Thị trường

Sau nhiều năm thua lỗ, giá cá tra tăng cao kỷ lục

Sau nhiều năm thua lỗ, hiện nay giá cá tra đạt mức từ 28.000-29.000 đồng/kg, tăng từ 6.000-7.000 đồng/kg so với năm 2016 và tăng khoảng 2.000 đồng/kg so với tháng trước giúp người nuôi lãi đậm.

Theo Bộ NN&PTNT, diện tích nuôi cá tra của các tỉnh, thành ĐBSCL 10 tháng năm 2017 đạt 5.410,3ha, giảm 0,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Sản lượng thu hoạch đạt hơn 1,1 triệu tấn (tăng 11,2%). 

Trong đó, các tỉnh có diện tích và sản lượng cá tra lớn vẫn phát triển nuôi mạnh là Đồng Tháp với sản lượng 412.400 tấn, tăng 26,9% so với cùng kỳ; tiếp đó là TP Cần Thơ với sản lượng đạt 152.900 tấn.

Theo ông Nguyễn Tấn Phong, Giám đốc HTX Thuỷ sản Đại Thắng (Hậu Giang), HTX chuẩn bị xuất bán 200 tấn cá tra với giá 28.500 đồng/kg. “Giá thành sản xuất cá tra chỉ khoảng 22.000 đồng/kg, đây là mức giá cao nhất trong nhiều năm qua làm nhiều xã viên rất phấn khởi”, báo CAND dẫn lời ông Phong nói.

Sở NN-PTNT các tỉnh ĐBSCL cũng tiết lộ, cá tra có trọng lượng từ 0,8- 0,9 kg/con được thương lái thu mua với giá từ 27.000- 28.000 đồng/kg, đây là mức giá rất cao đảm bảo cho người nuôi có lãi khoảng 4.000- 6.000 đồng/kg. Tuy nhiên, số lượng người nuôi có cá để bán hiện nay không nhiều, do thời gian trước nhiều hộ bị thua lỗ nên dè dặt trong việc đầu tư.

Sau nhiều năm thua lỗ, giá cá tra tăng cao kỷ lục. Ảnh: CafeF

Các doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu nhận định, từ nay đến cuối năm 2017, nhu cầu nhập khẩu cá tra trên thị trường quốc tế tăng lên nhằm phục vụ cho dịp Giáng sinh và Tết Dương lịch 2018; vì vậy việc xuất khẩu sẽ thuận lợi và giá duy trì mức cao. Tuy nhiên, người dân cần thận trọng không nên tự ý mở rộng diện tích ào ạt, nhằm tránh nguy cơ thừa nguyên liệu – dẫn tới rớt giá.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, XK cá tra Việt Nam sang Trung Quốc có kim ngạch tăng đều từ năm 2010 - 2016. Cụ thể, năm 2011 đạt 56 triệu USD, chiếm tỷ trọng 3,1%. Năm 2015, đạt 162 triệu USD, chiếm tỷ trọng 10,3%. Năm 2016, đạt 305 triệu USD, chiếm tỷ trọng 17,8% và 8 tháng đầu năm 2017 đạt 247 triệu USD, chiếm 21,3%, đứng đầu trong tỷ trọng XK cá tra Việt Nam.

Ông Dương Nghĩa Quốc - Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam - cho hay, XK cá tra sang thị trường Trung Quốc tăng tới 44% trong 9 tháng qua. Xét về lợi thế, Trung Quốc có thuận lợi về địa lý là gần Việt Nam, vận chuyển XK thuận lợi, khẩu vị và yêu cầu của thị trường này cũng tương đối phù hợp với điều kiện nước ta. Hiện nay, ngoài các tỉnh duyên hải Trung Quốc ở phía Đông, các doanh nghiệp (DN) đã tiếp thị, quảng cáo sản phẩm cá tra Việt Nam sang tỉnh Tứ Xuyên, Tây Bắc của Trung Quốc, được người dân ở đây rất ưa chuộng. Điều này hứa hẹn thị trường Trung Quốc sẽ tiếp tục rộng mở trong thời gian tới. 

Đồng quan điểm, ông Võ Văn Phong - Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần XNK Thủy sản An Giang - cho biết: Trong bối cảnh thị trường Hoa Kỳ vướng rào cản về chất lượng; tại thị trường châu Âu, cá tra Việt không thuận lợi, thì thị trường Trung Quốc được xem là "điểm sáng" trong XK cá tra Việt thời gian qua.

Theo tin tức trên báo Công thương, mặc dù là thị trường NK cá tra lớn nhất của Việt Nam nhưng theo các chuyên gia, Trung Quốc luôn là thị trường XK tiềm ẩn nhiều rủi ro. Để XK vào thị trường này được bền vững, ông Dương Nghĩa Quốc cho rằng, trước tiên, DN phải bảo đảm chất lượng, kể cả xuất chính ngạch hay tiểu ngạch. 

 

Bên cạnh đó, các DN cần liên kết tốt với các nhà phân phối uy tín ở Trung Quốc, đồng thời đưa ra các phương thức thanh toán phù hợp, hạn chế rủi ro. Để tránh rủi ro XK cá tra vào thị trường Trung Quốc, cần có sự liên kết chặt chẽ giữa cơ quan quản lý, DN và nông dân trong việc điều tiết thị trường, XK, diện tích thả nuôi nhằm có sản lượng ở mức độ phù hợp. 

Nên đọc
Trung Hùng (Tổng hợp)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo