Sau cái bắt tay của ba “ông lớn”: Nhóm lợi ích đã hiện hữu
Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) mới đây đã có đề xuất về việc tăng giá than bán cho điện. Nếu đề xuất này của Vinacomin được Chính phủ đồng ý, cùng với việc xăng dầu vừa tăng giá cách đây chưa lâu, sẽ là những yếu tố cộng hưởng để điện có lý do đòi tăng giá.
Than đòi tăng giá, điện chịu "ngồi” yên?
Lãnh đạo Vinacomin đã không ít lần "khóc” rằng, than đang tồn kho lớn, ngành than đang gặp nhiều khó khăn do giá xuất khẩu giảm mạnh, giá bán than cho điện đang thấp dưới giá thành… nhiều yếu tố của nền kinh tế đang khiến ngành này đứng trước nguy cơ thua lỗ trầm trọng. Tập đoàn này đang đề xuất Chính phủ về việc tăng giá bán than cho điện với lý do, nếu giá bán than cho điện không được điều chỉnh kịp thời sẽ ảnh hưởng lớn đến ngành và thu nhập của người lao động.
Trước đó không lâu, cũng với "điệp khúc” kêu khó này, Vinacomin đã đưa ra hàng vạn cái cớ để xin được giảm thuế xuất khẩu than.
Lần xin tăng giá bán than cho điện này, Vinacomin tiếp tục đưa ra cái cớ rằng, giá bán than cho điện đang chỉ bằng trên 60% so với giá thành năm 2013. Do đó, để giá than theo được cơ chế giá thị trường, tập đoàn này đã có nhiều văn bản đề nghị Bộ Công Thương, đề nghị Chính phủ cho phép điều chỉnh giá than theo lộ trình đảm bảo cuối quý I/2013 giá than ngang bằng giá thành năm 2011 đã được kiểm toán, từ quý III/2013 giá than sẽ bằng giá thành 2013, sau đó tiến tới theo giá thị trường như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ…
Với những động thái nói trên của ngành than, nếu được sự chấp thuận của Chính phủ, dư luận lo ngại, điện sẽ có cớ để đòi tăng giá. Và nếu sự việc diễn biến đúng như "lộ trình” nói trên, những hoài nghi về sự độc quyền, lợi ích nhóm trong hành động "bắt tay” của ba "ông lớn”: Xăng dầu, than và điện đang dần dần hiện hữu(!).
Lời hứa liệu có "lung lay”?
Còn nhớ, hồi cuối tháng 2, đầu tháng 3 vừa qua, sự kiện gây thu hút dư luận nhất chính là việc ba tập đoàn lớn: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã cùng ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược giai đoạn 2013-2018. Với việc ký kết này, dư luận đã không khỏi lo ngại đến một tương lai "không sáng” rằng, sớm muộn sẽ có một sự liên kết để cùng đẩy giá bán lẻ điện. Bởi, riêng trong hoạt động sản xuất điện, ba tập đoàn này chiếm tới 80% tổng công suất nguồn điện toàn hệ thống.
Trong khi đó, theo quy chế về điều chỉnh giá điện hiện hành, EVN được phép điều chỉnh giá điện khi thông số đầu vào tăng 5%, còn nếu theo dự thảo về giá điện đang được Bộ Công thương lấy ý kiến, chỉ cần các thông số đầu vào tăng 2% là EVN đã có thể toàn quyền được quyết định điều chỉnh giá điện.
Và như vậy, khi giá xăng dầu đã được điều chỉnh tăng tới 1.450 đồng/lít hồi cuối tháng 3, và chỉ điều chỉnh hạ có 500 đồng/lít mới đây, cùng với việc than đề xuất tăng giá bán cho điện… cũng có nghĩa hai trong số 3 "cánh tay” đã giơ cao thì cánh tay còn lại liệu có giữ yên vị trí cũ (?).
Giới chuyên gia trong ngành cho rằng, không phủ nhận thực tế rằng hiện nay ngành than cũng đang đối diện với nhiều khó khăn vì hàng tồn kho cũng như việc khai thác đã gặp rất nhiều hạn chế. Tuy nhiên, còn rất nhiều yếu tố khác mà ngành này có thể dựa vào đó để bù lỗ chứ không chỉ dựa vào giá bán than cho điện, như những doanh thu từ đầu tư vào các ngành ngân hàng, bất động sản hiện vẫn chưa thoái vốn, chưa kể những lợi nhuận từ việc khai thác khoáng sản để xuất khẩu mỗi năm thu về hàng ngàn tỷ đồng…
Nói như vậy để thấy hoàn toàn có cơ sở để khẳng định rằng, giá bán than cho điện chưa nhất thiết phải tăng ở thời điểm này, bởi nếu tăng, giá điện không sớm thì muốn sẽ được nhà đèn đòi điều chỉnh. Và nếu như thế, nguy cơ về một làn sóng tăng giá cả trên thị trường hàng hóa thực sự rất khó tránh. Trong khi Chính phủ đang nỗ lực kiềm chế lạm phát, và trong Nghị quyết mới đây nhất được ban hành sau phiên họp thường kỳ tháng 3 – 2013 vừa qua, Chính phủ cũng đã yêu cầu các Bộ, ngành liên quan: Điều chỉnh giá điện, giá xăng dầu… phải theo lộ trình hợp lý, không dồn dập vào cùng một thời điểm, tránh tác động gây tăng giá đột biến. Trước đó, tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Công thương diễn ra đầu tháng 4, lãnh đạo Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cũng đã khẳng định: Chưa tăng giá điện.
Hy vọng những khẳng định nói trên của nhà quản lý, cùng với những nỗ lực trong kiềm chế lạm phát của Chính phủ, sẽ không vì những tiếng kêu của một nhóm lợi ích mà "lung lay” để ảnh hưởng đến quyền lợi của cả một tập thể lớn – đó là người tiêu dùng
Quyết Thắng
Theo ĐĐK
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo