Tin tức - Sự kiện

Sẽ sản xuất được vé xe buýt điện tử vào năm 2015?

Thẻ vé xe buýt thông minh, một loại thẻ có gắn chíp điện tử vừa được áp dụng thử nghiệm trên tuyến xe buýt 06 Giáp Bát – Cầu Giẽ tại Hà Nội vào đầu tháng 10 vừa qua nhằm mục đích làm tăng hiệu quả hoạt động của xe buýt và sự tiện lợi cho hành khách.

Chương trình này là một hợp phần của Dự án Cải thiện Giao thông Công cộng tại Hà Nội được thực hiện từ tháng 7/2011 do JICA tài trợ. Để hiểu rõ hơn về loại thẻ mới này, PV Doanh nghiệp Việt Nam đã có trao đổi với ông Takagi Michimasa, Cố vấn trưởng của Dự án cái thiện giao thông công cộng tại Hà Nội.

ông Takagi Michimasa, Cố vấn trưởng của Dự án cái thiện giao thông công cộng tại Hà Nội. Ảnh: Kiều GiangPV: Thẻ vé xe buýt thông minh đòi hỏi công nghệ sản xuất tiên tiến, nhưng trong bối cảnh hiện nay thì nó có những hạn chế gì về công nghệ và giá thành khi sản xuất ở Việt Nam thưa ông?

Ông Takagi Michimasa: Đầu tiên tôi xin nói thẳng là việc sản xuất thẻ điện tử ở mức độ bảo mật và tiêu chuẩn khoa học kỹ thuật như hiện nay thì không công ty nào ở Việt Nam có thể sản xuất. Tuy vậy, các công ty sản xuất thẻ ở Nhật Bản hiện đang tiến hành chuyển giao kỹ thuật cho phía Việt Nam, vì thế trong năm sau Việt Nam sẽ có nơi sản xuất được thẻ như vậy. 

Tuy nhiên, trong hệ thống này thì không chỉ có thẻ mà còn bao gồm đầu đọc thẻ và phần mềm đọc thẻ. Vấn đề này thì các công ty của Việt Nam có thể hoàn toàn đáp ứng được. Bản thân đầu đọc thẻ thì có rất nhiều nhà cung cấp ở trên thế giới nên các bạn có thể lựa chọn được loại phù hợp nhất cho môi trường sử dụng ở Việt Nam. Về phần mềm đọc thẻ, có rất nhiều công ty công nghệ Nhật Bản đang đặt hàng ở Việt Nam nên tôi nghĩ vấn đề về trình độ và kỹ thuật sản xuất thẻ ở Việt Nam có thể đáp ứng được. 

Thẻ này sẽ được sử dụng trong cuộc sống hàng ngày nên tôi mong rằng từ khâu sản xuất thẻ cho đến khâu phát triển phần mềm có thể giải quyết được ở Việt Nam. Các nhà sản xuất cũng như phát triển phần mềm ở Việt Nam có thể tham khảo công nghệ Nhật Bản sau đó đưa vào áp dụng trong nước một cách phù hợp nhất.

Về chi phí, như tôi đã chia sẻ trong tương lai Việt Nam có thể tự sản xuất thẻ nên chi phí sản xuất thẻ sẽ giảm hơn nhiều khi được làm ở Nhật Bản.

PV: Vậy hành khách sử dụng vé điện tử này sẽ tính phí đi xe theo từng lượt hay tính chung cả tháng như như vé thông thường hiện nay?

Ông Takagi Michimasa: Trong thí điểm vé điện tử lần này của chúng tôi, phương thức tính tiền cho vé tháng không khác hiện tại đó là vẫn dán tem lên thẻ, quẹt thẻ khi lên xe và sử dụng trong suốt cả tháng, không tính phí theo lượt mà chỉ tính cả tháng .

PV: Theo dự  kiến, ban đầu hành khách sẽ được phát miễn phí 200 ngàn thẻ, vậy các ông có sự tính toán nào về lượng người sử dụng thẻ hiện nay tại Hà Nôi. Và sau khi phát hết thẻ miễn phí thì khách hàng sẽ phải trả chi phí bao nhiêu để mua thẻ?

Ông Takagi Michimasa: Theo số liệu chúng tôi hiện có thì số lượng người sử dụng vé tháng hiện nay tại Hà Nội là trên 200 nghìn người. Dựa trên con số đó, trong giai đoạn đầu khi nghiên cứu, chúng tôi dự tính phát hành 300 nghìn thẻ nhưng nguồn ngân sách hỗ trợ từ JICA có hạn nên chúng tôi đã giảm xuống 200 nghìn thẻ để hầu hết mọi người đang sử dụng có thể chuyển sang vé điện tử.

Giai đoạn thí điểm hiện tại thì hệ thống mới lắp đặt trên 26 đầu xe tuyến số 06, nhưng trong tương lai khi lắp đặt trên toàn hệ thống xe buýt của Hà Nội với hơn 1000 đầu xe thì chúng tôi sẽ thảo luận với Sở GTVT để dựa trên nguồn ngân sách của thành phố để đưa ra chi phí cụ thể. Với thẻ điện tử có độ bảo mật cao như thế này, thì chi phí phát hành là khá cao.

Ở đây tôi xin đưa ra ví dụ ở Nhật Bản, ở Nhật Bản khi chúng tôi phát hành thẻ thì miễn phí nhưng yêu cầu hành khách có khoản đặt cọc là 500 yên. Hình thức đặt cọc nhằm tránh trường hợp hành khách sử dụng thẻ gây lãng phí như làm mất hay hư hỏng. Với cách làm như vậy, hành khách khi sử dụng thẻ sẽ cẩn thận hơn. Khi không còn sử dụng, hành khách có thể trả lại nơi phát hành để lấy lại tiền đặt cọc. Vì vậy, chi phí phát hành thẻ sau này chúng tôi sẽ thảo luận, trao đổi cùng sở GTVT Hà Nội để đưa ra cơ chế phát hành hợp lý nhất.

PV: Được biết ở Nhật Bản phải mất 16 năm để đưa vào áp dụng thẻ điện tử đại trà, đồng thời mất nhiều thời gian để tích hợp thêm các dịch vụ tiện ích khác. Vậy theo ông đánh giá sau thử nghiệm lần này thì khi nào dự án có thể áp dụng đại trà?

Ông Takagi Michimasa: Khi bắt đầu phát triển thẻ điện tử ở Nhật Bản thì chúng tôi chưa có chính sách nào cụ thể, mà do các nhà sản xuất, các nhà dịch vụ tự phát triển hệ thống riêng của họ. Chính vì thế nên ở Nhật Bản mất rất nhiều thời gian để đưa thẻ điện tử vào sử dụng rộng rãi. Tuy nhiên, dự án thẻ xe buýt điện tử ở Hà Nội hiện đã có đề án, khung chính sách cụ thể. Các bạn cũng đã có kinh nghiệm từ các quốc gia áp dụng trước cùng công nghệ kỹ thuật về thẻ vé điện tử hiện đã có. Do đó, tôi hi vọng nếu ngân sách thành phố Hà Nội có điều kiện thì trong 3-5 năm tới, dự án có thể bước sang giai đoạn tiếp theo là tích hợp vé điện tử rộng rãi trên hệ thống xe buýt cùng các phương tiện giao thông công cộng khác như xe buýt nhanh BRT hay đường sắt đô thị.

PV: Một số thông tin cho biết việc sử dụng loại thẻ thông minh này trên xe buýt ở TP.HCM bước đầu không thành công. Vậy khi thử nghiệm dự án này ở Hà Nội thì các ông đã lường trước những khó khăn và rút kinh nghiệm như trường hợp ở TP.HCM như thế nào?

Ông Takagi Michimas: Về dự án ở TP.HCM, có nhiều bài báo đưa ra thông tin là dự án không thành công. Tuy nhiên, theo tôi nó không thành công không phải ở mặt công nghệ mà do chưa có cơ chế quản lý phát hành thẻ cũng như việc tuyên truyền tới hành khách chưa được đầy đủ. Vì vây, lần này chúng tôi sẽ thí điểm dựa trên cơ chế phát hành một cách chặt chẽ sau đó mới tiến hành áp dụng chính thức.

Tôi cũng đã thử sử dụng thẻ trong TP.HCM nhưng ngay cả người phụ xe cũng không biết đầu đọc thẻ trên xe ở chỗ nào hay người dân phải đến đâu để có thể mua thẻ. Do thiếu thông tin như vậy nên sự phổ biến của thẻ mới không đạt được như kế hoạch. Vấn đề ở đây không phải do công nghệ mà là sử dụng công nghệ đó như thế nào cho hợp lý.

PV: Xin cảm ơn ông!

 

Hoàng Tuấn (ghi)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo