Sau 10 năm thực hiện Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVN, mới có 10 địa phương thực hiện
(congthuong) 6 tháng đầu năm 2013, số lượng doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động vẫn tiếp tục tăng so với cùng kỳ năm 2012, cho thấy các doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đang hoạt động vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho biết lâu nay DNNVV chủ yếu phát triển tự phát, sự hỗ trợ của Nhà nước đến DNNVV chưa được nhiều. Trong khi đó, DNNVV đang đối mặt với nhiều khó khăn trong quá trình hoạt động và nâng cao sức cạnh tranh, như thiếu nguồn lực tài chính, thiếu nhân lực để đổi mới công nghệ, nâng cao hiệu quả sản xuất, chất lượng sản phẩm.
Tuy nhiên, doanh nghiệp không chỉ cần hỗ trợ nguồn vốn mà quan trọng hơn là xây dựng chính sách, cải thiện hành lang pháp lý và thuận lợi hóa các thủ tục hành chính.
Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành các cơ chế chính sách nhằm hỗ trợ phát triển DNNVV trong các lĩnh vực: tài chính, tín dụng; đổi mới, nâng cao năng lực công nghệ, trình độ kỹ thuật; phát triển nguồn nhân lực; mặt bằng sản xuất kinh doanh; xúc tiến mở rộng thị trường; thông tin và tư vấn… Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện chính sách còn nhiều hạn chế, tồn tại, hỗ trợ nhiều nhưng lại không đúng và không trúng.
Trên thực tế, tỉ lệ các DNNVV tiếp cận được các nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước rất thấp. Nguyên nhân là phần lớn các chính sách, chương trình hỗ trợ chỉ hướng vào đối tượng doanh nghiệp nói chung, không ưu tiên hoặc dành riêng hỗ trợ DNNVV.
Trong khảo sát gần đây vào tháng 3/2013 của Cục Phát triển doanh nghiệp– Bộ Kế hoạch và Đầu tư với sự hỗ trợ của JICA, hơn 60% số DNNVV được khảo sát cho biết họ không có thông tin về các chính sách hỗ trợ của Nhà nước về đổi mới công nghệ, kỹ thuật, 35,5% có nghe nói nhưng không biết chi tiết. Cũng hơn 60% chưa bao giờ nhận được sự hỗ trợ của Chính phủ về đổi mới công nghệ. Các chương trình xúc tiến thương mại, khuyến công... chưa có đánh giá đầy đủ về sự tham gia của các DNNVV cũng như đánh giá tác động của chương trình, chính sách với khu vực này.
Nhiều cơ chế, chính sách đã ban hành nhưng chậm trễ. Điển hình như Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia được thành lập từ năm 2003 nhưng sau 5 năm mới chính thức đi vào hoạt động và tiến độ cấp kinh phí hỗ trợ nghiên cứu khoa học còn chậm trễ. Sau hơn 10 năm thực hiện chính sách bảo lãnh tín dụng cho DNNVV, cả nước mới có 10 quỹ bảo lãnh tín dụng địa phương được thành lập và còn rất nhiều bất cập trong quá trình triển khai thực hiện.
Thêm vào đó, một số chính sách, chương trình trợ giúp DNNVV có nội dung chồng chéo, trùng lắp dẫn đến hiệu quả thực hiện chưa cao, lãng phí nguồn lực, không giải quyết được các nhu cầu trợ giúp trọng tâm, thiết thực của DNNVV.
Hầu hết các địa phương chưa chủ động bố trí ngân sách để hỗ trợ DNNVV, nếu có thì cũng rất hạn chế so với nhu cầu hỗ trợ cao từ phía cộng đồng DNNVV,chri có 19% được bố trí riêng nguồn ngân sách hỗ trợ.
Thực tế, thủ tục hành chính rườm rà đang khiến doanh nghiệp đang phải chạy vòng vo khắp nơi, khi xong được thủ tục thì cơ hội sản xuất kinh doanh đã qua đi từ lâu. Vì vậy, theo ông Lê Xuân Hiền- Trưởng phòng đăng ký kinh doanh tỉnh Hải Dương, DNNVV cần nhất là hỗ trợ hành lang pháp lý, cải cách hành chính đến nơi đến chốn và quan trọng là nói phải đi đôi với làm, chính sách phải được triển khai hiệu quả vào thực tế..
Thu Phương
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bộ Tài chính: Giá hàng hóa cận Tết không có biến động bất thường
Làng nghề bánh tráng hơn 100 năm tuổi vào Xuân
Tinh gọn bộ máy: Đáp ứng yêu cầu của đất nước trong kỷ nguyên mới
Người Việt tại Anh rộn ràng đón Tết Nguyên đán
Dự báo thời tiết Tết Nguyên đán Ất Tỵ từ đêm 27/1 – 2/2, có nơi dưới 3 độ C
Cảm hứng từ hành trình hướng tới thịnh vượng của Việt Nam