấp bao gồm các giải pháp của Cimatron và nhân viên của Saeilo Việt Nam chịu trách nhiệm về dịch vụ khách hàng và dịch vụ hậu mãi.
Phần mềm Cimatron được dùng để thiết kế khuôn mẫu và nhiều ứng dụng khác.
“Lợi thế ở đây là Cimatron là nhà cung cấp phần mềm CAD/CAM duy nhất cho nhiều giải pháp, nên các phần mềm có tính đồng bộ và tương thích nhau”, ông Masayori Takehana nhấn mạnh.
Cimatron là công ty được niêm yết trên sàn chứng khoán NASDAQ (Mỹ), với mã chứng khoán là CIMT. Đại diện nhà cung cấp các giải pháp phần mềm CAD/CAM hàng đầu thế giới này cho biết, có hơn 8.500 cửa hàng máy móc khắp thế giới đã sử dụng các giải pháp của Cimatron để tiết kiệm chi phí và thời gian cung cấp sản phẩm chất lượng cao.
Ngoài Cimatron, các chương trình phần mềm khác được cung cấp qua Saeilo Việt Nam là Mouldex3D (đối với sản phẩm khuôn mẫu ngành nhựa), GO2cam (phần mềm cho máy phay, máy tiện, uốn và cắt kim loại) và các giải pháp FIKUS (dùng cho các máy gia công kim loại hiện đại).
Trong mảng cung cấp máy (chiếm 30% doanh thu bán hàng của Saeilo Việt Nam), sản phẩm chính là các loại máy tiện và máy phay. Ông Masayori Takehana cho biết, Saeilo Việt Nam sẽ tham dự Triển lãm Máy và công nghệ gia công kim loại Metalex Việt Nam 2013 tại TP.HCM trong 3 ngày (10-12/10/2013) và sẽ trưng bày hai máy tiện hiện đại là STAR SB-20E và SMEC Samsung PL-20.
Văn phòng đại diện Saeilo Việt Nam tham gia Triển lãm Metalex Việt Nam từ năm 2008. Theo ông Masayori Takehana, Metalex Việt Nam đã giúp tăng số lượng khách hàng và quảng bá hình ảnh của Saeilo. “Tôi nghĩ tham gia Metalex Việt Nam là cách hiệu quả để cho thấy Saeilo đã có mặt tại Việt Nam”, ông Masayori Takehana khẳng định.
Liên quan đến ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam, công chúng trong nước đã quen với việc nhiều công ty Nhật Bản có mặt tại các triển lãm máy và công nghệ kim loại ở Hà Nội và TP.HCM. Hiện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) đang nỗ lực hiện thực hóa ý tưởng thành lập hiệp hội công nghiệp hỗ trợ tại TP.HCM.
Theo ông Hirotaka Yasuzumi, Giám đốc điều hành Văn phòng JETRO tại TP.HCM, JETRO đã làm nhiều việc để thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ phát triển tại Việt Nam trong 10 năm qua thông qua nhiều sự kiện và triển lãm công nghiệp. “Tuy nhiên, tỷ lệ nội địa hóa của Việt Nam không được cải thiện nhiều. Vì lý do đó, chúng tôi quyết định phải có hướng đi mới là mô hình hiệp hội”, ông Hirotaka Yasuzumi nói.
Một điều tra của JETRO năm 2012 cho thấy, tỷ lệ sử dụng của các doanh nghiệp Nhật Bản đối với nguyên liệu và phụ tùng cho các công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam chỉ đạt 28%, thấp hơn nhiều so với các con số tương ứng 61% ở Trung Quốc và 53% ở Thái Lan.
Ông Hirotaka Yasuzumi cho biết, JETRO khuyến khích doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh để đáp ứng tình hình hiện nay, khi nhiều công ty Nhật Bản đang mở rộng đầu tư tại Việt Nam.
Theo các chuyên gia, doanh nghiệp Việt Nam phải nâng cao năng lực cạnh tranh nhanh hơn nữa vì ý tưởng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) sẽ được hiện thực hóa vào năm 2015. Bên cạnh nhiều thuận lợi, AEC sẽ tạo ra một số thách thức đối với ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam. Ví dụ, cạnh tranh về giá cả và chi phí sẽ ảnh hưởng nhiều hơn đến doanh nghiệp Việt Nam.
Tường Thụy
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Chung cư Hà Nội 2025: Chuyên gia dự báo không dễ giảm nhưng khó sốt nóng
Tổng giám đốc công ty Văn hoá Tân Bình ALT 'mua chui' hàng trăm ngàn cổ phiếu
Xăng dầu đồng loạt giảm giá
Dự báo diễn biến thị trường bất động sản khi có bảng giá đất mới
Nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 2026-2030: Phải có tư duy đột phá
PGBank mở chi nhánh mới tại Nghệ An
Cột tin quảng cáo