Sính lễ Vu Lan thời "a còng"
Theo tín ngưỡng dân gian, tháng Bảy âm lịch có tới hai lễ lớn: Lễ cúng “cô hồn” và Lễ Vu Lan. Mọi người mọi nhà đều cố gắng sắm lễ thật tươm tất để báo hiếu ông bà tổ tiên và cầu bình an. Những ngày này, các khu vực bán đồ vàng mã trở nên nhộn nhịp, sầm uất hơn bao giờ hết.
Nhiều nhà cũng tranh thủ bán thêm hàng mã mùa Vu Lan |
Tại Hàng Mã, người ta đã bắt đầu đi sắm đồ cúng Vu Lan từ đầu tháng 7 âm lịch. Các mặt hàng được mua chủ yếu là quần áo, giày mũ, ngựa và tiền vàng. Ngoài ra còn có nhiều mặt hàng mới lạ như xe hơi, nhà lầu, tivi, tủ lạnh, máy giặt, thậm chí iphone, ipad, thẻ ATM. Giá của một bộ quần áo từ 30.000 - 50.000 đồng/bộ, trang sức 40.000 đồng/bộ, tivi, tủ lạnh, điều hòa từ 50.000 - 100.000 đồng, biệt thự từ 100.000 - 300.000 đồng, ô tô từ 100 - 150.000 đồng, xe đạp 80- 100.000 đồng, Iphone, Ipad từ 40.000 - 80.000 đồng.
Có nhiều khách hàng đặt mua bộ lễ lên tới vài triệu đồng. Những bộ lễ này không chỉ có quần áo, giày mũ thông thường, mà có cả trang sức, phụ kiện hàng hiệu, xe Lexus, Camry, xe máy SH, thậm chí xe tăng, máy bay. Tuy nhiên, đối tượng khách hàng này không nhiều, chủ yếu là người kinh doanh buôn bán hoặc những người sùng đạo.
Tại các cửa hàng bán lẻ ở chợ các khu dân cư, tuy mặt hàng không phong phú, đa dạng như ở Hàng Mã nhưng giá cả lại có phần “mềm” hơn. Cụ thể, tại khu vực Kim Mã, giá thành một bộ quần áo cúng dao động từ 12.000 - 35.000 đồng. Càng gần đến ngày lễ, khách mua lại càng đông, bà Thịnh (chủ cửa hàng vàng mã khu Kim Mã) phải luôn tay trải, sắp lễ cho khách. Chị Minh - chủ một cửa hàng bán vàng mã ở Cầu Giấy cho hay: “Năm nay nguồn hàng nhập về có giá thành rẻ hơn năm ngoái, nên bán ra cũng có giá thấp hơn.
Thời buổi kinh tế khó khăn nên mỗi người đều chỉ mua lễ nhỏ |
Tuy nhiên người mua cũng không nhiều bằng mọi năm, do thời buổi kinh tế khó khăn nên mỗi người đều chỉ mua lễ nhỏ.” Theo chị Minh, khách hàng năm nay chuộng mua đồ Tây, sơ mi, áo vest, mũ phớt và đô la, còn các mặt hàng truyền thống như áo dài, nón, hài, tiền vàng thì ít được hỏi mua hơn. Đối với ông Hùng (Nghĩa Tân) thì những dịp thế này, ông thường gọi con cháu về quây quần bên mâm cơm, cùng ôn lại những chuyện xưa trong gia đình, còn việc đốt vàng mã chỉ mang ý nghĩa tượng trưng, nên ông chỉ mua hai bộ lễ cho cụ ông và cụ bà về hóa vàng.
Tranh thủ kiếm lời mùa Vu Lan Nhiều người “nhạy bén” cũng tranh thủ dịp này nhập hàng mã về bán kiếm thêm thu nhập. Các mặt hàng không nhiều và đa dạng như những hàng chuyên về vàng mã, nhưng cũng đủ cung cấp cho các khách hàng ở khu dân cư tiện mua trên đường đi chợ, đi làm. Vì chỉ là nghề “tay trái” làm theo thời vụ nên các cửa hàng tự phát này không ôm hàng nhiều mà chỉ nhập số lượng vừa phải với các mặt hàng dễ tiêu thụ như quần áo, tiền vàng.
Theo lời chị Liên - chủ một tiệm bán chè Thái ở Đội Cấn, mỗi đợt buôn bán thời vụ như thế này gia đình chị cũng kiếm thêm được 4-7 triệu từ buôn vàng mã. Trong năm gia đình chị cũng chỉ nhập vài đợt hàng bán vào các dịp thế này, chứ bình thường chị không kinh doanh tiền vàng gì. Bên cạnh hàng mã, các mặt hàng “phái sinh” khác phục vụ mùa lễ hội như: bỏng, trầu cau, hoa tươi,... cũng rất đắt khách.
Chị Xuân (khu Kim Mã) chia sẻ, bình thường chị ở nhà làm ruộng, làm vườn, mỗi năm chỉ đi “buôn” vàng mã và đồ cúng hai lần là tháng Bảy và tháng Chạp âm lịch: “Vì lúc này, nhà nào cũng cần, bán thế nào cũng hết!”
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Thủ tướng Phạm Minh Chính đối thoại chính sách đặc biệt tại WEF Davos
Làng Tom Sara Đà Nẵng được trao giải thưởng Du lịch Cộng đồng ASEAN
Vừa đi xe đạp vừa nghe điện thoại bị phạt bao nhiêu tiền?
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự phiên thảo luận 'ASEAN gắn kết để vươn xa'
Thủ tướng yêu cầu bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết và lễ hội xuân