Sẽ lập các ngân hàng tầm cỡ khu vực
“Năm 2012, Ngân hàng nhà nước (NHNN) quyết tâm xử lý dứt điểm ngân hàng yếu kém. Riêng đến hết tháng 3 sẽ dứt điểm thanh khoản của các tổ chức tín dụng yếu. Việc sáp nhập, hợp nhất sẽ tiến hành tiếp trong năm 2013 trên tinh thần tự nguyện. Hai năm tiếp theo, mục tiêu sẽ hình thành ít nhất vài ngân hàng tầm cỡ khu vực.
Một ngân hàng tầm cỡ khu vực có tổng tài sản trung bình khoảng 50 tỉ USD. Trong khi đó, ngân hàng lớn nhất VN hiện là Agribank với tổng tài sản khoảng 25 tỉ USD” - Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình phát biểu như vậy tại buổi tọa đàm Cơ cấu lại nền kinh tế do Bộ Tài chính và NHNN tổ chức ngày 16-12.
Ngân hàng lớn phải gánh vác ngân hàng nhỏ
Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho rằng muốn tái cơ cấu kinh tế, trước hết phải tái cơ cấu hệ thống tài chính, nhất là ngân hàng. Tái cơ cấu trong hệ thống ngân hàng sẽ tác động đến thị trường, khiến nảy sinh các nhóm lợi ích. Vì thế, cân bằng được lợi ích các bên là việc rất khó. Hiện nay chỉ có 48% thị phần các tổ chức tín dụng thuộc về các ngân hàng quốc doanh, còn lại 52% không thuộc Nhà nước và bắt buộc các ngân hàng không thuộc Nhà nước tái cấu trúc không hề dễ dàng.
Thống đốc khẳng định trong quá trình tái cấu trúc, một DN yếu kém có thể rút, nếu cần có thể cho phá sản nhưng nguyên tắc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng là “đánh chuột không để vỡ bình”, tức là không được phép để bất cứ ngân hàng nào phá sản, không để đổ vỡ hệ thống. Theo đó, ngân hàng lớn, mạnh phải gánh vác ngân hàng nhỏ.
Giao dịch tại ngân hàng Agribank. Ảnh: Minh Châu
Trong năm năm tới, các ngân hàng tăng trưởng tín dụng trung bình 10%-15%, rất khó để đạt tăng trưởng gấp đôi. Việc ngân hàng lớn mua lại những ngân hàng nhỏ thì các ngân hàng lớn hơn sẽ gia tăng được mạng lưới, chi nhánh, thêm khả năng cạnh tranh. Bên cạnh đó, giải quyết nợ xấu của các ngân hàng cũng là vấn đề trọng tâm, cấp thiết.
Nguy cơ mất cân đối tài chính ở DNNN
“Chi phí tái cấu trúc DNNN có thể phát sinh lớn, là gánh nặng với nền kinh tế, nhiều khả năng tăng thêm nợ công” - đó là nhận định của Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ. Thẳng thắn nhìn nhận những yếu kém của DNNN, ông Huệ đánh giá hiệu quả kinh tế và sức cạnh tranh của các DN này còn yếu mặc dù có nhiều lợi thế về nguồn lực. Ông Huệ lấy dẫn chứng, trong năm 2009, để tạo ra một đồng doanh thu, DNNN phải sử dụng tới 2,2 đồng vốn, trong khi đó DN ngoài quốc doanh chỉ cần 1,2 đồng và DN FDI là 1,3 đồng vốn. Trong khi so với mức trung bình chung của các DN VN là 1,5 đồng.
Ông Huệ cho biết năm 2010, tỉ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty mới chỉ đạt 16,5%. Trong 10 năm qua, con số này trên tổng nguồn vốn của khu vực DNNN chưa năm nào vượt quá 6%, trong khi các DN FDI luôn duy trì ở trên mức trên dưới 10%. “Thực trạng tài chính tại một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước rất yếu kém, thua lỗ kéo dài, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro mất cân đối tài chính” - ông Huệ nói.
Mổ xẻ nguyên nhân, ông Huệ cho rằng sở dĩ có sự yếu kém đó là do sự chậm chạp trong nhận thức về đổi mới, hạn chế về lựa chọn, xây dựng, chiến lược, mô hình, cơ chế chính sách cho phát triển DN nói chung và DNNN nói riêng. Bên cạnh đó, các đơn vị này đầu tư vào những ngành, lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro, phụ thuộc nhiều vào vốn vay; hay tình trạng độc quyền hoặc thống lĩnh thị trường trong một số lĩnh vực làm hạn chế động lực cạnh tranh và phát triển.
Bộ trưởng Vương Đình Huệ lưu ý, xét về mặt kinh tế, chi phí cho DNNN bao gồm các khoản nợ phải thu khó đòi, khoản lỗ, chi giải quyết việc làm người lao động, cấp vốn cho các định chế tài chính trung gian có thể phát sinh lớn, ước tính hàng chục tỉ đồng. “Đây sẽ là gánh nặng đối với nền kinh tế, nhiều khả năng làm tăng thêm nợ công nếu không có phương án xử lý tốt” - ông Huệ nói.
Năm nhóm giải pháp cho DNNN
- Sắp xếp các DNNN hiện có thành các nhóm DN và có giải pháp cụ thể như nhóm 100% vốn nhà nước, trên 75% vốn thuộc sở hữu nhà nước...
- Thực hiện nhất quán cổ phần hóa DNNN theo hướng giảm tỉ lệ sở hữu tại các DN, thu hút đầu tư chiến lược và có giải pháp đồng bộ phát triển thị trường chứng khoán và mua bán nợ.
- Điều chỉnh, xây dựng mô hình chiến lược phát triển cơ cấu lại vốn, phù hợp với từng DNNN, chấm dứt tình trạng đầu tư ngoài ngành.
- Đổi mới, tăng cường quản lý giám sát nhà nước đối với DNNN.
- Sắp xếp, tái cấu trúc căn bản các công ty nông, lâm nghiệp. Trong năm nay phải xây dựng xong đề án tái cấu trúc DNNN, không thể chậm trễ hơn.
Bộ trưởng Tài chính VƯƠNG ĐÌNH HUỆ
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 24/1/2025: Tiếp tục tăng
Giá nông sản ngày 24/1/2025: Cà phê và hồ tiêu tiếp tục tăng mạnh
TP Hồ Chí Minh: Gần 1.000 sản phẩm OCOP quy tụ tại phiên chợ 'Tết xanh - Quà Việt'
Tỷ giá hôm nay 24/1: Giá ngoại tệ ghi nhận xu hướng trái ngược
Một mặt hàng xuất sang Philippines tăng mạnh, đạt 2,6 tỷ USD
Lợi nhuận trước thuế FPT Retail vượt kế hoạch năm 2024