SCIC sẽ bỏ vốn vào đâu?
Theo đề án tái cơ cấu SCIC đến năm 2015 vừa được Thủ tướng phê duyệt, ngoài việc nắm giữ vốn dài hạn tại bốn doanh nghiệp, SCIC sẽ thoái vốn tại 376 công ty cổ phần. Để thực hiện điều này, SCIC sẽ xây dựng tiêu chí phân nhóm doanh nghiệp, phương án tái cơ cấu và kế hoạch bán vốn hằng năm để đảm bảo danh mục đầu tư vốn đến năm 2015 còn không quá 100 doanh nghiệp. Tuy nhiên đến nay, phần lớn trong số 100 doanh nghiệp này vẫn còn trong vòng bí mật.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Đức Tặng, chuyên gia tư vấn về tài chính doanh nghiệp, cho rằng việc SCIC tiếp tục đầu tư dài hạn vào bốn doanh nghiệp, trong đó có Sữa VN (Vinamilk), là phương án có thể chấp nhận được trong lúc nguồn vốn đang dư dả. Với việc nắm giữ 45,05% vốn cổ phần Vinamilk, hằng năm SCIC nhận về một khoản cổ tức khá lớn. Chỉ tính trong chín tháng năm nay, SCIC đã nhận cổ tức từ Vinamilk số tiền gần 1.428 tỉ đồng, tăng 42,5% so với cổ tức nhận được cùng kỳ năm 2012
“Nhà nước cũng là một nhà đầu tư, do vậy nếu rút vốn khỏi SCIC mà mang tiền gửi vào ngân hàng lấy lãi sẽ rất lãng phí. Còn về lâu dài, SCIC không nên đầu tư vào một doanh nghiệp nào đó (Vinamilk chẳng hạn) chỉ nhắm mục đích nhận được nhiều cổ tức, bởi chủ trương đã khẳng định Nhà nước chỉ đầu tư vào các lĩnh vực trọng yếu, then chốt của nền kinh tế và Nhà nước chỉ làm những gì mà tư nhân không làm được” - ông Tặng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, ông Tặng cho rằng điều băn khoăn là không biết sắp tới SCIC sẽ đầu tư vào ngành, nghề, lĩnh vực nào? Nếu đầu tư vào các chuyên ngành mà các tập đoàn, tổng công ty 100% vốn nhà nước thì không có ý nghĩa nhiều lắm. Bởi lẽ SCIC đầu tư vào Tập đoàn Điện lực VN (EVN) hay Tập đoàn Dầu khí (PVN) theo diện góp vốn thì cũng không có gì khác với bản thân EVN hay PVN đầu tư cả, do đều là nguồn vốn nhà nước.
Theo ông Tặng, SCIC chỉ đầu tư vào 100 doanh nghiệp thay vì vốn dàn trải tại hơn 400 doanh nghiệp như hiện nay là rất cần thiết. Tuy nhiên, cần phải xem xét kỹ đầu tư vào ngành nghề lĩnh vực nào cho thật sự hiệu quả, đồng thời không chồng lấn sang các lĩnh vực mà khu vực kinh tế tư nhân có thể làm tốt. Giả sử EVN cổ phần hóa, Nhà nước chỉ nắm một phần vốn ở đó và giao cho SCIC tham gia thì xem như chấp nhận được.
Ông Phạm Đình Soạn - nguyên cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) - cho rằng để quản lý nguồn vốn nhà nước hiệu quả hơn, SCIC nên rút khỏi những doanh nghiệp mà vốn nhà nước chiếm dưới 50% cổ phần, không phân biệt lĩnh vực đầu tư. Theo các chuyên gia, với việc Chính phủ cho phép SCIC được thoái vốn dưới mệnh giá đối với doanh nghiệp làm ăn thua lỗ (nghị định 151), việc thoái vốn tại các doanh nghiệp sẽ thuận lợi hơn.
Ông Trần Tiến Cường, chuyên gia về đổi mới và phát triển doanh nghiệp, cho rằng trong số 376 doanh nghiệp mà SCIC sẽ thoái vốn từ nay đến năm 2015, có không ít doanh nghiệp phải bán dưới mệnh giá. Tuy nhiên theo ông Cường, Bộ Tài chính cũng nên có hướng dẫn cụ thể về cách thức đấu giá khi đưa ra bán dưới mệnh giá, tránh trường hợp bán tống bán tháo doanh nghiệp.
End of content
Không có tin nào tiếp theo