Tin tức - Sự kiện

Sếp Việt lãnh đạo tập đoàn Tây: Người Việt không thua kém

Ông là một người kỳ lạ, có phong thái của một cư sỹ phương Đông pha lẫn lối tư duy phương Tây. Một doanh nhân không đặt lợi nhuận lên hàng đầu. Một người Việt lãnh đạo doanh nghiệp lớn của Pháp.

Ông Nguyễn Công Phú trong một buổi làm việc với đại diện đại sứ quán Pháp tại Việt Nam.

 

PV Tiền Phong đã có cuộc trao đổi với tiến sỹ Nguyễn Công Phú, gốc miền Trung Việt Nam (ảnh)-Phó Chủ tịch Tập đoàn APAVE (1 trong 5 tập đoàn hàng đầu thế giới về lĩnh vực thẩm định, giám sát chất lượng các công trình xây dựng, công nghiệp) kiêm Tổng GĐ APAVE Châu Á-Thái Bình Dương (đặt trụ sở tại Việt Nam). Hiện, APAVE đang làm tư vấn giám sát cho Dự án hầm Đèo Cả.

 

“Đồng nghiệp quốc tế rất nể trọng mình”

 

Sống ở Pháp đã lâu, lại lãnh đạo cả người bản xứ, hẳn là ông có cơ sở để nói:“Người Việt Nam hơn ai thì không biết, nhưng nhất định không chịu thua ai”?

 

Lịch sử minh chứng vó ngựa quân Mông Cổ đi tới đâu cũng mang đến nỗi kinh hoàng tới đó, nhưng khi đến nước ta, họ thua đến ba lần.

 

Cá nhân tôi cũng đi nhiều nơi, Việt Nam là quê hương và cũng là điểm đến thứ 54. Tôi chiêm nghiệm rằng người Việt không thua bất cứ ở đâu. Trên thế giới có nhiều người Việt thành công ở những vai trò lớn. Dù họ có quốc tịch nước ngoài, nhưng vẫn mang dòng máu Việt. Ngay như Obama còn làm tổng thống Mỹ, biết đâu sau này người Việt làm được thế. Ở các tập đoàn lớn trên thế giới, người gốc Việt cũng có vị thế, vai trò nhất định. Tôi cũng cảm thấy, các đồng nghiệp quốc tế rất nể trọng mình. Tính quốc tế của tôi không thua kém gì họ.

 

Làm lãnh đạo cao cấp ở Tập đoàn APAVE, ông có cảm thấy áp lực và bí quyết quản trị là gì?

 

Để người bản địa làm việc dưới trướng người ngoại quốc, đòi hỏi mình thể hiện năng lực gấp 2-3 lần so với người bản địa cùng cấp. Quan điểm lãnh đạo điều hành của tôi là việc điều hành bao gồm quyền lực và quyền uy. Ở đây không đơn giản sử dụng cái quyền, mà làm sao mình phải thuyết phục bằng năng lực để phục vụ, mang lại quyền lợi cho cấp dưới. Khi đó, tự họ sẽ thấy mình là chủ tướng. Thay vì sử dụng quyền để ra lệnh, hãy tạo cảm giác cho nhân viên thích thú làm việc. Có hưng phấn mới tạo ra sản phẩm tốt. Nói vậy không có nghĩa bỏ qua tính kỷ luật.

 

Nghe nói APAVE tới Việt Nam và góp phần đặt nền móng cho việc giám sát độc lập, các tiêu chuẩn ISO, các dịch vụ kiểm tra kết cấu không phá hủy ở đây, thưa ông?

 

Trước kia, cơ chế bao cấp không có tính phân công làm việc, các bên đều của nhà nước. Khi về nước (đầu thập kỷ 90 thế kỷ 20), tôi đã giới thiệu bộ tiêu chuẩn ISO 9000 nhằm nâng chất lượng quản lý trong nước theo tiêu chuẩn nước ngoài. Đầu tiên làm trong lĩnh vực hàng không và đạt được thành tích đáng kể. Sau đó, các quy chuẩn này được mở rộng ra các doanh nghiệp ở lĩnh vực khác. Thời điểm đó, đất nước mới mở cửa, ISO 9000 như là giấy thông hành cho các doanh nghiệp để làm việc với đối tác nước ngoài.

 

Ngoài ra, theo cách làm của nước ngoài (châu Âu, Mỹ…), mỗi công việc cần thiết phải có sự tham gia của bên thứ ba vào công việc của bên đặt hàng và bên cung cấp hàng. Đó cũng là một trong những điều kiện của WTO. Thời điểm đó, tôi với tư cách đại diện APAVE đã nhiều lần làm việc với Bộ Xây dựng, đưa ra các khuôn mẫu, tổ chức các buổi thuyết trình, cùng tham gia xây dựng Luật xây dựng; trong đó có điều khoản rằng phải có bên thứ ba để giám sát chất lượng độc lập. Sau này, các công trình được xã hội hóa, vai trò bên thứ ba để đánh giá chất lượng sản phẩm càng quan trọng. Nơi nào có bên thứ ba làm việc độc lập, công trình có chất lượng hơn.

 

Liên quan đến vấn đề thử nghiệm không phá hủy. Ví dụ như việc xây dựng các nhà máy lọc dầu, các khu khí hóa lỏng muốn đánh giá chất lượng các bể chứa, các đường ống sau khi đã hàn gắn không dễ. Khi đó, APAVE cung cấp dịch vụ kiểm tra chất lượng kết cấu hàn của các công trình này mà không phá hủy cấu trúc của nó. Khoảng 5 năm sau, các công ty đối tác bắt đầu nắm bắt công nghệ của APAVE và tham gia vào thị trường này.

 

 

Nâng tầm đẳng cấp Việt

 

Lý do nào khiến ông chọn Việt Nam đóng trụ sở chính của APAVE Châu Á-Thái Bình Dương, thay vì những nước phát triển trong khu vực?

 

Thời điểm đầu năm 1990, tôi về nước với sứ mệnh tìm hiểu thị trường châu Á. Tôi có lợi thế hơn các đồng nghiệp khác là người xuất thân từ đây. Khi đó, tôi dựa trên quan điểm người Việt không hề thua kém ai, nên quyết định mở văn phòng tại đây và tuyển người Việt. Lúc mới bắt đầu, các công trình phải đưa khoảng 80% kỹ sư châu Âu sang, 20% còn lại cho kỹ sư Việt Nam tiếp cận. Dần dần, tỷ lệ này đảo ngược, nhiều kỹ sư Việt sang Pháp làm việc.

 

Sau khi mở rộng lên tầm 300 kỹ sư Việt Nam, tôi quyết định mở chi nhánh APAVE Malaysia phụ trách cả Indonesia, Thái Lan. Sau đó đi lên Đông Bắc Á mở APAVE Trung Quốc, APAVE Hàn Quốc, APAVE Nhật Bản. Đến đây có sự ngược đời rằng, một công ty mẹ tại Việt Nam lại đi quản lý các chi nhánh ở các nước phát triển, vốn chỉ đưa người sang Việt Nam làm chủ. Để thuận tiện, tôi quyết định đổi tên APAVE Việt Nam-Đông Nam Á thành APAVE Châu Á-Thái Bình Dương nhằm phụ trách toàn bộ khu vực châu Á và Thái Bình Dương, nhưng trụ sở vẫn tại Hà Nội.

 

Có những lúc, lãnh đạo tập đoàn mẹ ở Pháp muốn điều về thăng cấp, nhưng tôi chỉ muốn ở lại Việt Nam để phát triển sự nghiệp.

 

Sự nghiệp của mỗi người không chỉ là tiền

 

Đúng là chuyện kỳ lạ so với xu hướng chảy máu chất xám về những nước phát triển trên thế giới, thưa ông?

 

Để quản lý APAVE Châu Á-Thái Bình Dương với hơn 800 con người không đơn giản. Tôi luôn xác định sự nghiệp của mỗi người không chỉ là tiền, mà còn là thu nạp cả tri thức, trí tuệ. Mỗi kỹ sư của APAVE không phải làm thêm nghề tay trái.

 

Câu chuyện ở đây không chỉ là công việc mà khẳng định trí tuệ Việt Nam đủ sức “thi đấu” với nước ngoài, đặt trong môi trường nước ngoài cũng có thể làm tốt sau khi đã làm việc tại Việt Nam. Nếu xét về con số, mỗi kỹ sư của APAVE đang làm việc tại Việt Nam mang về cho công ty hàng tháng từ 2.000-2.500 USD, nếu những người này ra nước ngoài, họ không những tồn tại được mà còn có thể có thể mang về cho công ty gấp đôi, gấp ba, từ 6.000-7.000 USD. Điều đó cho thấy APAVE đang tạo ra những kỹ sư Việt Nam mang tầm quốc tế, sẵn sàng “thi thố” với đối thủ nước ngoài. Hiện APAVE Châu Á-Thái Bình Dương cũng đang có giám đốc trẻ thế hệ 8X phụ trách quốc tế trong lĩnh vực nhất định.

 

Doanh thu của APAVE châu Á- Thái Bình Dương như thế nào, thưa ông?

 

Nếu xét về con số, riêng APAVE tại Việt Nam năm 2014 có doanh thu khoảng 12 triệu USD, các văn phòng khác trong khu vực mỗi nơi khoảng 1 triệu USD. Con số này không nhiều so với 1 tỷ USD của Tập đoàn APAVE, nhưng họ vẫn rất tôn trọng công việc của mình. Bởi lượng công việc, chi phí để tạo ra doanh thu như vậy ở khu vực này thấp hơn nhiều lần tại tập đoàn. Nếu quy đổi, APAVE Châu Á-Thái Bình Dương chiếm khoảng 10% của tập đoàn, rất đáng nể khi đi lên từ con số không và tuổi đời còn rất trẻ so với hơn 100 năm tồn tại của tập đoàn mẹ. Giá trị giá tăng, chất xám kỹ sư mà APVAVE châu Á-Thái Bình Dương mạng lại cho tập đoàn rất lớn. Thậm chí, kỹ sư Việt Nam còn đi hỗ trợ các khu vực khác lấy hợp đồng về cho tập đoàn.

 

APAVE biến lợi nhuận thành trí tuệ, chất xám của kỹ sư, thay vì tích lũy tiền bạc. Tôi thuyết phục tập đoàn hiểu rằng mình đang xây dựng cơ sở vững chắc tại nơi sẽ giữ vai trò trung tâm thế giới của thế kỷ 21. Làm một phép thử, nếu bây giờ có bên nào hỏi mua APAVE châu Á-Thái Bình Dương, định giá đội ngũ gần 1.000 người như hiện nay sẽ không dưới 50.000 USD mỗi người. Đó là giá trị mang lại lớn nhất cho tập đoàn trong quá trình 20 năm hình thành và phát triển tại Việt Nam.

 

Vậy vai trò APAVE tại hầm Đèo Cả thế nào?

 

Khi được đề nghị tham gia dự án hầm Đèo Cả, tôi rất thích thú và đồng ý ngay bởi được trở lại lĩnh vực giao thông thời trai trẻ. Dự án cho thấy câu chuyện xã hội hóa các dự án giao thông của Việt Nam cần nâng tầm quốc tế, hợp tác với đối tác nước ngoài. Dù gặp khó khăn nhất định, nhưng với sự hợp lực của toàn thể anh em, trong đó APAVE đứng ra với liên danh giữa Pháp và Hàn Quốc tham gia giám sát công trình. Tuy nhiên, APAVE Châu Á-Thái Bình Dương không đơn thuần là đi giám sát, mà chúng tôi còn tư vấn, đóng góp ý kiến để dự án xứng tầm quốc tế. Hiện, có gần 100 kỹ sư của APAVE, chủ yếu là người Việt, túc trực giám sát tại Dự án hầm Đèo Cả. Hướng tới sau đó, APAVE còn tham gia dự án tại đèo Cù Mông. Tôn chỉ của chúng tôi là tư vấn giám sát vì lợi ích hài hòa các bên để làm việc lâu dài.

 

Cám ơn và chúc ông năm mới thành công hơn nữa!

 

 

“Tài sản lớn nhất của Việt Nam không phải tài nguyên khoáng sản, mà là gần 100 triệu người. Tài nguyên trí tuệ của 100 triệu người dân mới đáng giá và lâu bền. Phải phát triển trí tuệ đủ sức hội nhập toàn cầu hóa mới đáng quý”. 

TS Nguyễn Công Phú, Tổng GĐ APAVE châu Á-Thái Bình Dương.

Theo Tiền Phong
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo