Tin tức - Sự kiện

Sếp tổng vừa dứt lời, EVN vội vàng đính chính

EVN cho rằng, phát ngôn của Tổng giám đốc Phạm Lê Thanh về số lượng 67.000 người đi thu tiền điện là chưa chính xác.

Ngày 3/10, EVN đã có công văn đính chính lại con số 67.000 người đi thu tiền điện.

Theo đó, hiện nay, EVN có 5 Tổng công ty Điện lực: Tổng công ty Điện lực Miền Bắc, Tổng công ty Điện lực Hà Nội, Tổng công ty Điện lực Miền Trung, Tổng công ty Điện lực Miền Nam và Tổng công ty Điện lực TP.HCM. Tổng số cán bộ công nhân viên của 5 Tổng công ty nói trên là 67.000 người, làm việc trong tất cả các khâu có liên quan đến kinh doanh, phân phối điện năng.
 
Theo EVN, 67.000 người đi thu tiền điện là không chính xác
 
EVN cho biết, số lượng nhân sự nói trên đang hàng ngày, hàng giờ duy trì, đảm bảo công tác cung cấp điện, đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp, quản lý vận hành đường dây và trạm biến áp phân phối, xử lý sự cố… để điện đến với tất cả khách hàng trên mọi miền đất nước: từ biên giới, hải đảo, vùng núi, vùng sâu đến đồng bằng, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước.
 
"Công tác thu tiền điện chỉ là một phần nhỏ trong các công việc của 67.000 cán bộ, kỹ sư, công nhân viên tại các Tổng công ty Điện lực", EVN nhấn mạnh
 
Một lần nữa, EVN khẳng định: “Tập đoàn Điện lực Việt Nam hiện có 67.000 cán bộ, kỹ sư, công nhân viên làm việc trong 5 Tổng công ty Điện lực”.
 
Cho rằng thông tin có đến 67.000 người đi thu tiền điện là chưa chính xác nhưng EVN lại chưa cho biết con số cụ thể này trên cả nước là bao nhiêu.
 
Thông tin 67.000 người chỉ làm công tác ghi chữ, thu tiền là do Tổng giám đốc EVN Phạm Lê Thanh phát biểu hôm 2/10 khi báo cáo Thủ tướng về vấn đề năng suất lao động trong ngành.
 
Theo đó, lãnh đạo tập đoàn này đã nhìn nhận, hiện tập đoàn đang có số lao động khá lớn, lên tới trên 100.000 người, nhưng năng suất lao động rất thấp, chỉ bằng 40% Thái Lan, 60% Malaysia và 10% Singapore.
 
Lý giải con số có đến 67.000 người chỉ có chuyên môn, nghiệp vụ là “đi thu tiền điện”, ông Phạm Lê Thanh cho rằng, năng suất lao động phụ thuộc vào trang thiết bị. Như ở các nước, riêng khâu thu tiền điện, ngành điện thu tiền qua ngân hàng, trong khi Việt Nam lại đi thu tiền tại chỗ.
 
Không đồng tình với lập luận này, Thủ tướng cho rằng, biên chế của EVN là quá lớn, đồng thời yêu cầu EVN “nếu thiếu thiết bị phải đi mua để giảm số người phục vụ”.
 
Theo bảng thống kê mức lương của 120 lãnh đạo thuộc 11 tập đoàn, tổng công ty vừa được Bộ Công thương công khai, sếp tổng của EVN, ông Phạm Lê Thanh - có mức lương 53,43 triệu đồng/tháng.
Báo Đất Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo