Sẽ có 2 gói vay mới không giới hạn quy mô thay gói 30 nghìn tỷ đồng
Theo đó, trả lời báo giới, ông Nguyễn Trần Nam - Chủ tịch hiệp hội bất động sản Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, gói 30.000 tỷ đồng sẽ chấm dứt từ 1/6/2016. Thời điểm này được coi là chấm dứt bởi do các hợp đồng đã ký vượt quá số tiền 30.000 tỷ đồng.
Theo ông Nam, gói 30000 tỷ bản chất là gói hỗ trợ cho người nghèo, người thu nhập thấp vay nhà, điều này đã được đưa vào Luật Nhà ở với quy định cụ thể.
Theo đó, các ngân hàng trực thuộc hệ thống Ngân hàng Nhà nước phải dành 3% dư nợ cho vay để cho người nghèo, người thu nhập thấp vay mua nhà ở xã hội với lãi suất thấp bằng 50% lãi suất trên thị trường. Trên tổng dư nợ của các ngân hàng trực thuộc Ngân hàng Nhà nước vào khoảng 1 triệu tỷ, nghĩa là vẫn dành ra 30.000 tỷ để cho vay với lãi suất bằng một nửa lãi suất trên thị trường.
Trên thực tế, có 4 ngân hàng đã thực hiện điều luật này là Vietinbank, Agribank, Vietcombank và BIDV và đã có thông tư 25 đã hướng dẫn. Ngoài ra, trong luật quy định, triển khai cho vay hộ nghèo mua nhà ở xã hội thì 50% lấy từ nguồn ngân sách cấp.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng khẳng định sẽ có hai gói cho vay mua nhà không giới hạn quy mô và mãi mãi. “Sắp tới, Hiệp hội sẽ có những kiến nghị cho các ngân hàng duy trì và đẩy nhanh tiến độ gói này”, ông Nam nhấn mạnh.
Theo ông Nam, hiện nay, rất nhiều ngân hàng sẵn sàng cho vay với sự hỗ trợ của chủ đầu tư với lãi suất 0% trong 3-4 năm. Thực tế, các ngân hàng rất thích cho vay bất động sản bởi có tài sản thế chấp, tính thanh khoản cao.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, kể từ khi triển khai gói 30.000 tỷ (2013) đến 10/3/2016, các ngân hàng đã ký hợp đồng cam kết cho vay là 30.122 tỷ đồng đối với 46.246 khách hàng, đã giải ngân 21.321 tỷ đồng (đạt 71,07%).
Theo báo cáo của các NHTM, đến 10/3/2016, đa số các khoản hỗ trợ đối với khách hàng cá nhân là các khoản hỗ trợ mua nhà ở thương mại (chiếm 67,46% doanh số cho vay đối với khách hàng cá nhân để thuê hoặc sở hữu nhà ở, các khoản hỗ trợ nhà ở xã hội chỉ chiếm 32,54%).
Theo tính toán của Ngân hàng Nhà nước, đến 01/6/2016 (thời điểm kết thúc chương trình cho vay) thì tỷ lệ giải ngân dự kiến sẽ đạt từ 90-100% số tiền đã cam kết.
Được biết, gói 30.000 tỷ đồng có sự tham gia của19 ngân hàng thương mại gồm: Ngân hàng Nông nghiệp (Agribank), Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngoại thương (Vietcombank), Công Thương (VietinBank), Đại chúng (PVcomBank), Xuất nhập khẩu (Eximbank), Sài Gòn Hà Nội (SHB), Tiên Phong (TPBank), Sài Gòn (SCB), Nam Á, Đông Nam Á (SeaBank), Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), Phương Đông (OCB), Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank), Việt Nam Thương Tín (VietBank), Quốc tế (VIB), Quốc dân (NCB), Bảo Việt (BaoVietBank) và Á Châu (ACB).
End of content
Không có tin nào tiếp theo