Sát hạch ông đồ ở Văn Miếu: Tránh bán chữ, lừa người
Mới đây, Trung tâm Hoạt động Văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội tổ chức kỳ thi sát hạch ông đồ. Kết quả cho thấy có đến 70% ông đồ tham gia sát hạch bị “trượt”.
Trao đổi với phóng viên, Giáo sư, nhà nghiên cứu văn hóa Trần Lâm Biền cho rằng, 70% ông đồ thi “trượt” phản ánh đúng thực trạng "lộn xộn" đang diễn ra ở con phố nổi tiếng gắn với truyền thống hiếu học của Việt Nam.
Theo ông, bên cạnh nhiều ông đồ am hiểu cách thức viết chữ, am hiểu ý nghĩa sâu xa của chữ viết, nét chữ hào sảng, rồng bay phượng múa... còn không hiếm những ông đồ xem việc viết chữ như một cách kinh doanh kiếm tiền.
“Cuộc thi sát hạch ông đồ chính là phép thử, là sự đào thải cho những người làm công việc văn hóa những lại có mục đích phi văn hóa”, GS. Trần Lâm Biền bày tỏ.
GS Trần Lâm Biền đánh giá, trên con phố được mệnh danh phố "ông đồ" mấy năm nay đã trở thành nơi mua bán chữ tấp nập, nhuốm đầy không khí thị trường. Có hàng trăm ông đồ ngồi xếp hàng ngang, bày giấy, bút, mực và cả những xấp chữ viết sẵn: Tâm, Nhẫn, Phúc, Lộc… ai muốn chữ nào trả tiền chữ ấy. Như vậy, đây là nghịch lý.
Theo nhà nghiên cứu văn hóa Trần Lâm Biền, người cho chữ phải là những thầy đồ có tầm kiến thức rộng, cốt cách được mọi người kính trọng. Gương mặt nết người. Nét chữ nết người. Người xin chữ cũng phải có hiểu biết tối thiểu về chữ, phải có lòng, thành tâm, đức mới sáng.
Nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền cho rằng, muốn thưởng thư pháp, muốn chơi chữ, cả người xin chữ và cho chữ đều phải có hiểu biết nhất định về nghệ thuật thư pháp.
“Tuy nhiên, người xin chữ đều mang tâm trạng thiếu cái gì xin cái đó. Nếu người xin chữ Tâm, chữ Đức, vậy liệu những người đó đang thiếu Tâm, thiếu Đức nên mới cần xin?”, nhà nghiên cứu văn hóa Trần Lâm Biền chia sẻ.
Theo ông, những người hiểu biết thư pháp sẽ xin chữ: Tâm như thủy nghĩa là tâm trong trẻo như nước. Thọ tỉ Nam Sơn nghĩa là Thọ sánh với núi Nam Sơn. Nói gọn là Tâm như thủy (Tâm tựa nước), Thọ tỉ Nam sơn (thọ tựa núi Nam).
Trong khi đó, GS. Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa bày tỏ: “Phố ông đồ diễn ra tràn lan thời gian qua là một nghịch lý vẫn tồn tại trong xã hội. Ông đồ buôn bán để kiếm tiền, lừa dối người khác”.
Theo ông, sát hạch ông đồ trong mỗi dịp Tết rất hay bởi kết quả được công bố sẽ giúp người dân hiểu họ đang bị lừa dối. Các cơ quan quản lý Nhà nước về văn hóa không chỉ sát hạch một lần về khả năng viết chữ mà cần sát hạch thật nghiêm về khả năng cảm thụ, hiểu biết về nghệ thuật thư pháp của các ông đồ.
Ông cho rằng: “Nếu sát hạch được ông đồ thì việc xin chữ và cho chữ mới thật sự ý nghĩa. Người cho chữ mới đáng mặt chữ và người xin chữ mới xứng hồn chữ, bằng không cũng chỉ như nước chảy bèo trôi, chữ nghĩa trả thầy, làm xấu đi một nét văn hóa đẹp của người Việt”.
Ông Trương Minh Tiến, Phó giám đốc Sở VH-TT&DL TP Hà Nội cho biết, căn cứ theo khảo sát, mỗi năm có khoảng 200 ông đồ tham gia viết thư pháp, cho chữ ở khu vực Văn Miếu - Quốc Tử Giám nên năm nay, trong khu vực Hồ Văn sẽ bố trí khoảng 100 lều bạt, mỗi lều đủ chỗ cho 2 người ngồi để tập trung các ông đồ cho chữ vào khu vực này.
Những ông đồ vào đây có thể do các câu lạc bộ thư pháp lựa chọn và đề xuất hoặc các ông đồ tự do. Nhưng muốn vào cho chữ ở khu vực Hồ Văn, các ông đồ đều phải qua kỳ “sát hạch” mới được tuyển chọn.End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đà Nẵng: Hai dự án liên quan cảng Liên Chiểu hoàn thành 100% kế hoạch vốn năm 2024
Nhật Bản hỗ trợ Đà Nẵng thúc đẩy tiết kiệm năng lượng cho người dân
Vinh danh các tài năng công nghệ trẻ
Đề xuất hoãn xuất cảnh đối với người nợ thuế quá hạn từ 50 triệu đồng trở lên
Cuộc đua thu hút nhân tài của các trường đại học Việt Nam