Tin tức - Sự kiện

Sản xuất đồ uống cần cạnh tranh lành mạnh

Thị trường đồ uống nước ta đã có nhiều bước tiến trong những năm vừa qua, song các hành vi cạnh tranh không lành mạnh đang làm ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh và thương hiệu của sản phẩm Việt chân chính. Thực tế này đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ của các ngành chức năng để giúp thị trường này cạnh tranh lành mạnh.
Các doanh nghiệp ngành đồ uống nước ta hiện đang đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ trong và ngoài nước. Tuy nhiên, những biểu hiện về cạnh tranh không lành mạnh như vi phạm đạo đức, làm hàng giả, hàng nhái hay buôn lậu, chuyển giá, trốn thuế... cũng là nguyên nhân khiến các doanh nghiệp Việt chân chính điêu đứng.
 
Ví dụ mới nhất là trường hợp Công ty Coca cola Việt Nam có biểu hiện chuyển giá khi có số lỗ lũy kế sau 18 năm hoạt động ở nước ta lên tới 3.768 tỷ đồng, trong khi doanh thu liên tục tăng từ 20-30%/năm. Tình trạng chuyển lỗ không chỉ xuất hiện ở Coca cola Việt Nam, theo các cơ quan chức năng, nhiều doanh nghiệp cũng có biểu hiện chuyển giá.
 
Trước thực trạng này, Chủ tịch Hiệp hội Bia rượu – nước giải khát Nguyễn Văn Việt cho rằng, bên cạnh các chính sách đẩy mạnh thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài thì cần có giải pháp cụ thể để ngăn chặn các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, cũng như mọi hình thức độc quyền để nhằm độc chiếm thị trường.
 
Một biểu hiện vi phạm khác trong ngành sản xuất đồ uống là cung cấp sản phẩm chỉ có hương liệu, không có các dưỡng chất đặc biệt như quảng cáo với người tiêu dùng.
 
Trong khi đó, giá bán của mặt hàng cao hay thấp phụ thuộc vào việc có những dưỡng chất này hay không, thậm chí đây là nguyên cớ để tăng giá bán sản phẩm mới lên nhiều lần so với mẫu cũ. Hay nói cách khác, doanh nghiệp đang khiến người tiêu dùng mua hàng hóa với giá bán không tương xứng với chất lượng.
 
Tuy nhiên, những hành vi vi phạm này không khó ngăn chặn, bởi theo Gs Nguyễn Lân Dũng, hương liệu là sản phẩm quốc tế nên các cơ quan chức năng có thể kiểm tra được giá trị và chất lượng. Ngoài ra, cần yêu cầu trong thành phần ban lãnh đạo doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải có người Việt Nam để kiểm soát quá trình sản xuất, kinh doanh.
 
Về phía các doanh nghiệp, Phó cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công thương Trần Anh Sơn nhấn mạnh, mỗi đơn vị cần chủ động cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng và người tiêu dùng chống hành vi phản cạnh tranh. Doanh nghiệp trong nước hiện vẫn còn e ngại trong việc cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng. Điều này khiến các hành vi như sử dụng chỉ dẫn gây nhầm lẫn; tên hiệu sản phẩm na ná nhau; quảng cáo sai sự thật... vẫn tồn tại trên thị trường và không đủ căn cứ để xử lý doanh nghiệp vi phạm.
 
Tuy nhiên, một số doanh nghiệp cho biết đang cố gắng sử dụng lực lượng cán bộ, công nhân viên của mình để thu thập thông tin về hàng giả, hàng nhái trên thị trường để cung cấp cơ quan chức năng. Doanh nghiệp mong muốn Bộ Công thương, cũng như các đơn vị quản lý thị trường thực hiện các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp mạnh mẽ hơn, giúp khắc phục triệt để tình trạng hàng giả, hàng nhái, củng cố niềm tin của người tiêu dùng.
 
Với sự nỗ lực của mình, thị trường đồ uống Việt đã đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng cả về chất lượng, mẫu mã và giá cả. Tuy nhiên, những kẽ hở của pháp luật đã vô tình đẩy các doanh nghiệp vào thế khó cạnh tranh. Bên cạnh đó, nạn hàng giả, hàng nhái cũng là một cản trở đối với hàng Việt, khiến nhiều doanh nghiệp Việt cảm thấy nản khi tham gia thị trường.
 
Do vậy, bên cạnh sự ủng hộ của người tiêu dùng thì việc sửa đổi, bổ sung chính sách pháp luật cũng là một cách để giúp thị trường đồ uống cạnh tranh lành mạnh, giúp hàng Việt đến được với người tiêu dùng Việt nhiều hơn nữa. Đã đến lúc, người tiêu dùng hãy tỏ rõ quan điểm của mình, đòi hỏi doanh nghiệp phải có trách nhiệm xã hội, trách nhiệm với quyền lợi của chính mình và sẵn sàng tẩy chay đối với những doanh nghiệp và sản phẩm vi phạm Luật Cạnh tranh, góp phần lành mạnh hóa thị trường đồ uống, tránh thất thu cho Nhà nước.
 
 
 
 
Quyết Thắng
Theo ĐBND
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo