Sáng tạo trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ rất thấp
Đổi mới và sáng tạo trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ rất thấp nhất là ở khu vực doanh nghiệp siêu nhỏ và kinh doanh hộ gia đình. Đó là nhận định trong báo cáo “Đặc điểm môi trường kinh doanh ở Việt Nam: Kết quả điều tra doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2013” vừa được công bố.
Báo cáo giới thiệu thông tin thu thập được từ cuộc điều tra doanh nghiệp vừa và nhỏ lần thứ 5. Kết quả thu được từ những lần điều tra trước đã khuyến khích Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, Viện Khoa học Lao động và Các vấn đề xã hội cùng trường Đại học Copenhagen làm một cuộc điều tra tiếp theo vào năm 2013. Cuộc điều tra này được thiết kế dựa trên điều tra trước đó và được tiến hành bằng các cuộc phỏng vấn với gần 2.500 doanh nghiệp vừa và nhỏ ngoài quốc doanh hoạt động trong khu vực chế biến.
Điều tra được tiến hành ở 10 tỉnh và thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, TP.HCM, Khánh Hòa, Long An… và được xây dựng dựa trên những doanh nghiệp đã được phỏng vấn vào các năm 2005 ,2007, 2009 và 2011.
Theo báo cáo, khoảng 70% các doanh nghiệp được khảo sát nói rằng cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu vẫn có ảnh hưởng tiêu cực đến điều kiện kinh doanh năm 2013 và chỉ có 15% doanh nghiệp không chịu những tác động tiêu cực của khủng hoảng kinh tế năm 2007, 2008. Và tương tự như năm 2011, các doanh nghiệp siêu nhỏ ít bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng hơn so với các doanh nghiệp lớn, so sánh năm 2011 và 2013, tổng lao động giảm 7,4%.
Môi trường kinh doanh về tổng thể chưa được cải thiện so với khảo sát trước. Trong giai đoạn 2009 - 2011, tỷ lệ doanh nghiệp không phải đối mặt với những trở ngại trong kinh doanh rất thấp. Chi phí chính thức và tiếp cận tài chính vẫn là một trong những vấn đề nghiêm trọng, tương tự như tình hình của giai đoạn 2009 - 2011.
Tỷ lệ doanh nghiệp có chi phí chính thức năm 2013 cao hơn năm 2011 và tương tự như năm 2009. Kết quả điều tra cho thấy chính thức hóa và tăng xác suất có chi phí phi chính thức có quan hệ thuận chiều. Các phân tích về mục đích của các khoản chi phí không chính thức cho thấy các doanh nghiệp có khoản chi này để nhằm đối phó với cơ quan, người thu thuế cũng như kết nối với dịch vụ công.
Tuy nhiên phần lớn doanh nghiệp không tiết lộ lý do. Dữ liệu điều tra cũng cho thấy các doanh nghiệp hối lộ có xác xuất thoát khỏi thị trường lớn hơn. Do vậy, chiến dịch thông tin về các tác động tiêu cực của tham nhũng có thế cần thiết để giảm áp lực chi phí đối với cả phía cung và phía cầu.
Tỷ lệ đổi mới giảm mạnh hơn so với năm 2011, kể cả về giới thiệu sản phẩm mới lẫn cải tiến sản phẩm hiện có. Đặc biệt, các doanh nghiệp siêu nhỏ nông thôn là động lực chính của sự suy giảm này. Sự suy giảm này là một vấn đề đối với tính năng động trong tương lại, do đổi mới thông qua việc cải tiến sản phẩm có quan hệ thuận chiều đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Vì vậy các chính sách cần hướng trọng tâm đến nâng cao sáng tạo của doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Theo Giáo sư John Rand, Trường Đại học Copenhagen thì tỷ lệ đổi mới sáng tạo trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ rất thấp, nhất là ở khu vực doanh nghiệp siêu nhỏ và kinh doanh hộ gia đình. Trước đây qui mô đổi mới của các doanh nghiệp vừa và nhỏ cao hơn nhưng trong giai đoạn 2011 - 2013 thì không phải như vậy. “Việc cải thiện sản phẩm hiện có cũng là quá trình đổi mới. Tỷ lệ đổi mới của doanh nghiệp vừa và nhỏ là mối quan tâm lớn của Việt Nam trong tương lai. Cần có chính sách loại bỏ khó khăn trở ngại đổi mới của doanh nghiệp”, Giáo sư John Rand nhận định.
Năng suất lao động 2013 giảm so với 2011, đặc biệt sự suy giảm này chủ yếu do doanh nghiệp siêu nhỏ nông thôn. Về vấn đề này chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng dù doanh nghiệp muốn tăng lương cho người lao động nhưng nếu họ không tăng được năng suất lao động thì tăng lương là việc làm rất khó.
Doanh nghiệp đầu tư cũng giảm so với các năm trước. Đặc biệt là các doanh nghiệp siêu nhỏ ở thành thị miền nam đóng góp chính vào sự sụt giảm này. Số tiền trung bình của các khoản đầu tư từ lợi nhuận giữ lại giảm.
Nhận định về báo cáo, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đánh giá cao vì ở Việt Nam hiện không có nghiên cứu nào theo đuổi suốt 10 năm như vậy. Bà cũng đồng tình khi báo cáo tập trung nhiều nhấn mạnh nhiều vào kinh doanh hộ gia đình và doanh nghiệp siêu nhỏ. Tuy chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế nhưng hiện nay các chính sách đãi ngộ cho họ là không nhiều. Và đây sẽ là những kiến nghị cần thiết gửi tới những người thiết kế chính sách hiện nay.
Tổng quan báo cáo cho thấy một bức tranh xám màu hơn so với hai năm trước do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính vẫn đang tiếp diễn. Đồng thời phản ánh những thách thức cơ bản cần được giải quyết thông qua một loại các chính sách mới và chiến lược phát triển mới./.
Hoàng Tuấn
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo