Tin tức - Sự kiện

Sẽ tìm kiếm thuyền viên đến hy vọng cuối cùng

Gửi tàu tức tốc đến vùng bị nạn, kêu gọi các tàu thuyền xung quanh hợp tác cứu trợ, phối hợp chặt chẽ với lực lượng cứu nạn các nước... Các cơ quan chức năng và chủ tàu đang dùng mọi biện pháp để tìm 4 thủy thủ Saigon Queen.

Ông Đỗ Ngọc Lâm, Tổng giám đốc Công ty Vận tải biển Sài Gòn - chủ tàu Saigon Queen cho biết, hiện một tàu cứu nạn đã được điều đến vùng bị nạn, các tàu thuyền xung quanh khu vực vùng biển đó đều được thông báo để hợp tác tìm kiếm tung tích 4 thuyền viên mất tích.

Theo ông Lâm, tàu Saigon Queen đi từ Yangon (Myanmar) được 3 ngày thì vào vùng biển Sri Lanka - khu vực thường hay có bão bất ngờ. "Chiều 29/10, chúng tôi nhận tin có bão thì 10h30 sáng hôm sau bão đã mạnh lên cấp 8, cấp 9. Đến trưa cùng ngày, tàu với 22 thuyền viên thông báo gặp nạn".

"Chúng tôi rất bối rối. Hai ngày nay tôi chưa chợp mắt. Tất cả mọi người đang nỗ lực đến ánh sáng hy vọng cuối cùng để tìm anh em", ông nói và cho hay, ngày 31/10, công ty đã gặp gỡ người thân của 4 thủy thủ mất tích để động viên.

Ủy ban Quốc gia về tìm kiếm cứu nạn cũng đang phối hợp chặt chẽ với các lực lượng tìm kiếm cứu nạn Sri Lanka, Ấn Độ, lực lượng tuần duyên Mỹ nỗ lực tìm kiếm 4 thuyền viên đang mất tích.

Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng đã gửi công hàm tới Đại sứ quán Sri Lanka tại Hà Nội đề nghị nước này huy động mọi phương tiện sẵn có để tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn. Đại sứ quán Việt Nam tại Sri Lanka cũng đang khẩn trương phối hợp với các cơ quan chức năng sở tại tìm mọi biện pháp cứu giúp các thuyền viên bị nạn, đồng thời tìm kiếm các thuyền viên mất tích.



Vị trí cuối cùng của tàu Saigon Queen trước khi mất liên lạc.

Vị trí cuối cùng của tàu Saigon Queen trước khi mất liên lạc.

 

Về 18 thuyền viên được cứu vớt (xem danh sách), theo chủ tàu Saigon Queen, hiện tinh thần, sức khỏe của họ đang dần ổn định. Ngày 1/11, công ty bắt đầu làm thủ tục xin visa để đưa họ về nước.

Theo thông tin từ Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn, dự kiến 18 thuyền viên sẽ cập cảng Mongla (Bangladesh) ngày 3/11. Đại sứ quán Việt Nam tại Bangladesh đang làm việc cụ thể với các cơ quan chức năng sở tại nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các thuyền viên lên bờ và làm các thủ tục cần thiết giúp họ sớm về nước.

Đề cập tới thiệt hại, ông Nguyễn Phụ Thượng Điền, Trưởng phòng Khai thác tàu biển Công ty Saigon Ship cho biết: "Hiện tại chưa thể nói về thiệt hại của vụ tai nạn nhưng như tất cả các tàu biển khác đều mua bảo hiểm, Saigon Queen đã mua bảo hiểm của Công ty Bảo Việt".

Saigon Queen là tàu đầu tiên của Saigon Ship được đóng mới với tổng đầu tư 118 tỷ đồng năm 2005. Và đây cũng là con tàu đầu tiên có tải trọng lớn nhất được đóng ở phía Nam.

Trước đó, Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một thành viên Thông tin hàng hải Việt Nam (Vishipel, Cục Hàng Hải Việt Nam) cho biết, 12h22 ngày 30/10, Đài Thông tin Vệ tinh Mặt đất Cospas - Sarsat Việt Nam (VNLUT/MCC) thu được tín hiệu báo động cấp cứu qua hệ thống Cospas - Sarsat từ tàu Saigon Queen với tính chất không xác định và dữ liệu vị trí: 07-59.84N 84-11.91E.

Trung tâm thông tin đã xác minh và biết được, con tàu của Công ty Saigon Ship (quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh) cùng 22 thuyền viên đang hành trình chở gỗ từ Myanmar tới Ấn Độ. 10h28 ngày 30/10, tàu gửi điện về Saigon Ship để thông báo "do gặp thời tiết xấu nên hàng bị xô, tàu phải quay đầu xuôi dòng để chằng buộc lại".

Ngay sau đó, thông tin này đã được thông báo tới Vietnam MRCC để có phương án hỗ trợ tàu bị nạn kịp thời. 5h51 ngày 31/10, hệ thống xác định, Saigon Queen đã chìm tại vị trí trên, 18 thuyền viên của tàu đã được tàu Pacific Skipper (mang cờ Hy Lạp) hoạt động trong cùng khu vực hỗ trợ cứu vớt đêm 30/10. 4 thuyền viên còn lại mất tích, trong đó có thuyền trưởng.



Hồng Lĩnh (Theo VietNamNet)

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo