Sau Metro sẽ thanh tra nhiều “ông lớn” khác
Đó là khẳng định của ông Nguyễn Đẩu, phó vụ trưởng Vụ Thanh tra - Tổng cục Thuế, sau khi cơ quan này công bố kết quả thanh tra Công ty TNHH Metro Cash & Carry VN (Metro).
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đẩu cho biết: “Doanh thu của Metro năm 2011 và 2012 khoảng 13.000 tỉ đồng/năm, đến năm 2013 giảm còn 10.000 tỉ đồng/năm. Họ công bố đưa hệ thống tiêu chuẩn của Đức vào nên an toàn vệ sinh thực phẩm đối với hàng hóa bán ở Metro phải đảm bảo.
Những hàng hóa gần hết hạn sử dụng được hủy hàng loạt với chi phí chiếm đến 1,15% doanh thu (tức trên 1.000 tỉ đồng/năm). Chi phí an ninh khoảng 0,3% doanh thu (tức trên 30 tỉ đồng/năm)...
Tuy nhiên, Metro chỉ chấp nhận kết luận thanh tra khi không thể trưng ra được các bằng chứng cần thiết... Với những sai phạm đã được kết luận, Metro VN bị phạt 10% tổng số tiền thuế kê khai sai, tương đương 5 tỉ đồng, nâng tổng số tiền doanh nghiệp này sẽ phải nộp vào ngân sách là 62 tỉ đồng”.
* Ngoài việc “kê” các chi phí, Metro còn trả cho công ty ở Đức số tiền rất lớn, chẳng hạn như chi trả hộ "công ty mẹ" tiền chuyên gia Đức sang VN?
- Công ty Metro có “công ty mẹ” là Metro Cash & Carry GmbH (tại Đức). Nhưng công ty đầu tư vào VN là Metro ở Hà Lan, có thể hiểu là “công ty con”. Metro ở VN chỉ là “công ty cháu”. Metro VN đã ký hợp đồng với Metro Đức để cung cấp chuyên gia cho mình. Bằng hợp đồng đó, Metro VN phải trả lương, thưởng, phụ cấp cho ban giám đốc và chuyên gia nước ngoài (khoảng 699 tỉ đồng).
* Có phải đây là chiêu để Metro VN giảm doanh thu, lợi nhuận nhằm tránh thuế ở VN hay không?
- Theo quy định, nếu có hợp đồng Metro VN có thể trả lương cho chuyên gia. Nhưng lẽ ra Metro phải trả trực tiếp cho các chuyên gia, cá nhân đó. Câu hỏi đặt ra là tại sao Metro VN lại chuyển về cho Metro Đức rồi Metro Đức mới trả cho các chuyên gia? Chúng tôi đã đặt vấn đề vậy có phải Metro Đức đã làm dịch vụ quản lý? Có hay không việc Metro Đức nhận hai đồng nhưng chỉ trả một đồng thôi?
Lúc đầu phía Metro kiên quyết khẳng định "công ty mẹ" Metro không “làm dịch vụ”. Tuy nhiên, khi yêu cầu họ chứng minh là đã trả cho chuyên gia bằng đúng số tiền mà Metro VN trả cho Metro Đức, Metro không chứng minh được. Vì thu nhập đó phát sinh ở VN nên Tổng cục Thuế quyết định thu thuế nhà thầu với khoản trả lương, thưởng, phụ cấp chuyên gia (669 tỉ đồng), được 62 tỉ đồng.
* Metro VN đã “kê” chi phí nhượng quyền thương mại cho công ty của Đức tới 731 tỉ đồng. Đã có yếu tố gian lận khi cơ quan thuế phát hiện khoản chênh lệch giữa số Metro VN chi và số Metro Đức nhận?
- Theo quy định của VN (nghị định 35/2006), chỉ cần các công ty hạch toán độc lập là có thể nhượng quyền thương mại cho nhau mà không hạn chế việc công ty mẹ nhượng quyền thương mại cho công ty con.
Nhưng muốn được chấp nhận việc nhượng quyền thương mại, doanh nghiệp phải đăng ký với Bộ Công thương. Trong những năm từ 2006-2009 Metro VN chưa đăng ký. Dù khẳng định đã đăng ký với Bộ Công thương nhưng Metro VN không xuất trình được nên cơ quan thuế đã yêu cầu loại ra khỏi chi phí hợp lệ 245 tỉ đồng tiền nhượng quyền thương mại.
Thật ra, công ty mẹ đã sở hữu 100% vốn của công ty con ít khi tính phí nhượng quyền thương mại. Nhưng trong cơ chế thị trường, các doanh nghiệp có thể vận dụng kẽ hở chính sách để tối đa hóa lợi nhuận.
Cho nên chi phí nhượng quyền thương mại, chi phí chuyên gia, lãi vay... đều được Metro VN tính toán để đưa vào hết. Ngoài ra khi xem xét chi phí nhượng quyền thương mại năm 2012 - 2013, Metro VN đã chi trả cho Metro Đức một khoản tiền, nhưng khi kiểm tra doanh thu của Metro Đức chúng tôi thấy chi phí của Metro Đức thấp hơn khoản Metro VN kê vào chi phí 7,5 tỉ đồng nên đã yêu cầu loại khỏi chi phí khoản 7,5 tỉ đồng.
* Với kết quả thanh tra như trên, cơ quan thuế đã có thể kết luận Metro chuyển giá?
- Sai phạm về chuyển giá của Metro VN là đúng vì chuyển giá có nhiều hình thức. Thứ nhất là Metro VN đã chuyển tiền ra nước ngoài bằng dịch vụ như trả lương. Thứ hai là Metro VN đã có hình thức trả phí nhượng quyền thương mại cho phía công ty mẹ ở Đức trong khi theo tìm hiểu, ngay quy định của Đức cũng không cho chuyện công ty mẹ nhượng quyền thương mại cho công ty con.
* Qua thanh tra Metro, cơ quan thuế rút ra kinh nghiệm gì từ việc thanh tra các doanh nghiệp trong thời gian tới? Giải pháp lâu dài thế nào để hạn chế được doanh nghiệp chuyển giá?
- Chúng tôi làm cái này tương đối nhiều và cũng có kinh nghiệm. Đó là phải hiểu mô hình kinh doanh của doanh nghiệp rất kỹ rồi xem xét chủ đầu tư đứng tên ở đâu. Chẳng hạn, một doanh nghiệp ở các “thiên đường thuế” như Hà Lan thì dễ “có vấn đề”.
Một khi các doanh nghiệp từ “thiên đường thuế” vào VN thường có ý đồ cả. Tổng cục Thuế đã có bộ phận thu thập dữ liệu của các doanh nghiệp nên thông tin từ các doanh nghiệp liên kết, các doanh nghiệp đến từ “thiên đường thuế” cũng được quan tâm.
Đặc biệt, theo tôi, quy định về phí nhượng quyền thương mại hiện có bất cập và Tổng cục Thuế dự kiến đề xuất sửa quy định trên. Không có lý gì công ty mẹ sở hữu 100% vốn của công ty con nhưng vẫn tính phí nhượng quyền thương mại.
Nếu có, chúng ta cũng nên khống chế tỉ lệ tối đa trên doanh thu hoặc chi phí mà doanh nghiệp được trả cho việc nhượng quyền thương mại. Chứ như hiện nay họ ký với nhau bao nhiêu thì được thoải mái chi trả.
* Ngoài Metro, kế hoạch thanh tra tới đây có tập trung vào các doanh nghiệp “bị nghi vấn” khác không, thưa ông?
- Để vào một doanh nghiệp nào, nhất là các doanh nghiệp lớn, chúng tôi phải chuẩn bị. Không làm thì thôi, làm thì phải tới nơi tới chốn. Cũng nói thật là chúng tôi đang thu thập tài liệu, kể cả tài liệu nước ngoài, chỉ cần có căn cứ là cơ quan thuế sẽ vào ngay các “ông lớn”. Điểm ngắm sắp tới là các doanh nghiệp nằm trong diện nghi vấn chuyển giá khác.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Dược Lâm Đồng LDP liên tiếp bị xử phạt
Sức hút từ condotel và chung cư cao cấp
Thực hành kinh doanh có trách nhiệm còn nhiều thách thức
Châu Á - Thái Bình Dương sẽ cần 19.500 máy bay mới vào năm 2043
FPT ra mắt nhà máy trí tuệ nhân tạo tại Nhật Bản
Sẽ áp dụng quy định mới về lãi suất tiền gửi từ ngày 20/11