Sẽ công khai tên công chức gây lãng phí ngân sách, buộc bồi thường
Tới đây, cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong cơ quan, tổ chức sử dụng ngân sách nhà nước để xảy ra lãng phí sẽ phải có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại.
Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vừa mới được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký ban hành dành một mục riêng quy định về bồi thường thiệt hại trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Theo đó, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc trong cơ quan, tổ chức sử dụng ngân sách nhà nước có hành vi vi phạm, không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các quy định của Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và người đứng đầu doanh nghiệp nhà nước có hành vi vi phạm, không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định tại Điều 61, 62 Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, để xảy ra lãng phí, gây thiệt hại phải có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại.
Về kết quả xử lý hành vi lãng phí, phải công khai đầy đủ tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức có hành vi lãng phí cũng như biện pháp đã xử lý đối với người có hành vi lãng phí. Bên cạnh đó, Nghị định cũng quy định trách nhiệm xử lý thông tin phát hiện lãng phí.
Theo đó, khi nhận được thông tin phát hiện lãng phí thuộc thẩm quyền giải quyết, người đứng đầu cơ quan, tổ chức nơi nhận được thông tin có trách nhiệm chỉ đạo kiểm tra, xác minh, làm rõ thông tin, hành vi lãng phí và thiệt hại do hành vi lãng phí gây ra (nếu có).
Trường hợp không thuộc thẩm quyền giải quyết thì trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông tin phát hiện lãng phí phải chuyển đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền để xác minh, xử lý.
Nghị định cũng quy định thời hạn xử lý không quá 90 ngày kể từ ngày nhận được thông tin phát hiện lãng phí; trường hợp cần thiết có thể gia hạn xử lý thông tin một lần nhưng không quá 30 ngày, đối với nội dung phức tạp thì không quá 60 ngày.
Theo Infonet
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo