Tin tức - Sự kiện

Sập cầu Lai Châu: Ai chịu trách nhiệm cái ốc neo?

Ngày 28/2, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đã có báo cáo sơ bộ với về sự cố đứt cầu treo Lai Câu làm 8 người chết, 37 người bị thương.

Cây cầu treo sau khi bị lật

Chưa xác định ai chịu trách nhiệm chiếc ốc neo

Bộ trưởng Thăng cho biết, Bộ đã cử đoàn chuyên gia độc lập đi kiểm tra sự cố cầu treo Chu Va.

"Nguyên nhân ban đầu được xác định là do ốc neo cáp của cầu làm ẩu. Thay vì phải đúc nguyên khối thì con ốc này lại hàn nối nên khả năng chịu lực kém. Nếu là vật liệu đúc nguyên khối theo thiết kế thì có thể chịu tải trọng cả trăm người đi qua”, ông Thăng nói.

Ông Thăng cho biết thêm, dự án cầu treo Chu Va do huyện Tam Đường làm chủ đầu tư, đơn vị thi công cũng nằm trên địa bàn này.

Trước câu hỏi của Thủ tướng về cơ quan nào thẩm định công trình, Bộ trưởng Thăng cho biết, công tác thẩm định thiết kế không có vấn đề mà nguyên nhân là do chế tạo thiết bị không theo thiết kế.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Hồng Trường - Thứ trưởng Bộ GTVT cũng cho biết: "Đoàn công tác của Bộ vẫn đang tiếp tục làm việc trên địa bàn xảy ra vụ việc, nguyên nhân ban đầu được xác định là do ốc neo cáp của cầu làm ẩu, nên mới xảy ra sự cố, chứ không phải do quá trọng tải"

Sau khi kiểm định hết về hiện trường, các chuyên gia trong đoàn sẽ tiếp tục đưa neo đó về kiểm định.

Thứ trưởng Trường nhấn mạnh: "Xác định được sự cố do chất lượng ốc neo, thế nhưng còn phải kiểm tra cụ thể lỗi là do chủ đầu tư, hay người thi công, nên chưa xác định trách nhiệm thuộc đơn vị nào".

Trong khi đó, Công an tỉnh Lai Châu đang triệu tập nhiều đơn vị và người liên quan trách nhiệm trong vụ sập cầu treo đến làm việc. Tuy nhiên ông Bùi Gia Lượt, Phó giám đốc Công an tỉnh Lai Châu cho biết hiện chưa đủ căn cứ khởi tố vụ án, mà phải chờ kết luận giám định về mẫu ốc neo, qua đó làm rõ nguyên nhân sập cầu.

Ông Lê Trọng Quảng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu cho hay, đoàn công tác của Bộ GTVT đã giám định và thu thập xong chứng cứ tại hiện trường; gặp các bên liên quan (chủ đầu tư, tư vấn thiết kế, giám sát, thi công) và thu thập tất cả tài liệu liên quan. Nhưng chưa có kết luận nào được đưa ra.

Các chuyên gia đưa ra con số chưa chính xác

Trước những phân tích của PGS. TS Nguyễn Quang Toản - nguyên Chủ nhiệm bộ môn Đường bộ, trường Đại học GTVT Hà Nội, cho rằng: "Cầu được thiết kế theo tiêu chuẩn của cầu đi bộ cho người và xe thô sơ, nếu xây đúng quy trình theo Bộ xây dựng thì trọng tải được tính là 500kg/1m2, chiều rộng là 1,4m thì trọng tải của nó gấp 1,4 lần, có nghĩa là được 700kg/1m dài cầu. Cây cầu dài 54m thì sẽ có lực dải đều là hơn 35 tấn".

Thứ trưởng Trường cho rằng: "Những thông tin đó nói như vậy hoàn toàn không phải, chúng ta phải căn cứ vào khẩu độ, tải tọng cho phép rồi tính toán, chứ không phải là một con số cụ thể.

Bộ trưởng Thăng đi thăm các nạn nhân trong vụ sập cầu

Theo ông Trường trong thời gian này tổ công tác sẽ tiến hành kiểm tra xem thiết kế cầu có đúng không, thi công đúng chưa, từng khâu một, khi đó mới quy trách nhiệm cụ thể cho khâu nào.

Bởi vì, ông cho rằng: "Mỗi cây cầu có một thiết kế riêng, thiết kế có đầu vào, đầu ra như thế nào, có phép tính cụ thể rồi mới kết luận chính xác".

Để thực hiện nhanh các hoạt động tìm ra nguyên nhân, ông Trường cũng cho biết: "Sau khi xác định được cụ thể sự việc xảy ra tại hiện trường làm việc đoạn đơn vị thi công, đơn vị thiết kế để truy trách nhiệm. Chính vì vậy, để có kết luận cụ thể còn là cả một vấn đề".

Còn theo Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng, đối với công trình cầu thì phải được thẩm định thiết kế và có cơ quan chuyên môn khoa học đánh giá.

Thủ tướng yêu cầu, đối với công trình dân sinh liên quan đến tính mạng người dân thì bắt buộc phải tuân thủ quy định có cơ quan quản lý nhà nước thẩm định phê duyệt thiết kế và giám sát chặt. Như nhà cao tầng ở Hà Nội do tư nhân làm rất nhiều nhưng thẩm định thiết kế kỹ thuật là phải cơ quan quản lý nhà nước chịu trách nhiệm.

"Dứt khoát là an toàn mới cho làm. Các bộ ngành phải rà soát lại quy định nếu còn trống thì phải bổ sung ban hành", Thủ tướng nói.

Một kỹ sư từng tham gia thiết kế cầu treo Chu Va (do Cty Tư vấn Công nghiệp Lào Cai làm tư vấn thiết kế) cho biết: “Thông thường, trọng tải cầu treo được thiết kế vượt trọng tải khai thác từ 3-4 lần”.

Tuy vậy, ông từ chối tiết lộ chi tiết thông số kỹ thuật cầu treo Chu Va, do đang trong quá trình điều tra. Trước đó, một số lãnh đạo địa phương cho rằng cầu treo đứt do quá tải, khi trọng tải khai thác cầu chỉ 1,5 tấn, nhưng thời điểm xảy ra sự cố có 40 người trên cầu (tổng trọng lượng khoảng 2 tấn).

Chiều 27/2, ông Hoàng Thọ Trung, Chủ tịch UBND huyện Tam Đường (Lai Châu) cho biết, dự kiến hết ngày hôm nay đường tạm qua suối sẽ xong. Sau đó sẽ khắc phục hư hỏng cầu treo Chu Va (xã Sơn Bình).

Ông Đỗ Văn Giang, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu cho biết, hiện sức khỏe 28 nạn nhân đang chữa trị tại viện đã tạm ổn định.

“Tới nay đã mổ được 18 trường hợp, có nhiều người phải mổ 2-3 lần. Hầu hết nạn nhân đều bị đa chấn thương, trước mắt mổ những thương tổn quan trọng, thương tổn ít quan trọng sẽ mổ khi bệnh nhân khỏe hơn”, ông Giang nói.

 

 

Theo Đất Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo