Sẽ xử lý nghiêm tham nhũng ODA
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết tại cuộc họp báo sau khi kết thúc cuộc họp cấp cao Ủy ban Đánh giá và Xúc tiến Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản diễn ra ngày 9/12. Cuộc họp đã tổng kết tình hình thực hiện Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản giai đoạn V và thống nhất khởi động giai đoạn VI.
Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, giai đoạn V qua 18 tháng triển khai, với 104 tiểu hạng mục đến nay đã có 77%, tức trên 80 tiểu hạng mục đã hoàn thành, còn lại đang tiếp tục triển khai.
Ông Fukada Hiroshi - Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam cho rằng với cơ chế hợp tác trong Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản sẽ góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam. Ngài Đại sứ cũng bày tỏ mong muốn nền kinh tế Việt Nam phát triển tự chủ hơn, có nền tảng phát triển công nghiệp hỗ trợ, tạo sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn. Nông nghiệp tạo sản phẩm có chất lượng cao, an toàn. Đây là những lĩnh vực phía Nhật Bản sẵn sàng hợp tác.
“Hy vọng giai đoạn tới cơ chế sẽ thông thoáng hơn để Việt Nam tham gia vào cộng đồng kinh tế ASEAN và phát huy được lợi thế cạnh tranh khi năm 2018 mọi hàng rào thuế quan sẽ xóa bỏ. Nhật Bản sẽ hỗ trợ toàn diện giúp Việt Nam đạt được mục tiêu của mình”- ông Hiroshi nói.
Trả lời câu hỏi của phóng viên Nhật Bản về giải pháp chống tham nhũng có được đưa vào giai đoạn 6 hay không, ông Hiroshi Fukada cho biết chống tham nhũng liên quan tới nhiều lĩnh vực của nền kinh tế. Phòng chống tham nhũng là vấn đề quan trọng mà Chính phủ Việt Nam đã nhận thấy rõ tầm quan trọng.
Còn tại các dự án ODA phát hiện tham nhũng vào tháng 6/2013, phía Việt Nam đã có xử lý nhanh. Hai bên đã có nhận thức, trao đổi về cơ chế kiểm tra, tăng quy chế để phòng tránh xảy ra lần thứ hai như vậy. Thời gian tới sẽ có tiếp tục trao đổi, thảo luận để phòng chống tham nhũng. Sáng kiến chung giai đoạn VI có đưa vào như một nội dung không thì sẽ xem xét trong nội bộ các nhóm và ủy ban.
Về vụ việc Công ty JTC, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho hay ngay sau khi nhận được thông tin, các bộ ngành Việt Nam đặc biệt là Bộ Giao thông Vận tải đã phản ứng kịp thời. Các đối tượng đã bị khởi tố, hiện đang hoàn tất thủ tục để xét xử. Hàng loạt dự án ODA khác cũng bị thanh kiểm tra, đồng thời rà soát việc sử dụng ODA trong dự án đường sắt. Bộ Kế hoạch Đầu tư đang cùng phía Nhật Bản xây dựng quy định về kiểm tra, kiểm toán nội bộ. Việt Nam cũng được quyền thanh tra, kiểm tra chặt các nhà thầu dự án ODA, đồng thời xây dựng hệ thống luật pháp để các công đoạn đấu thầu, lựa chọn nhà thầu được minh bạch.
“Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng, trình Quốc hội thông qua hàng loạt luật minh bạch, phù hợp thông lệ quốc tế như Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Doanh nghiệp. Giải quyết triệt để phải từ luật pháp để có muốn cũng không tham nhũng được, nếu phát hiện thì sẽ xử lý nghiêm khắc”, Bộ trưởng Vinh nhấn mạnh.
Là 1 trong 6 ngành triển khai theo Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản nhưng đến nay ngành công nghiệp ô tô vẫn chưa được phê duyệt kế hoạch hành động. Bộ trưởng Vinh cho rằng công nghiệp hóa ngành ô tô là lĩnh vực khó đối với Việt Nam do nhu cầu sử dụng ô tô, vì nhiều lý do chưa được khuyến khích, nhiều chính sách như thuế còn hạn chế. Một nguyên nhân nữa là do công nghiệp phụ trợ chưa đáp ứng được yêu cầu nên giá thành ô tô Việt Nam không cạnh tranh được với sản phẩm trong khu vực.
Khi xây dựng lại chiến lược phát triển công nghiệp ô tô mới, Bộ Công thương cũng gặp nhiều khó khăn Trong đó, thuế có thể giảm được nhưng nhiều vấn đề khác. Việt Nam chỉ còn thời hạn 3 năm vì đến năm 2018, thuế nhập khẩu ô tô trong ASEAN sẽ về mức 0%, khi đó ô tô các nước tràn ngập thị trường nếu công nghiệp ô tô Việt Nam không khẳng định được vị trí. Đây là ngành khó khăn nhất và chưa có giải pháp thỏa đáng để 2018 đạt được mục đích đề ra.
Đề cập tới nội dung xây dựng nghị định về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), Bộ trưởng Vinh thông tin Việt Nam đã gửi đi lấy ý kiến góp ý của cả thế giới, các tổ chức của Nhật Bản cũng tham gia. Tuy nhiên vấn đề Nhật Bản muốn cho công ty tư nhân được đề xuất danh mục đầu tư PPP chưa nhận được sự thống nhất của các đối tác nước ngoài như ADB vì cho rằng như thế sẽ không có sự bình đẳng trong việc lựa chọn nhà đầu tư.
Sau khi xem xét, cơ quan soạn thảo chấp nhận có ghi mục này, có thể cho phép doanh nghiệp tư nhân được tự giới thiệu, đề xuất dự án, ngoài dự án cơ quan nhà nước Việt Nam đưa ra nhưng chỉ chấp nhận ở chừng mực. Như thế quyền chủ động bao giờ cũng ở công ty đó, nhưng quy trình lựa chọn nhà thầu đã có quy định.
Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản là một hình thức hợp tác đặc biệt giữa các quốc gia, mang lại không chỉ lợi ích cho các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, mà còn góp phần quan trọng để Việt Nam cải thiện môi trường đầu tư ngày càng minh bạch, thông thoáng hơn, qua đó thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài từ Nhật Bản, cũng như các nhà đầu tư khác. Sau khi Giai đoạn V kết thúc, hai bên cũng đã thống nhất sẽ tiếp tục triển khai Giai đoạn VI Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản.
End of content
Không có tin nào tiếp theo