Sau rà soát, mức đầu tư của sân bay Long Thành giảm hơn 33%
Đây là thông tin được công bố sáng nay 26.2, tại phiên họp thứ 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chủ trương đầu tư xây dựng dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu, Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng việc đầu tư xây dựng Cảng HKQT Long Thành là cần thiết, song đề nghị rà soát, tính toán lại diện tích của Dự án xem có cần thiết sử dụng đến 5.000 ha đất, vì một phần lớn diện tích không liên quan trực tiếp đến Dự án là 2.250 ha. Có ý kiến đề nghị tách khu dành cho quân sự và khu công nghiệp hàng không ra khỏi phạm vi Dự án.
Liên quan đến tổng mức đầu tư, phương án huy động vốn, phân kỳ đầu tư, báo cáo của Ủy ban Kinh tế cho biết, sau khi tiến hành rà soát lại đơn giá và mức đầu tư, Chính phủ báo cáo tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của Dự án giảm khoảng 2,6 tỉ USD so với dự toán trình Quốc hội. Theo đó, cơ cấu vốn là: ODA 1,389 tỉ USD (chiếm 26,53%), vốn ngân sách nhà nước 578,3 triệu USD (chiếm 11,05%), vốn doanh nghiệp, cổ phần, PPP... 3,268 tỉ USD (62,42%).
Trước đó, nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ có giải trình thêm về tính khả thi trong các phương án huy động vốn vì phương án huy động vốn Chính phủ đưa ra là chưa thuyết phục. Có ý kiến cho rằng suất đầu tư của Dự án cao hơn so với suất đầu tư trung bình của các cảng HKQT các nước trong khu vực.
Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị tiếp tục rà soát, bảo đảm tính chính xác của tổng vốn đầu tư của toàn bộ Dự án (3 giai đoạn), tránh phát sinh lớn chi phí đầu tư khi thực hiện; có phương án huy động vốn khả thi trên cơ sở cân đối ngân sách nhà nước và vấn đề nợ công. Chỉ sử dụng vốn ngân sách Nhà nước vào những hạng mục đầu tư không thể huy động vốn từ doanh nghiệp.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển đề nghị cần tiếp tục làm rõ nhiều vấn đề trước khi báo cáo Quốc hội dự án này.
Về sự cần thiết của dự án, ông Hiển phân tích: theo ý kiến của chuyên gia, Cảng HKQT Long Thành khi đưa vào sử dụng chỉ có thể làm trung chuyển cho 3 nước là Indonesia, Philippines, Australia. Tuy nhiên, 2 nước Indonesia, Philippines lại rất gần Long Thành nên khó có thể khai thác chức năng trung chuyển, như vậy, Cảng HKQT Long Thành chỉ có thể trung chuyển cho Australia. “Vậy mục tiêu đặt ra trung chuyển là câu hỏi cần đặt ra. Về nội địa chỉ 20%. Vậy có được 100 triệu hành khách như dự kiến hay không? Đó là câu hỏi cho sự cần thiết hay không cần thiết?”, ông Hiển nêu quan điểm.
Cũng theo ông Hiển, trong điều kiện vốn khó khăn, mặc dù giao thông luôn được Quốc hội ưu tiên nhưng trong ngành cũng cần có sự ưu tiên. “Đường bộ cao tốc Bắc Nam cũng mới chỉ được một số đoạn, mà không hoàn thành tuyến đường này thì khó nói chuyện công nghiệp hóa, hiện đại hóa; hệ thống đường sắt hàng trăm năm cũ kĩ có đầu tư không, rồi các tuyến khác... Sự ưu tiên như thế nào, cần làm ngay hay để sau phải tính”, ông Hiển gợi mở thêm.
Về cơ chế tài chính, ông Hiển cho rằng, xét đến cùng tiền bỏ ra cho dự án này phần lớn cũng là ngân sách. “Xin các đồng chí nhớ là ODA cũng là đi vay, PPP cũng là vốn ngân sách. Ở đây giai đoạn một hơn 100 nghìn tỉ thì cộng sơ sơ ngân sách đã là 40.000 tỉ, chưa kể 60.000 tỉ còn lại phần ngân sách chưa làm rõ. Nếu tính cả ba giai đoạn thì ngân sách là bao nhiêu?”, ông Hiển đặt vấn đề, và nhấn mạnh: "Không chỉ dự án này mà Việt Nam còn nhiều khoản vay cũng như dự án lớn khác, chẳng hạn dự án điện hạt nhân. Vì vậy, phải xem xét dự án này ảnh hưởng như thế nào đến nợ công trong tầm nhìn dài hạn".
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Công bố bộ quy tắc đạo đức, ứng xử nghề nghiệp môi giới bất động sản
Đề xuất cho doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu có tỷ trọng tiêu thụ thấp
Vĩnh Phúc nỗ lực 'xanh' hoá để phát triển bền vững
Bất động sản miền Trung khởi sắc: Đà Nẵng, Quảng Bình dẫn đầu xu hướng tăng trưởng
Thủ tướng: Can thiệp vào hoạt động doanh nghiệp nhà nước sẽ làm méo mó thị trường, cản trở phát triển