Sau Tết, nhiều trẻ nhập viện do tiêu chảy
Thống kê của khoa Nhi, Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi, từ mùng 4 Tết đến nay, có khoảng 150 trẻ em (chủ yếu từ 15 tháng đến 3 tuổi) mắc bệnh tiêu chảy đến khám, điều trị, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Hầu hết trẻ mắc bệnh này nhập viện trong tình trạng sốt cao, nôn ói và đi cầu lỏng liên tục.
Bác sĩ Trà Thị Thanh Vân, Phó khoa Nhi, Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi, lý giải, trẻ mắc bệnh tiêu chảy tăng đột biến sau Tết là do tình hình an toàn vệ sinh thực phẩm trong những ngày Tết không đảm bảo, trẻ không được gia đình kiểm soát việc ăn uống hàng ngày.
Trong khi đó, tại Bình Định, do thời tiết lạnh kéo dài cùng với việc ăn uống trong dịp Tết vừa qua không đảm bảo, nên từ đầu tháng 2 đến nay hơn 100 trẻ mắc bệnh tiêu chảy, bệnh về hô hấp phải nhập viện. Bác sĩ Nguyễn Khánh Toàn, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện đa khoa Bình Định cho biết, từ trước Tết đến nay, bệnh nhi nhập viện tăng cao so với cùng kỳ năm trước khoảng 20%.
Theo các bác sĩ, bệnh tiêu chảy nếu không được theo dõi sát và điều trị đúng cách sẽ dẫn đến tình trạng trẻ mất nước nặng, dễ gây tử vong. Trẻ mắc bệnh có triệu chứng đi phân lỏng trên 3 lần/ngày, kèm sốt, đau bụng, nôn ói nhiều lần. Khi phát hiện, phụ huynh cần đưa trẻ đến cơ sở y tế khám và điều trị theo đúng quy định.
Nhằm ngăn ngừa bệnh, phụ huynh cần cho trẻ ăn dặm, nuôi con bằng sữa mẹ, vệ sinh môi trường và thân thể sạch sẽ, xử lý phân an toàn, đúng cách, cách ly với nguồn bệnh. Bên cạnh đó, cần bù nước cho trẻ bằng cách cho uống nước hay dung dịch Oresol, không được sử dụng kháng sinh bừa bãi ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo thêm, muốn tránh tình trạng trẻ bị mất nước, các bà mẹ nên cho trẻ uống thêm nước đun sôi để nguội, nước khoáng, nước dừa tươi. Tránh cho trẻ dùng các loại nước giải khát công nghiệp có nhiều đường, quá ngọt. Cần cho trẻ ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng phù hợp lứa tuổi và chia nhỏ bữa ăn, đút chậm bằng muỗng để tránh nôn ói.
Tuyệt đối không cho trẻ uống những loại thuốc cầm tiêu chảy vì nó làm giảm nhu động ruột, liệt ruột khiến phân không được thải ra ngoài. Khi trẻ vẫn bị tiêu chảy mà phân không bài xuất ra ngoài được, ứ lại trong ruột gây trướng bụng, viêm ruột, thậm chí làm tắc, thủng ruột, tử vong.
End of content
Không có tin nào tiếp theo