Sau 2 tuần thực hiện tăng thuế xuất khẩu than
(TBKTSG) Theo ông Nguyễn Văn Biên, Phó tổng giám đốc TKV, suốt gần một tháng qua, TKV chỉ ký được các hợp đồng xuất khẩu cỡ vài ngàn tấn ở một số chủng loại than chất lượng cao. Còn các loại than thông thường, hàng tháng hay xuất đi theo các hợp đồng lớn cỡ trên 1 triệu tấn (than 9A hay 11A) thì không bán được.
Theo lý giải của ông Biên, là do thuế xuất khẩu đã tăng từ 10% lên 13% kể từ ngày 7-7, dẫn đến việc TKV phải tăng giá bán xuất khẩu tương ứng. Vì tăng giá nên giá chào bán của TKV cao hơn giá bán trên thị trường khiến các khách hàng bỏ đi.
“Chúng tôi đã liên tục tiết giảm chi phí sản xuất để hạ giá thành nhưng vẫn không tránh được chuyện tăng giá”, ông Biên nói. Và so sánh nhiều quốc gia có thuế xuất khẩu bằng 0%, trong khi Việt Nam áp thuế 13% là không cạnh tranh được.
Năm 2012, để hạn chế chi phí, TKV đã cắt giảm 10% lương công nhân so với năm trước và đầu năm nay giảm thêm 5% nữa. Tuy nhiên, điều kiện khai thác ngày càng xuống sâu, cho dù tiết giảm cả chi phí công nghệ cũng không thể hạ được giá thành.
Theo phân tích của tập đoàn này, trong thời điểm khó khăn, sức tiêu thụ của thị trường sút giảm, nếu tồn kho không bán được hàng thì ảnh hưởng đến đời sống của người lao động. Vì cứ 10% sản lượng cắt giảm là ảnh hưởng đến việc làm của 10.000 lao động .Việc cắt giảm này lại dồn vào 6 tháng cuối năm nên áp lực càng tăng cao.
Liên quan đến vấn đề tăng thuế, theo ông Biên, tăng thuế xuất khẩu than thêm 3% và giả sử mỗi tháng TKV xuất được 3 triệu tấn thì ngân sách thu thêm được hơn 100 tỉ đồng. Nhưng do giá thành cao, không cạnh tranh được, TKV sẽ xuất hụt so với chỉ tiêu đề ra khoảng 5,5 triệu tấn. Nếu tính toán thì riêng 6 tháng cuối năm, các khoản hụt thu thuế tài nguyên, phí môi trường và thuế giá trị gia tăng sẽ “rơi” vào khoảng hơn 1.000 tỉ đồng.
“Như vậy là giảm thu chứ không phải tăng thu”, ông nói.
TKV đã gửi đề xuất xin giảm thuế sang Bộ Công Thương và Bộ Tài chính. Tuy nhiên, mức thuế mới tăng từ trung tuần tháng 7, chưa giảm ngay trước mắt sẽ ảnh hưởng đến sản lượng xuất khẩu của tập đoàn.
Theo kế hoạch, năm nay lượng tiêu thụ nội địa và xuất khẩu của TKV vào khoảng 43 triệu tấn nhưng thực tế có thể chỉ tiêu thụ được từ 38 đến 39 triệu tấn. Hiện giá thành khai thác bình quân chỉ thấp hơn giá bán trong nước khoảng 5.000 đồng/tấn. Tại thị trường trong nước, ngành điện là hộ tiêu thụ than lớn nhất. Nhưng giá than bán cho điện hiện chỉ bằng 83% đến 87% giá thành sản xuất than năm 2013. Thông thường, trước đây, TKV lấy nguồn thu từ xuất khẩu bù lỗ cho giá bán than thấp cho điện để cân đối tài chính.
Ngọc Lan
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Ngành bia và đồ uống đóng góp gần 60 ngàn tỷ đồng vào ngân sách mỗi năm
Tỷ giá ngoại tệ ngày 26/11/2024: USD tăng nhẹ
Giá vàng ngày 26/11: Vàng miếng, vàng nhẫn đồng loạt lao dốc
Giá nông sản ngày 26/11/2024: Cà phê, hồ tiêu đồng loạt tăng mạnh
Giá heo hơi ngày 26/11/2024: Thị trường miền Nam giảm nhẹ
Giảm phát thải carbon, bước đệm vào nền kinh tế xanh toàn cầu