Thị trường

Sàn vàng "chui" sập, nhà đầu tư trắng tay

(DNVN) - Mặc dù Ngân hàng Nhà nước chưa cấp phép cho các tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh vàng tài khoản, thế nhưng những vẫn còn hàng chục sàn vàng kinh doanh trái luật; đến khi sập sàn, nhà đầu tư sẽ trắng tay.

Trong vụ sàn vàng Công ty CP vàng và bất động sản BBG Việt Nam (BBG) đang thu hút sự quan tâm của dư luận, thông tin ban đầu cho biết có hàng trăm nhà đầu tư (NĐT) tham gia với tổng số tiền lên tới hơn 500 tỉ đồng.

BBG đã phát triển lớn mạnh trong vòng 5 năm từ khi thành lập, bằng chiêu thức của mình, BBG đã đêu gọi đầu tư ngàn tỉ cho hoạt kinh doanh vàng. 

Cụ thể, BBG cũng nhận giữ và ủy thác đầu tư vàng với mức lãi suất hấp dẫn như gửi vàng tại BBG tùy theo kỳ hạn với lãi suất từ 2,2 -13,8%/năm. Hợp đồng ủy thác vàng có mức lãi từ 9,5 - 23,7%/năm với kỳ hạn từ 2 tháng đến 27 tháng. 

Sàn vàng BBG tại 208 Nguyễn Trãi, Q.1 vừa bị khám xét - Ảnh: T.X
Sàn vàng BBG tại 208 Nguyễn Trãi, Q.1 vừa bị khám xét - Ảnh: T.X

Với những nhà đầu tư “uy tín” đã có thương hiệu, BBG sẵn sàng cấp tiền cho chơi trước. Tuy nhiên nếu nhà đầu tư bị lỗ không chịu trả nợ, BBG có đội ngũ nhân viên đi đòi số nợ này.

Không chỉ huy động vàng, ủy thác đầu tư bằng vàng với lãi suất cao, BBG còn huy động vốn bằng VND với lãi suất vượt vượt mặt ngân hàng.

Tháng 9-2014, khi tổng giám đốc công ty kinh doanh sàn vàng trái phép VGX bị bắt, Bộ Công an cho biết trên mạng Internet vẫn tồn tại khoảng 30-40 đơn vị kinh doanh vàng thông qua tài khoản.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TP.HCM, khẳng định NHNN chưa cấp phép cho bất kỳ tổ chức hay doanh nghiệp nào kinh doanh vàng tài khoản. Những công ty hoạt động dưới dạng kinh doanh vàng tài khoản đều được coi là trái pháp luật. Nhà đầu tư tham gia sẽ không được pháp luật bảo vệ nếu có vấn đề rủi ro khi sàn vàng bị đánh sập.

Mặc dù hiểu rõ luật từ NHNN thế nhưng rất nhiều sàn vàng "chui " đã mọc lên như nấm sau mưa bởi lợi nhuận rất lớn từ hoạt động kinh doanh vàng trái phép.

 

Chỉ điểm qua một số sàn bị đánh sập trong thời gian qua đã cho thấy số tiền các NĐT bỏ vào đây lên tới hàng ngàn tỉ đồng. Trong khi rất nhiều kênh đầu tư chính thống đang khát vốn.

Theo các chuyên gia kinh tế, sở dĩ các sàn vàng chui vẫn còn đất sống, vẫn hấp dẫn là do đòn bẩy tài chính quá lớn. 

Hầu hết các sàn đều đưa ra tỷ lệ 1:100. Nghĩa là NĐT có 1.000 đồng sẽ được "đánh" lên hàng triệu đồng. Với những NĐT có tiền nhưng không biết giao dịch vàng, ngoại tệ trên tài khoản thì có thể ký hợp đồng ủy thác đầu tư cho công ty thực hiện và hưởng lãi suất cao 2 - 4%/tháng. 

Với mức lợi nhuận hấp dẫn này, sàn chui trở thành nơi hút vốn cực lớn. Người ít vài chục triệu đồng, người nhiều vài tỉ, hàng chục tỉ đồng. Nên sau khi các sàn này sập, rất nhiều NĐT đã nộp đơn tố cáo mong lấy được phần nào số tiền đã bỏ vào trước đó. Nhưng lấy lại được tiền không hề đơn giản.

Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu ví von sàn vàng “chui” sập “giống như một ly nước bốc hơi, còn tiền đâu mà trả lại”. Số tiền mà cơ quan pháp luật thu hồi được rất nhỏ so với số tiền NĐT đã bỏ vào những sàn này trước đó. Quan trọng hơn, NĐT không có cơ sở kiện để lấy lại tiền. 
Bởi chủ trương của Chính phủ, NHNN hiện nay là chống vàng hóa. Người dân tham gia những sàn vàng này là đi ngược lại chủ trương Chính phủ, hoạt động ngoài pháp luật và người tham gia sẽ gặp rủi ro về mặt pháp lý.

 

Ghi nhận ý kiến từ các luật sư, việc lập và tham gia vào sàn vàng tài khoản là ngành nghề cấm kinh doanh, do đó những người tham gia đã vi phạm pháp luật. Dù rằng những hợp đồng mà NĐT ký với sàn vàng dưới dạng hợp đồng giao dịch, hợp đồng ủy thác, hợp đồng tư vấn… nhưng những hợp đồng này cũng bị vô hiệu. Khi hợp đồng vô hiệu thì các bên tự chịu trách nhiệm.

Ngọc Huệ (Theo Thanh Niên, Pháp luật TP. HCM)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo