Sản xuất kinh doanh năm 2014 sẽ khởi sắc hơn
Tại Hội thảo “Động thái doanh nghiệp (DN) Việt Nam năm 2013” diễn ra mới đây, Viện Phát triển Doanh nghiệp – VCCI đã công bố Báo cáo phân tích kết quả khảo sát tình hình sản xuất kinh doanh của DN Việt Nam năm 2013 và dự cảm của DN về môi trường kinh doanh năm 2014.
Nhiều chỉ số được cải thiện
Theo báo cáo, tình hình sản xuất kinh doanh của DN năm 2013 có dấu hiệu được cải thiện. Chỉ số động thái tổng hợp của tổng thể tình hình sản xuất kinh doanh thực thấy năm 2013 đạt -8 điểm, cao hơn nhiều so với cuối năm 2012 là -21 điểm. Bên cạnh đó, doanh số bán hàng có sự đột biến mạnh, từ điểm âm (-4 điểm) lên dương (+10 điểm).
Điểm cải thiện được chú ý hơn cả là sự cải thiện năng suất lao động (đạt tới 14 điểm), được đánh giá là xu thế tất yếu bởi các doanh nghiệp đã bắt đầu nhận thức được tăng trưởng không thể dựa mãi vào yếu tố vốn mà phải dựa vào yếu tố năng suất lao động.
Báo cáo cho thấy nhu cầu vay vốn ngân hàng của DN có xu hướng tăng so với năm 2012. Năm 2013, 65,2% DN trong diện điều tra có nhu cầu vay vốn của ngân hàng trong khi tỷ lệ này năm 2012 là 57,3%, và có 34,8% DN không vay vốn.
Số doanh nghiệp phải vay ở mức lãi suất 12% trở lên ở năm 2013 là 32,7%, trong khi năm 2012 con số này là 74,9%. Điều này cho thấy việc giảm lãi suất đã tạo điều kiện tốt cho DN tiếp cận nguồn vốn thể hiện qua tỷ lệ DN được vay với mức lãi suất thấp hơn 12% đã tăng lên.
Đánh giá về kết quả của báo cáo này, bà Phạm Thị Thu Hằng- Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng các DN đã đánh giá khá sát với những dự cảm mà họ đã đưa ra vào năm 2012, đồng thời nắm được thông tin khá chắc về những xu hướng mới của thị trường và chuyển biến tốt trong tình hình kinh tế vĩ mô cũng như các điều kiện kinh doanh khác.
Hơn 40% DN muốn mở rộng quy mô kinh doanh
Các DN dự cảm, sản xuất, kinh doanh năm 2014 sẽ khởi sắc hơn bên cạnh các biện pháp hỗ trợ thực sự hiệu quả...Chỉ số động thái dự cảm của năm 2014 là 30 điểm, cải thiện rất mạnh so với năm 2013.
Báo cáo cho thấy, gần 60% doanh nghiệp có kế hoạch giữ nguyên quy mô kinh doanh, trong khi đó, 42,5% doanh nghiệp có thể mở rộng quy mô kinh doanh năm 2014. Quyết định này dựa trên đánh giá về cung ứng lao động trong năm tới.
Năm 2013, nhiều DN thu hẹp sản xuất, phá sản, giải thể dẫn đến tình trạng cắt giảm lao động, kể cả những người có tay nghề và kinh nghiệm. Các doanh nghiệp dự cảm số lượng công nhân viên sẽ tăng lên trong 2014, khi doanh nghiệp sẽ trở lại sản xuất kinh doanh sau thời gian tạm ngừng hoặc mở rộng quy mô sản xuất, đòi hỏi doanh nghiệp tuyển dụng nhiều hơn, tuyển dụng được nhân lực đáp ứng ngay được yêu cầu công việc.
Đây được đánh giá là tín hiệu tốt đối với cộng đồng DN, đồng thời cho thấy trong thời gian tới, khả năng phát triển của DN sẽ đi theo chiều hướng ngày một tốt hơn.
Bên cạnh đó, DN cũng đánh giá lạc quan về việc mở cửa thị trường, chính sách ưu đãi thuế và cải thiện khả năng huy động vốn. Ngoài ra là sự kỳ vọng vào cơ sở hạ tầng và các chương trình hỗ trợ phát triển DN.
“Xu hướng ổn định kinh tế vĩ mô sẽ tiếp tục được duy trì, đặc biệt là việc duy trì lạm phát ở mức thấp, cũng như chính sách mới của Nhà nước về thuế, về cải thiện điều kiện kinh doanh cho các DN. Một trong ba đột phá mới để tăng trưởng kinh tế thời gian tới được Đảng, Nhà nước đưa ra chính là phát triển nhân lực, ứng dụng chuyển giao công nghệ.
Có rất nhiều chuyển biến mới, biện pháp chính sách mới được tập trung để thực hiện giải pháp này. Chính vì thế tôi cho rằng kỳ vọng của các DN hoàn toàn là có cơ sở để họ thấy rằng đây là yếu tố tốt đóng góp cho việc mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh của DN trong thời gian tới”, bà Hằng nhận định.
Phần lớn các doanh nghiệp khuyến nghị Chính phủ nên đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ để doanh nghiệp nâng cao tỷ trọng giá trị gia tăng của sản phẩm với tỷ lệ hơn 44%. Đồng thời, nhóm chuyên gia tiến hành khảo sát cũng kiến nghị Nhà nước triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm giải phóng hàng tồn kho, nợ xấu, đặc biệt là hàng tồn kho và nợ xấu trong bất động sản.
Đưa ra khuyến nghị đối với DN, bà Hằng cho rằng: “Thực tế kinh doanh bao giờ cũng có rất nhiều rủi ro, đặc biệt trong thời gian tới, còn nhiều biến động liên quan đến môi trường kinh doanh, khủng hoảng tài chính, nhất là biến đổi khí hậu. Những rủi ro trong kinh doanh hầu như luôn luôn kề cận chúng ta, kể cả do nguyên nhân khách quan, chủ quan. Trong quá trình sản xuất kinh doanh, mặc dù có dự cảm, đánh giá, phân tích tốt về tất cả những thông tin, cũng như chuẩn bị tốt các điều kiện, nhưng có những rủi ro thuộc về bất khả kháng, do môi trường kinh doanh toàn cầu quá rộng lớn, đặc biệt là sự tác động, chuyển dịch xu hướng kinh doanh của những “ông lớn” thì đó như những con sóng xô đẩy những doanh nghiệp nhỏ và vừa. Chính vì thế, các DN đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa phải quan tâm về vấn đề này”.
End of content
Không có tin nào tiếp theo