Thị trường

Sẽ thêm vài ngân hàng “bị xóa tên”

Năm ngân hàng đã “biến mất” trong đợt tái cơ cấu hồi năm 2012 - 2013, là Habubank, DeNhatBank, TinNghiaBank, DaiABank, Westerbank. Nhưng con số này sẽ không dừng ở đấy, khi mà thời gian tới, vài cái tên nữa cũng sẽ chính thức bị xóa.

SouthernBank và MeKongBank sẽ là 2 cái tên được nhắc đến trong thời gian tới, khi mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chấp thuận cho SouthernBank sáp nhập vào Sacombank, MeKongBank sáp nhập vào MaritimeBank. Ngoài ra, nhiều ngân hàng cũng đang ráo riết xúc tiến những cuộc gặp gỡ, tiếp xúc để có thể “về một nhà” trong thời gian tới.

Đại diện Sacombank, MaritimeBank cho biết NHNN đã chấp thuận về mặt chủ trương cho 2 ngân hàng khác sáp nhập vào. Theo đó, phía Sacombank xác nhận chủ trương sáp nhập với Southern Bank đã được NHNN thông qua từ trước. Tuy nhiên, thông tin mới hơn về đề án sáp nhập giữa 2 ngân hàng này vẫn chưa được tiết lộ. 

Hạn chế sở hữu chéo
 
Được biết, việc chấp thuận cho Sacombank và SouthernBank về cùng một nhà là do 2 ngân hàng này có cùng một số cổ đông lớn, trong đó có gia đình ông Trầm Bê. 
Cụ thể, tính đến thời điểm hiện tại, ông Trầm Bê, hiện là Phó Chủ tịch HĐQT, cùng gia đình, đang sở hữu tổng cộng 84,2 triệu cổ phần STB, chiếm 6,78% vốn điều lệ của Sacombank. Còn tại Southern Bank, theo báo cáo quản trị bán niên, tính đến thời điểm 30/6/2014, gia đình ông Trầm Bê vẫn đang sở hữu tới 20,14% vốn điều lệ ngân hàng này.
 
Như vậy, mục đích của cuộc sáp nhập này chính là nhằm xóa sở hữu chéo và tỷ lệ sở hữu vượt trần cho phép của gia đình Trầm Bê. Chủ trương này cũng đã được 2 ngân hàng thông qua trong cuộc trưng cầu ý kiến tại ĐHCĐ diễn ra hồi tháng 3 năm nay. Phía Sacombank còn dự kiến thương vụ này sẽ hoàn thành trong năm 2014. Tuy nhiên, đến nay, thương vụ này vẫn chưa có thêm thông tin gì mới. 
 
Tính chất thương vụ hợp nhất MekongBank vào MaritimeBank cũng mang ý nghĩa giảm tỷ lệ sở hữu chéo. Bởi tính đến thời điểm hiện tại, Maritime Bank hiện là một trong những cổ đông lớn đang nắm tỷ lệ cổ phần trên 10% tại MeKong Bank. Đồng thời, CTCK Maritime Bank, công ty con của Maritime Bank, cũng nắm giữ 7,39% cổ phần MeKong Bank. 
 
MaritimeBank còn cho biết, hiện ngân hàng đang cùng với phía Mekong Bank kiểm kê và đánh giá tài sản để hoàn thiện đề án sáp nhập gửi lên NHNN trong đầu năm 2015.
 
Đánh giá về hiệu quả hoạt động của các ngân hàng đã sáp nhập, tại phiên trả lời chất vấn Thường vụ Quốc hội diễn ra chiều ngày 29/9, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết các ngân hàng yếu kém được cơ cấu lại theo các phương án được duyệt đều có tình hình hoạt động ổn định và cải thiện hơn so với thời điểm bắt đầu thực hiện tái cơ cấu. 
 
 Sacombank và SouthernBank về cùng một nhà
 
Các tỷ lệ an toàn hoạt động, khả năng chi trả được cải thiện và cơ bản bảo đảm theo quy định của NHNN; huy động vốn từ dân cư tăng khá, nợ xấu đã tích cực được xử lý và thu hồi; các vi phạm về tỷ lệ sở hữu của cổ đông lớn, vi phạm về cấp tín dụng đang được khắc phục, xử lý; hệ thống quản trị và tổ chức bộ máy, mạng lưới đang được củng cố, chấn chỉnh. 
 
Đến cuối tháng 6/2014, tổng tài sản của 9 ngân hàng TMCP yếu kém tăng 3,l7% so với cuối năm 2013; huy động vốn tăng 3,28% so với cuối năm 2013; tổng dư nợ thị trường 1 tăng 10,18% so với cuối năm 2013.
 
Thống đốc cũng cho biết đối với các ngân hàng TMCP hoạt động bình thường, NHNN đã nhận phương án tái cơ cấu của 24/25 ngân hàng TMCP; trong đó đã phê duyệt 18 phương án tái cơ cấu, đồng thời yêu cầu các ngân hàng TMCP còn lại tiếp tục hoàn thiện phương án.
 
Có thêm nhiều thương vụ khủng
 
Không chỉ các ngân hàng, trong 7 tháng đầu năm 2014, NHNN đã chấp thuận VPBank mua lại Công ty tài chính Than khoáng sản; tiếp tục thẩm định phương án cơ cấu lại đối với 3 công ty tài chính (Công ty tài chính CP Điện lực, Công ty tài chính CP Hóa chất, Công ty tài chính CP Dệt may), phê duyệt phương án cơ cấu lại 8/8 TCTD phi ngân hàng nước ngoài (gồm 3 công ty cho thuê tài chính (VILC, KVLC, CILC) và 5 công ty tài chính (Toyota, Prudential, Mirae Asset, PPF, JACCS). 
 
NHNN đã chấp thuận về chủ trương việc MaritimeBank mua lại Công ty tài chính CP Dệt may, Công ty tài chính CP Vinaconex Viettel sáp nhập vào SHB, Techcombank xin chủ trương mua lại Công ty tài chính Hóa Chất.
 
Cùng với các TCTD trong nước, vài ngân hàng liên doanh thuộc diện yếu kém cũng phải thực hiện tái cơ cấu. Theo đó, việc triển khai cơ cấu lại Ngân hàng liên doanh Việt Nga (VRB) và đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về thực trạng hoạt động của VRB, đồng thời chỉ đạo BIDV và VRB xây dựng phương án cơ cấu lại phù hợp với Đề án 254 và định hướng hợp tác trong lĩnh vực ngân hàng giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Nga.
 
Đối với 2 ngân hàng liên doanh là VID Public và Việt Thái chưa bảo đảm mức vốn điều lệ theo quy định của Chính phủ (3.000 tỷ đồng), NHNN đã chỉ đạo các ngân hàng xây dựng phương án tái cơ cấu. Trong đó, NHNN đã báo cáo và Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý về nguyên tắc việc thoái vốn của BIDV trong liên doanh của VID Public. 
 
Đến nay, NHNN đã nhận được phương án thoái vốn của BIDV khỏi VID Public. Đồng thời, NHNN đang khẩn trương hoàn thiện báo cáo Thủ tướng Chính phủ hướng xử lý đối với Ngân hàng liên doanh Việt Thái theo quy định của pháp luật và Đề án cơ cấu lại.
 
NHNN đã tiến hành thu hồi giấy phép và kết thúc thanh lý đối với 2 chi nhánh của Ngân hàng liên doanh Lào - Việt, tiến hành thu hồi giấy phép và đang tiến hành thanh lý đối với 2 chi nhánh ngân hàng Credit Agricole. Hoàn thành việc đóng cửa và xác nhận việc chuyển giao tài sản - công nợ đối với các chi nhánh thuộc Ngân hàng ANZ và Ngân hàng Shinhan.
Thời báo Kinh doanh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo