Tin tức - Sự kiện

Sài Gòn đệ nhất kéo

Chiếc Roll – Royce màu đen trị giá hơn 20 tỷ đồng đậu xịch trên đường Lý Chính Thắng. Người đàn ông xuống xe, tay cầm xấp vải hơn 7.000 USD vừa mua từ Ý về, đi bộ vào con hẻm rồi dừng trước căn nhà nhỏ số 82/4 đang đóng kín cửa: “Anh Haive ơi, tui tới may đồ”…

Thời trang Sài Gòn xưa (ảnh minh họa - nguồn internet)

Đó chỉ là một trong rất nhiều ông khách VIP tìm tới Haive, tay kéo già lừng danh từ hơn 40 năm trước.

Quần tây đen, áo đóng thùng, giọng nói sang sảng, dáng đi nhanh gọn… Nhìn Haive không ai nghĩ ông già 76 tuổi này là nghệ nhân may đồ lẫy lừng Sài Gòn. Học vấn chỉ dừng ở mức biết đọc, chữ viết sai chính tả, “bò” lổn ngổn như cua… nhưng Haive cũng chính là người từng may đồ cho anh của hoàng thân Sihanouk, hoặc những nhân vật nổi tiếng hiện nay như: Hồng y Phạm Minh Mẫn, ông Võ Quốc Thắng (Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đồng Tâm)…

“Pierre Cardin cũng ngán tài…”

Haive (tên thật là Võ Văn Ve) là người Việt, nhưng sinh ra và lớn lên tại Campuchia. Năm 15 tuổi, Haive theo phụ người anh bà con may đồ cho tiệm Tân Việt, một trong những tiệm may nổi tiếng nhất Phnom Penh lúc bấy giờ. Sau đó, thấy Haive giỏi, tiệm Tân Việt cho làm cai cắt chính (vị trí quan trọng nhất trong nghề may). Năm 1970, Haive cùng gia đình trở về Sài Gòn sinh sống. Được sự giới thiệu của ông cai Rồng (tiệm Tân Tân), Haive đến xin việc tại nhà may Chua (chuyên may cho ông Ngô Đình Diệm và các tướng lĩnh chế độ cũ). Nể ông Rồng, ông Chua nhìn chàng thanh niên nhỏ con, đen đúa rồi nói: “Chú làm được, tui trả lương 15.000 đồng một tháng (thời điểm đó 20.000 đồng/lượng vàng)”. Vừa lúc đó, một khách quen là đại gia vỏ lốp xe hơi đến may đồ. Haive xung phong đo, cắt. Ông Chua đồng ý nhưng bụng vẫn nơm nớp lo vì đây là một khách hàng cực kỳ kỹ tính. Ngay giao đồ, sau khi bận thử, ông đại gia gật đầu cái rụp, rồi rút liền 5.000 đồng thưởng nóng cho Haive. Lúc này ông Chua mới biết tài của Haive và lập tức tăng lương lên 25.000 đồng/tháng.

Làm chưa tròn năm, Haive ra mở tiệm riêng tại nhà, danh tiếng nổi như cồn, dân sành điệu tới nườm nượp đến nỗi một dạo, nhiều người đồn ông Haive chơi bùa ngải nên mới đông khách như vậy. Ngay cả bạn thân của nhà may Chua, là một “tay sành may” có hạng, cũng đến nhờ Haive may, tổng cộng đến… 62 bộ comple. Chánh tòa tối cao Phạm Văn Bạch, người ký tên lên đồng tiền Đông Dương ngày xưa, trung tướng Mai Hữu Xuân, Ngoại trưởng Trần Văn Lắm (chế độ cũ) cũng từng là khách hàng của Haive. Trong một lá thư tay của ông Nguyễn Văn Minh, cựu Đại sứ Việt Nam Cộng Hòa tại Philippines, gửi cho Haive vào năm 1974 có viết” “Anh Hai thân mến… Mấy bộ đồ của anh may, tôi mặc ai cũng lé cả. Kể cả thợ gian hàng Christian Dior và Pierre Cardin (hai nhãn hàng thời trang nổi tiếng thế giới – PV) ở Pháp cũng phải ngán tài của anh luôn…”.

Khi tôi đến, nhà Haive đang có khách. Đó là bác Bùi Đắc Hòa, 70 tuổi, cựu giáo viên Trường Petrus Ký (Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong bây giờ) dẫn con đến may đồ. Ông nói: “Tui may ổng từ năm 1972 tới giờ đã hơn 40 năm. Đã thử vài chỗ nổi tiếng khác nhưng rốt cuộc cũng quay lại đây. Hồi trước, thằng con tui nói tui bị ông Haive bỏ bùa, nhưng giờ đến lượt nó cũng bị ổng bỏ bùa luôn”.

Tay kéo già nghệ sỹ

Không chỉ đo, may cho khách, Haive còn luôn hướng dẫn cho khách thấy thế nào là một bộ đồ đẹp, chuẩn. Ông nói say sưa, phân tích cặn kẽ những lỗi kỹ thuật. “có bộ đồ đẹp phải hiểu hết giá trị của nó, bận mới sướng”, rồi ông tiếp: “Muốn biết thợ giỏi hay không, chỉ cần đưa vải sọc nhờ may quần. Nếu thợ giỏi thì từ đáy quần trở xuống phải thẳng sọc. Bên trong đường vế phải “êm”, không bị đùn”.

Cuộc đời của Haive chỉ có may, may và … may. Nói chuyện với Haive, một hồi thế nào cũng bị ông xoay lại chuyện may mặc. Ông già “cuồng may” đến nỗi nhiều khi 2,3 giờ sáng hứng lên là bật dậy… cắt đồ (và ngược lại, khi mất hứng ông buông kéo, không cắt nữa). Vì thế, trong phòng cắt của Haive đặt sẵn một tấm nệm để ông có thể dậy cắt bất cứ lúc nào.
Đường đường là “ông trùm” cắt may của Sài Gòn, vậy mà thỉnh thoảng đi đâu đó, thấy ai bận đồ vest chưa đẹp là ông chạy đến đề nghị: “Lại chỗ bác, bác may tặng con một bộ không lấy tiền công”. Dĩ nhiên là chẳng ai đến, vì họ nghĩ chắc là một ông thợ may ế ẩm nào đó muốn “dụ” mình thôi. Haive là vậy đó. “Thấy bộ đồ nào may lỗi nhiều quá, tui ngứa lắm”, ông nói. Khách đến may đồ, nếu kỳ kèo trả giá là Haive nhẹ nhàng từ chối, không nhận may nữa. Nhưng ngược lại, thấy khách nói chuyện hạp, sướng lên, Haive sẵn sàng may tặng không lấy tiền.

Nghệ sỹ như vậy, nên có nhiều người sẵn sàng đầu tư mọi chi phí làm một tiệm hoành tráng tại trung tâm chỉ cần Haive gật đầu đồng ý đứng tiệm, nhưng ông đều lắc đầu: “Mở tiệm lớn nhức đầu lắm. Bây giờ ở nhà túc tắc làm cho khách quen, thời gian thoải mái, muốn thì làm, không thì thôi, sướng hơn nhiều chứ”.
 

Như Trâm - Thanh Niên
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo