Thị trường

Sau dãn, giảm là... nợ thuế

Theo chỉ đạo của Bộ Tài chính, năm 2012 các cục thuế cần tập trung xử lý các khoản nợ đọng thuế; triển khai các biện pháp cưỡng chế nợ thuế để thu hồi nợ đọng và hạn chế phát sinh số nợ thuế mới.

Bởi hiện ngành thuế đã thu khoảng 67% số nợ thuế năm 2010 chuyển sang, với tổng số khoảng 18.039 tỉ đồng. Nhưng do tình hình kinh tế suy thoái, chính sách tín dụng thắt chặt... khiến sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn và phát sinh lỗ lớn. Vì vậy, các doanh nghiệp có xu hướng trây ỳ trong việc nộp thuế khiến số nợ đọng thuế tại các địa phương gia tăng.


Nợ thuế tăng ở tất cả các nhóm


Trong buổi tổng kết ngành thuế ngày 26/12, Cục Thuế tỉnh Bình Định cho biết, dự kiến nợ thuế tới ngày 31/12 là 209,92 tỉ đồng (trong đó, nợ khó thu là 41,1 tỉ đồng, nợ chờ xử lý là 30,5 tỉ đồng và nợ có khả năng thu là 138,28 tỉ đồng).

Cục cho biết, tổng cộng hiện có 38 đơn vị có số nợ thuế và tiền phạt trên 500 triệu đồng tính đến tháng 10/2011 theo báo cáo là 76,2 tỉ đồng. Đáng chú ý là số nợ năm qua tăng ở hầu hết các nhóm: Nhóm nợ khó thu tăng 14,7%, nhóm nợ chờ xử lý tăng 61,8%.
 

Cần có chính sách hỗ trợ các DN khó khăn trong việc nộp thuế.     Ảnh: TRẦN LÂM
Cần có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp khó khăn trong việc nộp thuế. Ảnh: TRẦN LÂM


Theo cục thuế này thì trong 10 tháng đầu năm nay, một số công trình XDCB bị cắt hạn mức vốn và dãn tiến độ ảnh hưởng tới nguồn vốn thanh toán làm cho khoản nợ thuế giá trị gia tăng tăng.

Ngoài ra có một số doanh nghiệp trước đây thực hiện kinh doanh xuất nhập khẩu nhưng nay chuyển sang sản xuất tiêu thụ nội địa nên phát sinh thuế giá trị gia tăng phải nộp lớn nhưng không có khả năng nộp đúng hạn, làm phát sinh số nợ thuế lớn: Công ty TNHH Thuận Tín: 6,1 tỉ đồng, Công ty TNHH Vũ Gia: 1,2 tỉ đồng, doanh nghiệp tư nhân Nguyễn Hoàng: 1,8 tỉ đồng...


Cục Thuế tỉnh Hải Dương cũng cho biết, tổng nợ lũy kế tính đến 30/11/2011 vẫn ở mức cao: Trên 496 tỉ đồng. Trong đó, nợ khó thu là 58,5 tỉ đồng. Cục Thuế Nam Định cũng cho biết, đến hết 31.10.2011, tổng nợ đọng thuế trên địa bàn toàn tỉnh đã vượt quá 200 tỉ đồng, chiếm hơn 10% tổng thu ngân sách của địa phương, trong khi ngưỡng quy định của Tổng cục Thuế là 4%.

Còn tại hai địa bàn lớn là TP. Hồ Chí Minh, số liệu cho thấy, đến nay có hơn 400 doanh nghiệp nợ thuế. Trong đó có bốn doanh nghiệp nợ thuế trên 10 tỉ đồng. Tại Hà Nội, từ đầu năm 2011, công tác thu nợ thuế và cưỡng chế nợ thuế được quán triệt nhưng đến nay, tổng số nợ thuế vẫn vượt qua ngưỡng 32.000 tỉ đồng, tăng 19,2% so với cùng kỳ năm 2010.


Kiến nghị không phạt doanh nghiệp nộp chậm


Cục Thuế Bình Định cho biết đã tiến hành phân loại nợ của những đơn vị có nợ trên 500 triệu đồng thành năm nhóm để báo cáo Ủy ban Nhân dân tỉnh và các ngành chức năng có biện pháp cưỡng chế, thu hồi. Biện pháp đầu tiên thực hiện cưỡng chế theo quy trình là trích tiền từ tài khoản của doanh nghiệp. Nhưng qua xác minh thông tin tại doanh nghiệp thời gian qua thì phần lớn tài khoản ngân hàng của các đơn vị khi thực hiện cưỡng chế đều bằng 0 hoặc còn số dư rất ít.


Nếu chuyển sang biện pháp kê khai tịch biên tài sản thì hầu hết tài sản đều thế chấp vay ngân hàng nên khó thực thi. Đối với biện pháp xử phạt nộp chậm là tính lãi với mức 0,05%/ngày, tương đương 18%/năm cũng tỏ ra thiếu hiệu quả. Bởi doanh nghiệp cho rằng, lãi suất này còn “dễ thở” hơn lãi suất đi vay ngân hàng nên giữ vốn lại để kinh doanh và nộp phạt thay vì nộp thuế ngay. Không kể, đối với những khoản nợ thuế phát sinh từ cách đây cả chục năm thì việc xác minh thông tin và hoàn thiện hồ sơ hết sức khó khăn do người nộp đã trốn, đã chết, mất tích...


Trước các biện pháp thu hồi nợ đọng thuế khá nan giải, Cục trưởng Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Đình Tấn kiến nghị, trong lúc kinh tế khó khăn, Chính phủ đã dãn, giảm thuế cho các doanh nghiệp phải nộp thuế năm 2011. Do đó, ông kiến nghị đối với những trường hợp thực sự khó khăn thì thời điểm này không tiến hành phạt nộp chậm, đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp cam kết nộp đúng hạn đã gia thêm.    

Theo LĐ

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo