Sẽ xóa bỏ 1.000 doanh nghiệp nhà nước
Doanh nghiệp nhà nước làm ăn không hiệu quả là nguyên nhân kìm hãm tăng trưởng kinh tế. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết, đến năm 2020 sẽ chỉ còn 300 doanh nghiệp Nhà nước được tồn tại. Mới đây, Vinashin đã chính thức được xóa bỏ và thành lập SBIC trên cơ sở tổ chức lại công ty mẹ và 1 số đơn vị thành viên của Vinashin, số nợ nghìn tỷ của Vinashin cũng được tái cơ cấu qua các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước.
Xóa bỏ 1.000 doanh nghiệp nhà nước sau 7 năm
Phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên (VBF) 2013 sáng 3/12, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết đến năm 2015, Việt Nam sẽ chỉ còn 600 doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), và tiếp tục xuống còn 300 doanh nghiệp vào 2020 theo kế hoạch đã được Chính phủ phê duyệt.
“Thời gian qua, quá trình cổ phần hóa DNNN chậm vì ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế. Sắp tới sẽ đẩy nhanh hơn”, Phó Thủ tướng khẳng định.
Năm 2012, cả nước chỉ cổ phần hóa được 34 doanh nghiệp, những tháng đầu năm 2013, con số này chỉ dừng ở gần 100 doanh nghiệp, so với kế hoạch là 175. Sau 7 năm, đến năm 2020, số lượng doanh nghiệp trong khu vực này sẽ giảm gần 1.000, thay vì hơn 1.200 đơn vị hiện nay.
Tại diễn đàn, nhóm công tác thị trường vốn đã đưa ra một số khuyến nghị để đẩy nhanh cổ phần hóa, trong đó có giảm tỷ lệ sở hữu ở các ngành không nhạy cảm như hàng tiêu dùng, phân bón... "Bán một phần các doanh nghiệp sẽ giúp ngân sách Nhà nước thu được một khoản lớn trong giai đoạn khó khăn hiện nay, thay vì giảm lương tối thiểu hay tận thu từ những nguồn khác", nhóm nhận định.
Bày tỏ quan ngại về việc DNNN được ưu đãi nhưng lại hoạt động không hiệu quả, Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu (Euro Cham) Preben Hjorlund khuyến nghị: “Năm 2014, Chính phủ nên tiếp tục tập trung bảo đảm hiệu quả cải cách DNNN. Nếu không, sẽ tạo ra tình trạng không chắc chắn đối với nhà đầu tư và nguồn vốn FDI sẽ vẫn ở mức hạn chế so với tiềm năng thực sự”.
Đề xuất cải cách DNNN cũng được nhiều hiệp hội DN Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc, Bắc Âu, Nhật Bản… tại Việt Nam đặt ra. Theo ông Sato Motonobu, đại diện Hiệp hội DN Nhật Bản, với cơ sở kinh tế công nghiệp hiện nay thì không thể vừa duy trì ổn định kinh tế vĩ mô vừa đạt tăng trưởng 6%-7% mà nguyên nhân là nợ xấu và DNNN làm ăn không hiệu quả.
Mới đây, báo cáo tình hình tài chính và kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2012 của các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và doanh nghiệp có cổ phẩn, vốn góp của Nhà nước, được Chính phủ gửi đến Quốc hội cho thấy, các tập đoàn và tổng công ty nhà nước hiện có tổng số nợ phải trả là 1.35 triệu tỷ đồng, tăng 6% so với 2011, chiếm 56% tổng nguồn vốn.
Tổng số nợ phải thu năm 2012 là 275.975 tỷ đồng, trong đó nợ phải thu khó đòi là 13.490 tỷ đồng, tăng 24,5% so với năm trước và chiếm 4,89% tổng số nợ phải thu.
Một số công ty mẹ có tỷ lệ nợ phải thu/tổng tài sản ở mức trên 50%, thậm chí trên 60%. Như Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 8 nợ phải thu chiếm 66%, hay công ty mẹ - Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 5 chiếm 62%...
Tái cơ cấu dụng kế "ve sầu thoát xác", xóa lỗ, vứt nợ?
Vinashin sau tái cơ cấu được đổi thành SBIC, từ một doanh nghiệp thua lỗ chồng chất, nợ trên 80.000 tỷ đồng, Vinashin lột xác thành một DN hoàn toàn mới, không có lỗ lũy kế, có vốn điều lệ 9.520 tỷ đồng. Ngành nghề chính vẫn là đóng mới tàu thủy, hoán cải tàu thủy, tư vấn, thiết kế tàu thủy…
Ngoài ra, tổng công ty còn có nhiệm vụ khai thác cảng biển, cảng thủy nội địa, bến tàu, cầu tàu; kinh doanh hoạt động lai dắt, tàu kéo, tàu đẩy, xà lan, phương tiện nổi.
Đồng thời, SBIC hoạt động trong lĩnh vực xây dựng công trình thủy, nhà máy đóng tàu; sản xuất chế tạo kết cấu thép và các ngành, nghề sản xuất phụ trợ phục vụ trực tiếp cho ngành đóng mới và sửa chữa tàu thủy.
Trong báo cáo vừa gửi tới các đại biểu Quốc hội về kết quả thực hiện nghị quyết chất vấn và trả lời chất vấn tại 3 kỳ họp gần đây, Bộ trưởng Giao thông vận tải Đinh La Thăng cho biết, khoản nợ các tổ chức tín dụng trong nước của Vinashin đã được các tổ chức tín dụng giảm 13.152 tỉ đồng, khoản nợ các tổ chức tín dụng nước ngoài 13.163 tỉ đồng cũng đã được Chính phủ bảo lãnh trên thị trường Singapore, khoản nợ bắt buộc với các chủ tàu cũng đã giảm 1.704 tỉ đồng.
Theo Đất Việt
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
HoSE xem xét huỷ niêm yết bắt buộc đối với Thiên Nam TNA
Xăng dầu tăng giá mạnh, RON 95 lên sát 21.000 đồng/lít
Đẩy mạnh kết nối các doanh nghiệp Canada với thị trường Việt Nam
Đưa hàng Việt Nam tiếp cận người tiêu dùng ở Đông Bắc Thái Lan
Giá vàng trong nước tăng mạnh trở lại sáng 8/11 sau khi Fed hạ lãi suất
Giá heo hơi ngày 8/11/2024: Ổn định trên diện rộng
Cột tin quảng cáo