Sang như xe buýt Hà Nội!
Hà Nội sẽ có xe buýt nhanh với nhà chờ xe buýt 5 sao được trang bị máy bán vé, máy quẹt thẻ... với mức đầu tư trị giá 55 triệu USD.
Ngày 4/3/2014 nhà chờ xe buýt 5 sao đã được khởi công và hiện đang trong quá trình hoàn thiện. Nhà chờ mẫu được xây dựng trên dải phân cách tại ngã tư Hoàng Minh Giám và Lê Văn Lương mang tên gọi “Trạm Nguyễn Tuân”.
Theo đó, nhà chờ mẫu có đầy đủ công năng của một nhà chờ xe buýt nhanh theo chuẩn quốc tế, bề rộng 5m và tổng diện tích 129m2, theo chuẩn thiết kế tuyến buýt nhanh quốc tế đồng thời phù hợp với đặc thù giao thông trên các tuyến phố Hà Nội.
Cửa từ nhà chờ bước lên xe buýt là hệ thống kính trượt đóng mở tự động. Chỉ khi xe buýt cập bến cửa trượt mới tự động mở để giữ an toàn và tạo thói quen xếp hàng trật tự khi vào xe. Dòng xe của tuyến buýt này cũng sẽ sử dụng nhiên liệu sạch, thân thiện với môi trường.
Nhà chờ được trang bị máy bán vé, máy quẹt thẻ/soát vé tự động, cũng như quầy hỗ trợ khách hàng có nhân viên trực tại chỗ. Dự kiến đưa vào sử dụng quý 2 năm 2015.
Thông tin trên tờ Petrotimes, cán bộ Ban quản lý dự án đầu tư phát triển giao thông đô thị Hà Nội - đơn vị đại diện chủ đầu tư cho biết, điểm khác biệt của tuyến xe buýt nhanh so với những xe buýt hiện hành là nhà chờ cho hành khách được xây dựng ở dải phân cách giữa làn đường, cửa xe buýt sẽ mở ở bên trái, người đi bộ phải đi từ vỉa hè sang nhà chờ bằng cầu vượt hoặc dùng đèn tín hiệu.
Để đảm bảo tốc độ khoảng 3 đến 5 phút mỗi chuyến, Hà Nội quyết định làm làn đường riêng rộng hơn 3m cho xe buýt nhanh, trừ đoạn Nguyễn Thái Học - Cát Linh do đường hẹp.
Để phục vụ xe buýt nhanh hoạt động tốt nhất, nhiều hạng mục trên tuyến đường từ Kim Mã - Yên Nghĩa sẽ được cải tạo. Cây cầu vượt trên đường Láng Hạ sẽ được đầu tư thêm 500.000 USD để gia cường chịu lực cho xe buýt nhanh đi qua. Một số giả phân cách và vỉa hè các tuyến đường cũng được cắt xén để đảm bảo đủ mặt đường cho xe buýt nhanh và phương tiện khác hoạt động.
Trước những lo ngại làn đường dành riêng cho xe buýt nhanh sẽ choáng nhiều diện tích của phương tiện khác trên những tuyến nó đi qua gây ra cảnh tắc đường, đại diện Ban quản lý dự án đầu tư phát triển giao thông đô thị Hà Nội khẳng định sẽ không xảy ra hiện tượng đó. Tình huống đó đã được đơn vị tư vấn tính đến. Người dân sẽ chuyển từ phương tiện cá nhân sang đi xe buýt nhanh, phương tiện đi trên các tuyến đường này cũng sẽ được điều tiết hợp lý.
Cũng theo Ban quản lý dự án đầu tư phát triển giao thông đô thị Hà Nội, sau khi đi vào hoạt động, tuyến xe buýt nhanh này sẽ bàn giao cho Tổng công ty vận tải Hà Nội vận hành, giá vé đi xe buýt nhanh sẽ tương đương với vé của các tuyến xe buýt hiện tại.
Trước đó vào tháng 6/2012, Hà Nội cũng đã thay hàng loạt xe buýt cũ, đưa 52 xe buýt mới vào hoạt động các tuyến 32 (Giáp Bát - Nhổn) và tuyến 39 (công viên Nghĩa Đô - Văn Điển). Tháng 5, Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) đã đưa vào hoạt động 52 xe mới trên các tuyến 05, 13 và 23, 34. Hiện tất cả xe buýt của Tổng công ty Vận tải Hà Nội đã được trang bị thiết bị giám sát hành trình và đèn Led báo lộ trình đường.
Đặc biệt, cũng thời gian này, hàng nghìn xe buýt lưu thông tại Hà Nội đã được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (GPS). Và ngay trong năm 2012, đã có khoảng 150 xe buýt mới cũng đã được đưa vào vận hành khai thác, sử dụng.
Báo Đất Việt
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo